Toàn cầu hóa và hiểm họa từ một loại virus
Câu chuyện quốc tế 21/02/2020 10:05
Kì 1: Những thông tin cảnh báo, khởi nguồn cuộc khủng hoảng “phức tạp và nghiêm trọng”
Tối 30/12, một bác sĩ trẻ ở thành phố Vũ Hán gửi đi dòng tin nhắn ngắn cho nhóm đồng nghiệp. “Bảy ca SARS được xác nhận tại chợ hải sản Hoa Nam”, anh viết. SARS, căn bệnh do virus gây ra bùng phát tháng 11/2002, từng cướp đi 774 mạng sống. “Tôi thấy rõ chúng ta đang đối mặt với một vấn đề sức khỏe cộng đồng”, vị bác sĩ nói.
Anh là Lý Văn Lượng, bác sĩ nhãn khoa tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán. Câu chuyện mà anh nói với tờ nhật báo Thanh niên Bắc Kinh được chia sẻ hàng chục nghìn lần trên mạng ở Trung Quốc.
Lúc 1 giờ 30 ngày 31/12, Ủy ban y tế thành phố triệu tập và thẩm vấn Lý Văn Lượng nhiều lần trong ngày. Công an sau đó cũng triệu tập, nói việc lan truyền thông tin như vậy là hành vi phạm pháp có thể bị trừng phạt và yêu cầu anh viết tờ khai nhận lỗi.
Ngày 10/1, khoảng buổi trưa, tôi bắt đầu ho. Ngày hôm sau, tôi lên cơn cơn sốt. Đó là khi tôi biết mình gặp rắc rối. Bác sỹ Lý Văn Lượng |
Song anh chưa bao giờ bị trừng phạt. Thay vào đó, anh nhiễm phải loại virus mà mình đã cảnh báo. “Ngày 10/1, khoảng buổi trưa, tôi bắt đầu ho. Ngày hôm sau, tôi lên cơn cơn sốt. Đó là khi tôi biết mình gặp rắc rối”, anh nói.
Ngày 16/1, anh bắt đầu khó thở.
Ngày 24/1, anh được chuyển đến phòng hồi sức tích cực.
Tới 27/1, anh viết câu chuyện trên điện thoại. Anh không thể nói và chỉ có thể thở bằng máy.
Ngày 7/2, bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời.
Giờ thì cả thế giới đã biết bác sĩ Lý là một trong những người đầu tiên cảnh báo về dịch bệnh đang lây lan nguy hiểm, dù đó không phải là SARS.
Số người chết vì căn bệnh, đã được đặt tên chính thức là “Covid-19”, do chủng virus corona mới gây ra, đến nay đã vượt qua SARS. Tính đến sáng 19/2, toàn thế giới đã có hơn 74.000 ca nhiễm và 2.009 ca tử vong được ghi nhận, 99% ở Trung Quốc đại lục.
Dịch bệnh đang khiến các nhà khoa học, chính trị gia và doanh nhân lo lắng. Thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại và chứng khoán ngay lập tức sụt giảm. Virus làm đảo lộn cuộc sống hằng ngày của mọi người, cách họ kinh doanh và đi lại. Nỗi sợ về dịch bệnh hiển hiện ở mọi nơi trên thế giới.
Theo nhóm các quan chức Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường đứng đầu, quốc gia đông dân nhất và nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng “phức tạp và nghiêm trọng”.
Đất nước xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá hơn 2.300 tỉ USD mỗi năm và chịu trách nhiệm cho khoảng 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chuyện gì sẽ xảy ra khi giờ đây các sân bay, cảng biển của Trung Quốc bị đóng cửa? Điều này sẽ phá vỡ vô số chuỗi cung ứng trên khắp thế giới, cả lớn và nhỏ.
Dịch bệnh đã cho thấy, nền kinh tế phụ thuộc vào nhau trong thế kỉ XXI dễ bị tổn thương như thế nào. (Còn nữa)