Tin giả bùng phát giữa đại dịch Covid-19: "Tỉnh táo" trước khi chia sẻ
Tin pháp luật 04/08/2021 18:03
Thống kê của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) cho thấy, trong 6 tháng đầu năm; trung tâm này nhận được hơn 1.100 lượt báo cáo tin giả, với tổng số tiền phạt hành chính là 177 triệu đồng. Trong đó, những thông tin chủ yếu bị xử lý là tin giả liên quan đến Covid-19.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, người dân buộc phải giãn cách xã hội, thời gian ở nhà quá nhiều, ảnh hưởng đến tâm lý. Để giải khuây, người dùng kết nối, tương tác trên mạng xã hội nhiều hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khối lượng thông tin được chia sẻ gia tăng.
Vô số tin giả xuất hiện trong bối cảnh gia tăng dịch bệnh Covid-19 |
Bên cạnh thông tin chính thống, về chỉ đạo điều hành từ Chính phủ đến các cấp ngành về về dịch bệnh được nhiều người quan tâm thì những thông tin sai lệch, thiếu căn cứ, gây hoang mang trong xã hội cũng được nhiều người dùng “vô tư” chia sẻ.
Chưa kể đến một thực trạng khác đó là một số đối tượng lợi dụng các thông tin này để xuyên tạc chủ trương, chính sách của nhà nước về công tác phòng chống dịch.
Mới đây, theo thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội, vào ngày 2/8/2021, tài khoản Lệ Trần đăng tải trên mạng xã hội Facebook thông tin “12h đêm nay Hà Nội sẽ có chỉ thị mới về việc giãn cách. Người dân sẽ chỉ đc ra ngoài 7 ngày 1 lần chứ ko được đi chợ cách ngày như bây giờ. Việc đi lại của những người có giấy phép đi làm cũng sẽ siết chặt hơn. Các bác xem chiều nay đi mua trữ thêm đồ ăn nếu gần hết nhé”. Qua rà soát, xác minh, Sở TT&TT Hà Nội khẳng định đây là tin giả, sai sự thật, đề nghị người dân cần cẩn trọng.
Trước đó, ngày 29/7, một tài khoản Facebook đưa tin giả về giới nghiêm Hà Nội được đăng tải trên mạng. Cụ thể trên Facebook có tên “Thuỳ Linh” đã xuất hiện một bài đăng với nội dung “Giờ giới nghiêm của Hà Nội sẽ tính từ 18h tối nay”. Cũng theo bài viết này, sau mốc giờ trên người dân Hà Nội sẽ không được ra đường. Tuy nhiên, theo thông tin từ Sở TT&TT Hà Nội, TP không ban bố giờ giới nghiêm nêu trên.
Không chỉ cá nhân đưa tin giả và lan truyền trên mạng xã hội mà không ít các nhóm người hoạt động có tổ chức, sử dụng tin giả như một công cụ hòng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Mới đây, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, “honapply.vn” và “miniboon.vn” là hai tên miền chính đã được các đối tượng xấu sử dụng để lập website giả mạo trang thông tin của Bộ Y tế để xin trợ cấp tiêm chủng vaccine Covid-19 và lừa tiền cứu trợ. Các trang web này ngay sau đó đã được Trung tâm NCSC xử lý và gỡ bỏ.
Mạnh tay với tin giả
Xử phạt đối tượng tung tin giả về dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội. |
Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm đăng tải các thông tin chứa nội dung sai sự thật về dịch bệnh Covid-19, với tổng số tiền nộp phạt 270 triệu đồng. Ngoài ra, các bộ phận chức năng của Sở TT&TT cũng đã tiến hành kiểm tra, rà soát, nhắc nhở, yêu cầu gỡ thông tin đối với nhiều trường hợp khác.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, nguyên nhân các đối tượng đăng tin chủ yếu nhằm mục đích “câu view, câu like”, một số khác gửi tin nhắn cảnh báo trong các nhóm kín. Dù với bất kỳ hình thức nào, việc đăng những thông tin sai sự thật cũng gây hoang mang, tạo dư luận không tốt trong xã hội. Sở TT&TT Hà Nội tới đây sẽ tập trung tăng cường rà soát, phát hiện, ngăn chặn thông tin xấu, độc, nhận diện, xử lý tin giả, tin sai sự thật trên môi trường mạng, kịp thời thông tin các nội dung cần thiết để người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, không để tác động xấu đến dư luận.
Mới đây, trong công điện khẩn tối 1/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tiêu cực tới phòng chống dịch bệnh. Sở TT&TT phối hợp với Sở Y tế kịp thời thông tin về phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố để nhân dân biết, ủng hộ và tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở TT&TT Hà Nội chỉ đạo các cơ quan truyền thông, báo chí tăng cường, đa dạng hóa biện pháp, hình thức truyền thông, tạo hiệu ứng lan tỏa, nâng cao nhận thức, truyền cảm hứng cho nhân dân tin tưởng, đồng thuận, đồng lòng với các biện pháp phòng chống dịch. Tăng cường tuyên truyền nêu gương về người tốt việc tốt, cách làm hay, đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ TT&TT vừa gửi công văn đến các bộ, ngành, địa phương tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên mạng và yêu cầu bộ, ngành, địa phương xử lý nghiêm các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, cá nhân đăng tải, phát tán tin giả, tin sai sự thật, gây hoang mang, hiểu lầm về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch tại địa phương. |