Tỉnh Vĩnh Phúc: 25 năm tái lập, xây dựng và phát triển - một chặng đường ấn tượng
Xã hội 20/12/2021 09:40
Xuất phát điểm từ tỉnh nông nghiệp, ngập tràn khó khăn, thiếu thốn đủ bề, vì vậy, tăng trưởng kinh tế và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế là bài toán được Vĩnh Phúc có cách giải thông minh để quy mô giá trị tăng thêm. Năm 2020 đạt 123,6 nghìn tỉ đồng, đứng thứ 14 cả nước, đứng thứ 6 trong vùng đồng bằng sông Hồng; năm 2021 đạt 235,1 nghìn tỉ đồng, tăng gấp 69 lần năm 1997. GRDP bình quân đầu người năm 2021 đạt 113,4 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 52 lần so với GRDP bình quân đầu người năm 1997.
Từ một tỉnh thuần nông khi tái lập, nay khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế và giữ tỉ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Năm 2021, tỉ trọng khu vực này chiếm 63,51% (năm 1997 là 18,4%). Thu hút đầu tư để phát triển doanh nghiệp vừa chắc chắn, vừa nhảy vọt, là “điểm sáng” của cả nước về công tác thu hút đầu tư. Nếu 1998 mới chỉ thu hút được 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) thì đến cuối 2021, trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng kí là 7,1 tỉ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ (trong đó có nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cùng nhiều nước ở châu Âu); 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỉ đồng.
Một đại lộ của tỉnh lị Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) xanh - sạch - đẹp . |
Năm 1997 chỉ có 91 doanh nghiệp đăng kí hoạt động với số vốn 57 tỉ đồng thì năm 2021, toàn tỉnh có trên 13.000 doanh nghiệp (tăng 141 lần) với số vốn đăng kí đạt 150 nghìn tỉ đồng, trong đó 70% thực tế hoạt động. Thời điểm tái lập, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ có 1 khu công nghiệp (KCN) Kim Hoa với quy mô 50ha thì đến cuối 2021 có 14 KCN lớn, trong đó 8 KCN đi vào hoạt động với tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê, đăng kí thuê là 893,47 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt 50,72%. Cùng đó, ngành tiểu thủ công nghiệp, làng nghề được quan tâm đầu tư phát triển, tạo phong trào thi đua thúc đẩy sản xuất toàn diện, liên hoàn trong toàn tỉnh.
Sản xuất, kinh doanh phát triển nên thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng là một “kì tích”. Nếu năm 1997 chỉ đạt 100 tỉ đồng thì năm 2021, tổng thu ngân sách đạt trên 32 nghìn tỉ đồng (trong đó thu nội địa gần 28 nghìn tỉ đồng), gấp 282 lần năm 1997.
Xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới (NTM) trong 25 năm qua cũng thật ngoạn mục bằng những tuyến đường giao thông huyết mạnh được nâng cấp và mở rộng, tạo sự hoành tráng và thuận tiện; giao thông nông thôn cứng hóa đạt trên 95%; cung cấp điện 100% và nước sạch 92%; hệ thống thủy lợi nội đồng đã kiên cố hóa 100% kênh loại 1, 2 và 98% kênh loại 3…
Một dãy phố của Khu đô thị sinh thái Nam Đầm Vạc (tỉnh lị Vĩnh Yên- Vĩnh Phúc) đang được xây dựng hiện đại. |
Toàn tỉnh có gần 30 đô thị, trong đó thành phố Vĩnh Yên đang phấn đấu là đô thị loại I, giữ vai trò tỉnh lị; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và nhiều đô thị khác thuộc các huyện; tỉ lệ dân số đô thị trên 46%. Nhiều dự án lớn, trọng điểm tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc mang tầm quốc gia, quốc tế như: Công viên Quảng trường Hồ Chí Minh; Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện Sản - Nhi Vĩnh Phúc; khu du lịch sinh thái Tam Đảo, danh thắng Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc…
Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông NTM, trong đó có 11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 36 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 6/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có trên 25 sản phẩm OCOP… Mạng lưới kinh doanh dịch vụ phát triển mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn theo hướng hiện đại, văn minh với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, tạo sự hấp dẫn, thuận tiện để nâng cao sức mua của người dân. Ngành du lịch “đổi đời” bằng phát triển hạ tầng; nâng chất lượng toàn diện; tạo thế độc đáo, nổi bật là Khu du lịch Tam Đảo được công nhận là Khu du lịch Quốc gia; Với 4 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 88 khách sạn 3 sao, Vĩnh Phúc chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh của miền Bắc…
Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội; văn hóa - thể thao; hoạt động khoa học và công nghệ; tài nguyên môi trường... đều phát triển rạng rỡ, có tiếng vang trong khu vực và toàn quốc. Công tác quốc phòng - an ninh, đối ngoại vững chắc, chủ động, tạo thế mạnh toàn diện cho sự “hội nhập và lan tỏa” của tỉnh.
Trong 2 năm (2020 - 2021), Vĩnh Phúc là tỉnh quyết liệt, quyết tâm, bài bản, linh hoạt, khôn khéo, thông minh để tạo nên sức mạnh đoàn kết toàn dân trong cuộc chiến chống Covid-19 trên toàn địa bàn cũng như góp thêm kinh nghiệm, đội ngũ chuyên môn y tế và vật chất cùng nhiều tỉnh giành chiến thắng qua 4 đợt dịch...
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy và ông Lê Duy Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII (2020- 2025), toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân tỉnh Vĩnh Phúc đã và đang phấn chấn, quyết tâm, sáng tạo thực hiện lời dạy cũng như mong ước của Bác Hồ khi Người về thăm Vĩnh Phúc năm 1963: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giầu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta”.