Tỉnh Nghệ An: Trồng sim cho thu nhập cao
Tuổi cao gương sáng 19/07/2023 14:28
Ông Nguyễn Trọng Kỷ, 75 tuổi, ở xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cho biết: Mấy năm trước, thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9, gia đình ông thu cả chục triệu đồng từ quả sim trong vườn. Nhưng năm nay, sim rừng tự nhiên mất mùa do nắng nóng kéo dài. Tuy nhiên, đối với những hộ trồng sim tập trung, khoanh nuôi, chăm sóc tốt thì cho nguồn thu đáng kể.
Một số hội viên Người cao tuổi đang thu hoạch sim trong vườn nhà mình |
Gia đình bà Nguyễn Thị Chung, ở xóm 3, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương trồng 6 sào sim. Để cây sim phát triển tốt, cho năng suất cao, bà đã đầu tư giếng khoan, hệ thống béc tưới tự động, chăm sóc sim theo đúng kĩ thuật. Nhờ đó, sim sai trĩu, quả căng mọng và có vị ngọt đậm đà. Bà Chung cho biết: “Diện tích này, trước đây gia đình tôi trồng chè, sau cây chè bị chết, không cứu đươc nên gia đình chuyển sang trồng sim. Giống sim này là cây bản địa, được đào từ đồi núi trong xã và chuyển về trồng tập trung tại vườn. Nhờ chủ động nước tưới, chăm sóc tốt nên cây sim cho quả to, mọng và sai. Có những gốc sim cho thu hái 10-15kg/mùa”.
Sim sau khi thu hái, được thương lái đến mua tận vườn với giá từ 40-50.000 đồng/kg. Năm nay, sim rừng mất mùa, quả nhỏ, cằn nên loại sim đẹp tại vườn giá khá cao. Thời điểm đầu mùa, có giá 60.000 đồng/kg, cao hơn các năm trước từ 10.000-15.000 đồng/kg. “Vụ sim năm nay, chỉ có những hộ trồng tập trung, những vùng khoanh nuôi, có nước tưới thì sim được mùa. Sim khan hiếm, giá cả cũng cao hơn các năm trước nhưng cũng không có hàng để thu mua. Có những năm, mỗi ngày mua từ 3-5 tạ sim, dân chở đến nhập ồ ạt, còn năm nay, phải đi thu gom tận nơi” - Bà Nguyễn Thị Hải, thương lái chuyên thu mua sim ở huyện Hưng Nguyên cho biết.
Sim được ngâm rượu, làm trà… cho là thần dược quý cho người cao tuổi |
Hiện nay, nhu cầu sử dụng sim rừng để chế biến rượu sim, si-rô sim, trà sim khá cao, sim dễ tiêu thụ, giá bán ổn định. Do đó, ở nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An, nhiều hộ đã đưa cây sim về trồng ở các vùng đồi cằn cỗi, đất hoang hoá, trồng xen dưới tán rừng vừa cho thu nhập, vừa tăng độ che phủ cho đất, tạo cảnh quan sinh thái. Tuy nhiên, để phát triển cây sim thành hàng hoá, theo các chuyên gia kinh tế, các địa phương cần có quy hoạch cụ thể, kết nối, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đa dạng các sản phẩm từ sim rừng để tạo đầu ra ổn định cho cây sim rừng.
Ông Lê Minh Sơn, Chủ tịch Hội NCT huyện Thanh Chương cho biết: Thanh Chương là huyện có diện tích đồi núi, nhiều lợi thế để khoanh nuôi, bảo vệ một số diện tích cây sim bản địa. Hiện nhiều NCT trong huyện có thu nhập cao nhờ trồng cây sim.
Theo đông y, quả sim có vị ngọt, chát, tính bình có tác dụng hành huyết, chỉ huyết, bổ huyết, hoạt lạc, thường dùng trong trường hợp suy nhược cơ thể, thiếu máu do mất máu, thiếu máu do thai nghén, người yếu mệt sau khi có bệnh, suy nhược thần kinh, ù tai, di tinh. Với những đặc tính tốt của loại quả này nên khoảng 10 năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng sim rừng để ngâm rượu, làm si rô, làm trà sim gia tăng. Nhận thấy giá trị kinh tế của loại quả rừng này, nhiều địa phương trong tỉnh Nghệ An đã có phương án khoanh nuôi, bảo vệ, khai thác cây sim có hiệu quả.