Đó là mấy câu ca dao xưa nhắc nhủ người đời trần tục khi đến chốn cửa thiền hãy để lòng thanh tịnh, thành kính, bỏ suy nghĩ tham, sân, si...
|
Cảnh đẹp chùa Hương. |
Vậy nhưng ngày nay nhiều người như đang làm điều ngược lại: Đến chốn cửa Phật để mong cầu lợi lộc từ thần linh. Không ít chủ doanh nghiệp nhìn di tích tâm linh đông đúc du khách như một nguồn sinh lợi tiềm tàng và tìm mọi cách để được đầu tư, khai thác.
Tại nhiều khu di tích tâm linh như chùa chiền, đền miếu… hiện nay mọc thêm những công trình “ăn theo” để thu lợi.
Vừa qua một doanh nghiệp tư nhân đã đề xuất TP Hà Nội cho phép đầu tư xây dựng siêu dự án tâm linh với tổng mức đầu tư 15.000 tỉ đồng trên diện tích 1.000ha tại Khu di tích chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội).
Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Hương Sơn là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam gồm nhiều ngôi chùa, động thờ Phật, đền thờ Thần theo tín ngưỡng nông nghiệp bản địa gắn liền với Phật giáo. Quần thể di tích này được xây dựng từ đời Lê Thánh Tông (1442 - 1497). Trong kháng chiến chống Pháp, tuy nhiều lần bị địch đốt phá, ném bom nhưng quần thể Hương Sơn luôn được chính quyền, Nhân dân địa phương cùng nhà chùa quan tâm bảo vệ, tu bổ, sửa chữa, đến nay cơ bản giữ nguyên được giá trị về lịch sử, danh thắng. Mới đây, quần thể Hương Sơn đã được cấp Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt. Với sức hút hơn 1 triệu du khách thập phương, hằng năm địa phương mang về doanh thu du lịch hàng trăm tỉ đồng...
|
Một công trình xây dựng không phép tại khu di tích Hương Sơn. Ảnh Dân Việt |
Theo báo cáo thuyết minh dự án, doanh nghiệp trên đề xuất xây dựng hàng loạt công trình với quy mô lớn như tháp cao 100m, nhiều chùa mới, các khu nhà hàng, khách sạn, bảo tàng… Doanh nghiệp cũng không quên đề nghị địa phương bỏ tiền ngân sách ra làm đường, hạ tầng, còn các công trình tâm linh doanh nghiệp đầu tư để kinh doanh, thu phí!
Giá trị của di tích Hương Sơn cũng như các di tích lịch sử, văn hóa khác là nằm ở tính nguyên bản của kiến trúc, hiện vật, tư liệu chứ không phải sự bổ sung các công trình, kiến trúc mới to, hoành tráng. Sự quan tâm của du khách bởi những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh được lưu truyền chứ không phải nhà hàng, khách sạn. Có thể thấy, mục đích của nhiều nhà đầu tư chủ yếu nhằm tới việc tìm kiếm lợi lộc chứ không phải nâng cao giá trị văn hóa, tinh thần cho di tích.
Cũng do vòng xoáy tìm kiếm lợi ích vật chất mà những năm qua, quần thể di tích Hương Sơn đã xuất hiện một số công trình vi phạm. Thậm chí có cả một công trình hoành tráng, cao 4 tầng mọc lên rất lạ lẫm với quần thể di tích. Hoạt động dịch vụ, thương mại nở rộ lấn át khiến nhiều khu vực quần thể trở nên lộn xộn, nhếch nhác...
Thiết nghĩ, bằng nguồn tiền thu được hằng năm, địa phương cần chủ động đầu tư cho việc bảo tồn, giữ gìn di tích, cảnh quan chứ không nên mời gọi đầu tư như một hướng phát triển “kinh tế tâm linh”./.
Đinh Hoàng