Tin Bất động sản ngày 2/5: Loạt chính sách đất đai, nhà ở ban hành tháng 4/2022; 56 dự án đủ điều kiện mở bán
Bất động sản 02/05/2022 09:38
Loạt chính sách đất đai, nhà ở nổi bật đã được ban hành trong tháng 4/2022
Quy định mới về chuyển mục đích sử dụng đất tại một số tỉnh, thành
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 10/2022/QĐ-TTg quy định về trình tự, thủ tục chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha.
Quyết định này đã đề cập đến việc chuyển mục đích sử dụng đất tại một số tỉnh, thành; trong đó, quy định điều kiện chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư như sau:
Dự án đầu tư có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp: Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha trên địa bàn TP Hải Phòng; Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha; đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đầu nguồn dưới 50 ha trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha trên địa bàn TP Cần Thơ.
Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền quyết định, phê duyệt và các quy hoạch khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Đã được chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật mà văn bản chấp thuận còn hiệu lực đến thời điểm đề xuất; đối với dự án phải thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai thì phải được HĐND cấp tỉnh thông qua.
Có phương án trồng rừng thay thế và đảm bảo kinh phí trồng rừng thay thế được xác định trong tổng mức đầu tư của dự án đối với dự án có chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế hoặc phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt.
Cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở với hộ nghèo dân tộc thiểu số
Chính sách này được đề cập tại Nghị định 28/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, có hiệu lực từ ngày 26-4.
Theo đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được vay vốn hỗ trợ đất ở đến 50 triệu đồng nếu đáp ứng các điều kiện:
Cư trú hợp pháp tại địa phương và có tên trong danh sách hộ gia đình được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về đất ở do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Thành viên đại diện vay vốn của hộ gia đình từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.
Có phương án vay vốn phù hợp với mục đích sử dụng vốn vay.
Ngoài ra, các đối tượng trên còn được hỗ trợ vay vốn với một số chính sách khác. Cụ thể, vay để sử dụng vào việc trang trải chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở; mức cho vay không vượt quá 40 triệu đồng/hộ.
Cho vay để sử dụng vào việc trang trải chi phí tạo quỹ đất sản xuất hoặc chi phí học nghề, chuyển đổi nghề; mức cho vay không vượt quá 77,5 triệu đồng/hộ.
Nghiên cứu chia sẻ dữ liệu đất đai, dân cư theo hướng quản lý mã số thống nhất đến từng thửa đất
Đây là nội dung tại Thông báo số 123 ngày 22/4 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp trước đó về một số nội dung trong triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp Bộ TT&TT, Bộ Công an thực hiện: Nghiên cứu giải pháp chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu đất đai và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo hướng quản lý mã số thống nhất đến từng thửa đất, đồng thời đẩy nhanh tiến độ cung cấp các dịch vụ công trực tuyến về đất đai theo yêu cầu của đề án.
Có 56 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai
Tổng hợp số liệu của các địa phương có báo cáo cho thấy, số lượng nhà ở đủ điều kiện bán trong quý I là 56 dự án với 10.357 căn được các Sở Xây dựng có văn bản thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai. Con số này bằng khoảng 33,4% so với quý IV/2021.
Trong số này, khu vực miền Bắc có 27 dự án với 3.870 căn, miền Trung 7 dự án với 2.746 căn và miền Nam 22 dự án với 3.741 căn. Riêng tại Hà Nội có 2 dự án với 331 căn và Thành phố Hồ Chí Minh có 5 dự án với 1.172 căn nhà.
Có 56 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai |
Bộ Xây dựng cho biết, cơ quan chuyên môn của Bộ đã thẩm định các án bất động sản bao gồm: nhà ở, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú.
Trong số đó, số lượng bất động sản được Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định gồm: 1.410 căn nhà ở, bằng khoảng 68,2% so với quý trước đó; biệt thự du lịch 540 căn trong khi quý IV/2021 không có căn nào. Đáng chú ý, văn phòng kết hợp lưu trú và căn hộ du lịch không có căn nào, vẫn giống quý trước đó.
Cùng đó, Bộ Xây dựng cũng kiểm tra nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với các dự án bất động sản bao gồm: nhà ở, căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú. Có 15 dự án được Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) chấp thuận nghiệm thu đưa vào sử dụng.
Dư nợ tín dụng tăng mạnh, Bộ Xây dựng chỉ đạo ngăn chặn nhiều hoạt động với nhóm ngành BĐS
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư, tính đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 10,8 tỷ USD, bằng 88,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư nhiều nhất vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đạt gần 6,2 tỷ USD, chiếm 57,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, ngành kinh doanh BĐS đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 2,8 tỷ USD, chiếm 26,1% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến ngày 31/3, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS của nước ta đạt 783.942 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng tăng mạnh, Bộ Xây dựng chỉ đạo ngăn chặn nhiều hoạt động với nhóm ngành BĐS |
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 188.105 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 24% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh BĐS. Còn dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 45.532 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,8%.
Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 33.335 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 33.509 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.898 tỷ đồng, có tỷ lệ 7,4%.
Còn dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 121.153 tỷ đồng, chiếm 15,4% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 101.071 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 12,9%.Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 203.339 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 25,9%....
Phạt đến 200 triệu đồng nếu tự ý xây nhà trên đất vườn
Theo Khoản 1 Điều 6 Luật Đất đai 2013, một trong những nguyên tắc khi sử dụng đất là phải sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch và đúng mục đích sử dụng đất.
Như vậy, người dân chỉ được xây nhà trên đất ở mà không được xây dựng trên bất kỳ loại đất nào khác. Nếu muốn xây nhà trên đất vườn thì bắt buộc người dân phải thực hiện là chuyển mục đích sử dụng đất từ đất vườn sang đất ở.
Phạt đến 200 triệu đồng nếu tự ý xây nhà trên đất vườn |
Cũng theo Khoản 2, 3, 4 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, nếu tự ý xây dựng nhà ở trên đất vườn thì được xác định là hành vi tự ý chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp. Khi đó, người dân sẽ phải chịu hình thức và mức xử phạt như sau:
- Tại khu vực nông thôn:
+ Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta.
+ Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta.
+ Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta.
+ Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta.
+ Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta.
+ Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 1 héc ta đến dưới 3 héc ta.
+ Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 3 héc ta trở lên.
- Tại khu vực đô thị: Hình thức và mức xử phạt bằng 2 lần mức phạt tại khu vực nông thôn.
Lưu ý, mức phạt nêu trên áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân vi phạm; nếu tổ chức vi phạm sẽ phạt gấp đôi.
4 trường hợp được hỗ trợ nhà ở tái định cư khi thu hồi đất
Căn cứ theo quy định tại Điều 79 Luật Đất đai 2013 và Điều 6 Nghị định 47/2014/NĐ-CP, khi Nhà nước thu hồi đất thì 4 trường hợp sau sẽ được hỗ trợ nhà ở tái định cư, bao gồm:
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư khi đáp ứng đủ 2 điều kiện:
+ Bị thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
+ Hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai mà trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một thửa đất ở thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình.
3. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở nằm trong hành lang an toàn khi xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn phải di chuyển chỗ ở mà không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất trong hành lang an toàn thì được bố trí tái định cư; được bồi thường chi phí di chuyển, và được hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất.
4. Hộ gia đình, cá nhân trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người bị thu hồi đất mà không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở.