Tinh thần hiếu học ở làng quê cách mạng
Giáo dục 14/01/2019 14:27
Em Lê Khánh Linh và Nguyễn Phương Anh - học sinh lớp 9A, Trường THCS Đồng Lương đạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện. |
Mặc dù vậy các thế hệ người dân Đồng Lương không ngừng phấn đấu xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Quá trình đó đã hình thành nên những truyền thống tốt đẹp, đó là nếp sống nhân ái, nghĩa tình; tinh thần kiên cường bất khuất; đặc biệt là sự cần cù, sáng tạo, có ý chí cao, không ngừng vươn lên trong lao động, học tập. Phong trào “gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập” ở Đồng Lương ngày càng được phát huy và lan tỏa.
Những người cao tuổi ở xã Đồng Lương vẫn còn nhớ những ngày sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, “Diệt giặc dốt” là một trong 3 nhiệm vụ lớn. Khi đó, cụ Vi Văn Mai được nhận nhiệm vụ Trưởng ban Bình dân học vụ của xã, phân công các thành viên đến từng gia đình tuyên truyền, vận động nhân dân đi học. Càng về sau, phong trào Bình dân học vụ càng phát triển tự giác hơn, lan rộng, ăn sâu vào các thôn xóm, trở thành một phong trào với những hình thức tổ chức sinh động, thích nghi với điều kiện sinh hoạt của nhân dân.
Người dân học chữ mọi lúc, mọi nơi: Trong nhà, ngoài ruộng, bên gốc đa, sân đình, trên rừng... từ những em bé 6-7 tuổi đến các cụ già 60-70 tuổi, đặc biệt là có rất nhiều nữ giới- những người vốn bị mặc định chỉ làm việc đồng áng, bếp núc trong xã hội xưa lúc đó cũng hăng hái tham gia học tập. Giấy, mực, bút viết không có bà con dùng lá chuối, lấy gạch non, sắn khô thay cho phấn viết, lấy mặt đất, tường nhà, nong nia, lưng trâu… thay cho bảng đen.
Tối đến các đội Nhi đồng cứu quốc khua trống ếch để cổ động người dân đi học. Những nơi nhiều người qua lại như ngõ xóm, cổng làng, xã cho treo nong, nia, mẹt, phên cót, trên viết các chữ cái bằng vôi để ai đi qua cũng có dịp nhẩm, ôn các chữ đã học. Nhờ đó chỉ một năm sau nhiều người cao tuổi biết đọc, biết viết, ai chậm chạp cũng viết được tên mình, tên đất nước, người trẻ tuổi biết chữ, nhiều người biết làm toán đơn giản.
Ban chấp hành Hội Khuyến học xã Đồng Lương gặp gỡ các em học sinh để động viên, khích lệ tinh thần và kịp thời nắm bắt những khó khăn để có hướng giúp đỡ. |
Truyền thống hiếu học đã có nền tảng từ xa xưa trên quê hương cách mạng. Thế hệ cha ông đi trước là những người truyền lửa cho tinh thần hiếu học của thế hệ sau, cho đến nay tinh thần ấy ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều năm liền, Đồng Lương được ghi nhận là một trong những xã có số học sinh thi đỗ vào THPT, các trường đại học, cao đẳng và có số lượng học sinh giỏi các cấp đứng tốp đầu của huyện. Nhiều người đạt giải cao trong các kỳ thi cấp huyện, tỉnh, Quốc gia và khu vực giờ trở thành giáo sư, tiến sĩ tại các trường trong nước và nước ngoài như: Chị Nguyễn Thị Hậu, Nguyễn Thị Thu Uyên, anh Phan Đặng Nhật Minh và nhiều con em Đồng Lương đang là sĩ quan Quân đội. Nhiều người dù không bước vào cánh cổng đại học nhưng vẫn luôn ý thức về sự học để lập nghiệp trên mảnh đất quê hương tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương như anh Nguyễn Văn Thanh, khu 13 - Trưởng làng nghề sản xuất, chế biến chè; anh Trương Văn Chí - chủ cơ sở sản xuất trứng tằm.
Các tổ chức hội, đoàn thể luôn quan tâm đến công tác khuyến học, khuyến tài để khích lệ tinh thần học tập của các em học sinh, huy động được nhiều nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, con em quê hương tâm huyết với sự nghiệp giáo dục và công tác khuyến học, khuyến tài. Trong đó, Hội Phụ nữ nhiều năm qua đã xây dựng phong trào nuôi lợn khuyến học, hàng năm số tiền đó được dùng để trao thưởng cho học sinh có thành tích học tập tốt và giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn nỗ lực vươn lên. Hội Cựu giáo chức xã, các chi hội cơ sở, các dòng họ đều có những hình thức tuyên dương khen thưởng riêng.
Năm học 2017-2018, Hội Khuyến học xã đã trao thưởng cho 32 em trúng tuyển đại học, 42 em đạt học sinh giỏi các cấp, 7 em đạt học sinh nghèo vượt khó và 16 gia đình trong xã đạt gia đình học tập tiêu biểu cấp xã. Em Lê Khánh Linh- học sinh lớp 9A, Trường THCS Đồng Lương, hai lần đạt giải Nhất kỳ thi học sinh Giỏi môn Văn cấp huyện chia sẻ: “Hàng năm, em và các bạn đạt thành tích trong học tập đều được tuyên dương, khen thưởng tại khu dân cư, dòng họ… đó là động lực để chúng em phải cố gắng hơn nữa để không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, gia đình và sự quan tâm của hội khuyến học”.
Ông Hoàng Minh Hiến - Chủ tịch Hội Khuyến học xã cho biết: “Trong năm Hội khuyến học xã đã tổ chức các buổi tuyên truyền về Luật Giáo dục trong các nhà trường, các chi hội, các ban khuyến học ở dòng họ, trên hệ thống đài truyền thanh và qua các hội nghị họp của các tổ chức đoàn thể, tuyên truyền về ý nghĩa của công tác khuyến học xây dựng mô hình xã hội học tập, tổ chức thực hiện đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”, 100% các cơ quan, khu dân cư, dòng họ và trên 90% các gia đình đăng ký tham gia mô hình học tập. Hội Khuyến học đã ra quyết định thành lập tổ tư vấn hàng năm rà soát chấm điểm từng mô hình và biểu dương, khen thưởng các mô hình học tập tiêu biểu trong dịp tổ chức ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư”.
Người Đồng Lương trải qua bao thế hệ luôn nhắc nhở và dạy dỗ con cháu - những thế hệ đi sau phải lấy sự học làm cốt lõi, phải học trở thành người có ích để xứng đáng với truyền thống ân nghĩa tốt đẹp của một làng quê cách mạng.
Báo Phú Thọ