Thương nhau chung một mái nhà
Giáo dục 29/11/2022 12:57
Tình cảm gia đình luôn thiêng liêng và quý giá, với những người trưởng thành, khi đi làm va chạm nhiều với cuộc đời thì tình cảm ấy là nguồn động lực để họ tựa vào và vững bước trên đường đời. Bằng tình yêu tha thiết với gia đình, tác giả đã dành những ngôn từ đẹp nhất, những tình cảm trân quý nhất của mình để tạo nên những trang tản văn giàu cảm xúc lay động trái tim độc giả. Mỗi trang viết của chị đều thấm đượm trải nghiệm, và những bài học quý giá rút ra từ những điều bé nhỏ đời thường. Bằng giọng văn nhẹ nhàng cuốn hút nhưng giàu trài nghiệm, suy tư, tác giả đã chinh phục độc giả bằng những câu chuyện bình dị, ngọt ngào và mê đắm.
Ảnh bìa cuốn sách |
Đến với những trang tản văn của Nguyên Hương chúng ta tạm thời trút bỏ những lo toan nhọc nhằn của cuộc sống để được đắm chìm trong thế giới của gia đình yêu thương, là một người mẹ, người vợ tác giả đã rút ra cho mình những bài học bình dị, quý giá từ những câu chuyện tưởng như bé mọn không để lại ấn tượng gì sâu sắc, nhưng bằng sự quan sát tinh tế, bằng trải nghiệm cuộc sống, tác giả đã biến những câu chuyện đó trở thành những điều đáng để người lớn suy ngẫm và điều chỉnh cách sống, cách hành xử của mình.
"Bởi tình yêu" là tản văn mở đầu cho cuốn sách này, câu chuyện kể về niềm háo hức của đôi vợ chồng trẻ khi chờ đợi đứa con chào đời. Trong thời gian chờ đợi ấy, đôi vợ chồng đã chuẩn bị tâm lý, đọc những cuốn sách về nuôi dạy con, thêm vào đó họ chuẩn bị các đồ dùng cần thiết khi con chào đời: Tã lót, quần, áo, dầu tràm, áo len, mũ, vớ, khăn lông, bao tay… tất cả đều đầy đủ chu đáo để đón đứa trẻ đến với thế giới con người.
Và trong khoảnh khắc ấy biết bao tình yêu thương, bao niềm trông chờ, hi vọng của bố mẹ đặt vào em bé, sinh linh nhỏ bé ấy được nuôi dưỡng bởi tình yêu đôi lứa, bởi những đêm dài thức trắng của người mẹ, bởi sự hồi hộp của người cha không biết đứa bé ấy sinh ra có giống mình không… tất cả đều là dấu chấm hỏi ở phía trước dành cho đôi vợ chồng trẻ.
Và ngày trở dạ cũng sắp đến, em bé chào đời trong niềm hân hoan sung sướng của bố mẹ, mẹ nâng niu đón nhận em nhẹ nhàng như sợ em bị rơi vỡ, bố lặng đi vì sung sướng khi ngắm nhìn khuôn mặt tựa thiên thần của em. Mẹ chuẩn bị cho em sợi dây bạc để em phòng trái gió trở trời… mọi thứ đều đã sẵn sàng giúp em có thêm cuộc sống mới đầy đủ và hạnh phúc hơn.
Câu chuyện là những ghi chép chân thực về những xúc cảm của người mẹ, của người bố với sự hồi hộp trào dâng khi chào đón đứa con đầu lòng. Những dòng văn nhẹ nhàng da diết ấy như thấm vào tâm can người đọc đưa họ trở về giai đoạn họ cũng đã từng có những khoảnh khắc thiêng liêng đầy lo lắng như thế khi đợi chờ đứa con của mình.
"Nuôi heo đất", quả thực đây chỉ là câu chuyện đời thường, giản dị về những hoạt động của học sinh tiểu học. Đội Thiếu niên tiền phong của trường phát động nuôi heo đất giúp đỡ những người bạn hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cụ thể cho những bạn trong mái ấm Tình Thương.
Các bạn trong lớp của con hào hứng tham gia phong trào, nhưng quá trình nuôi heo đất không dễ dàng vì xảy ra nhiều sự việc, con là đứa quan sát tỉ mỉ, thật thà nên về kể cho mẹ nghe đầu đuôi sự việc: “Mẹ ơi mẹ ơi, rắc rối lắm mẹ. Hôm nay khi bạn lớp trưởng cho heo ăn, tụi con đứng quanh nhìn, rồi bạn Hưng nói sao bạn nộp hai chục ngàn mà không thấy lớp trưởng nhét tờ hai chục ngàn vô con heo? Là ý bạn Hưng nói bạn lớp trưởng ăn cắp đó mẹ”, hoặc những chuyện khác đại loại: “Mẹ ơi, hôm nay bọn con có lớp trưởng mới rồi. Cô giáo nói từ nay lớp trưởng thu tiền tiết kiệm phải ghi tên và ghi số tiền nộp cho rõ ràng, khi nào tất cả cùng kiếm tra thấy đúng rồi mới cho heo ăn”…
Bất ngờ hơn cuối câu chuyện là phần tổng kết cuộc thi nuôi heo đất, lớp con xếp thứ nhất, con vui mừng sung sướng, nhưng con cũng băn khoăn và lo lắng khi thấy trong lớp mình có bạn Bình không nộp bất cứ khoản tiền nào cho heo đất, điều này khiến con suy nghĩ phải chăng vì quá mải mê nuôi heo đất giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn ở nơi khác mà lớp con quên mất trong lớp mình cũng có bạn cần giúp đỡ, phải chăng hình thức nuôi heo đất chỉ là phong trào cho vui chứ nó chưa thực sự đi sát thực tế, tìm hiểu những mảnh đời gặp nhiều trắc trở như bạn Bình lớp con.
Đôi khi trong cuộc sống chúng ta phải cố gắng mở to mắt quan sát xung quanh mới nhận ra những điều bé nhỏ, bình dị lại trở thành những bài học lớn. Hai anh em cùng lớn lên cùng đi học, cùng gặt hái điểm số trên lớp, nhưng người em khi nào cũng học nổi trội hơn anh. Nhớ năm nào hai anh em cùng thi chuyển cấp, người anh rớt trường THPT công lập phải vào trường tư học, còn người em thi đậu trường chuyên.
Trong bữa ăn người em lúc nào cũng khoe điểm tốt, khoe thành tích, còn người anh thì cúi mặt ngồi ăn trong sự buồn bã rầu rĩ. Người mẹ đã rất tinh tế khi biết cảm thông với nỗi buồn, sự khổ sở của người anh, lúc họp phụ huynh người em muốn mẹ đi họp để khoe thành tích và khiến mẹ tự hào, nhưng mẹ lại chọn họp cho người anh, mẹ từng giải thích với người em rằng: “Con yêu, mẹ chọn đi họp cho anh Thành cũng là để anh con hiểu tình thương của mẹ không dính dáng tới điểm số. Mẹ mong mình sẽ là điểm tựa cho anh của con mỗi khi có chuyện. Dĩ nhiên, mẹ cũng là điểm tựa của con nữa, như những lúc con phụng phịu dỗi hờn trách móc mẹ không thương đến nỗi con nói năng cộc lốc, mẹ hiểu để mà không nổi giận”.
Tâm tình của người mẹ bằng cả tấm lòng ấy đã khiến người em tỉnh ngộ, mặc dù có thành tích học tập rất tốt nhưng em không khoe điểm số hay những thành quả mà mình đạt được trong bữa ăn nữa, vì em biết nếu làm vậy trái tim của người anh sẽ buồn lắm, chi bằng cười nói vui vẻ bằng những câu chuyện đời thường để tạo động lực phấn đấu cho anh.
Làm người trưởng thành thật mệt mỏi và nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết, bởi đôi khi vì nể nang mối quan hệ với cấp trên mà phải làm những việc trái với lòng mình trái với sự thật. Điểm này người lớn phải học trẻ con, vì trẻ con hồn nhiên vô tư, nhưng sự hồn nhiên vô tư ấy không vụ lợi mà chân thành thẳng thắn.
Câu chuyện kể về người mẹ có con học cùng lớp với con sếp, cả hai em đều học tốt, chăm chỉ, ngoan ngoãn. Điều này khiến cho mối quan hệ giữa sếp và người mẹ trở nên khăng khít hơn, ở công ty người mẹ được ưu ái hơn bởi khả năng viết lách và cách nuôi dạy con, cô trở thành bạn tâm giao của sếp khiến nhiều người ghen tị.
Trong một lần đánh bóng bàn, một người bạn cùng lớp với con sếp chê con sếp đánh bóng bàn dở, thế là cô bé lấy vợt bóng bàn đập vào đầu bạn khiến bạn bị thương, điều này sẽ ảnh hưởng đến thành tích của cô bé. Và con của người mẹ chứng kiến điều này, sếp lo sợ vội vàng nhắn tin cho người mẹ bảo con cô làm chứng là người bạn cùng lớp đánh con sếp trước nên con sếp mới tự vệ, điều này khiến mẹ băn khoăn suy nghĩ mãi, bởi nếu không làm vậy thì mất lòng sếp, công việc tại công ty sẽ gặp rắc rối, còn nếu làm như thế thì mình lại không đúng.
Quá khó nghĩ, và mệt mỏi cô nhìn con mình và thấy rằng mình phải bảo vệ tâm hồn trẻ thơ của con không thể tập cho con dối trá khi con còn bé, điều này sẽ khiến con bị méo mó nhân cách, bởi vậy dù trong lòng đầy giông bão, nhưng mẹ đã dũng cảm lựa chọn làm người can đảm bởi không muốn con bị tổn thương và dối trá ngay từ lúc nhỏ.
Mẹ biết lòng ghen tị của con rất lớn, bởi vậy dù đã 16 tuổi - độ tuổi con phải có bạn bè vây quanh nhưng con lại bơ vơ, cô đơn một mình. Bởi vậy mỗi khi con dẫn bạn về nhà nếu thấy bạn có điểm gì hơn con mình mẹ không bao giờ khen bạn bởi nếu khen bạn con sẽ tự ái và nghỉ chơi bạn, vì thế mẹ khéo léo và tế nhị không khen bạn trước mặt con để con có thể học hỏi những điều mới mẻ và lý thú từ từ bạn và hơn nữa để con có thể nhìn từ bạn mà chỉnh sửa lại bản thân mình cho chu toàn, cẩn thận.
Người mẹ ấy thật tâm lí, tinh tế và thấu hiểu con mình trong "Nói với con tuổi mười sáu", quả thực mẹ rất thương con và muốn con học hỏi thật nhiều từ bạn bè của con, mẹ biết con có nhiều thiếu sót nhưng không chỉ thẳng cho con biết mà khéo léo khen, chê bạn con để con có thể từ bạn học hỏi rút ra cho mình nhiều điều. Bởi vậy, khi chúng ta làm mẹ chúng ta phải nhẹ nhàng tinh tế trong việc ứng xử với con cái bởi tâm hồn trẻ thơ rất nhạy cảm và dễ tự ái.
"Thương nhau chung một mái nhà" là một cuốn tản văn hấp dẫn và cuốn hút, sâu sắc mà nhẹ nhàng dễ dàng thức tỉnh người đọc, tự rút ra cho mình bài học về sự trân quý gia đình, về tầm quan trọng của những người thân khi mỗi chúng ta đôi lúc mải mê theo đuổi những hư danh, ảo mộng trong cuộc sống. Cuốn sách dạy chúng ta làm cha mẹ, làm người tử tế, biết cảm thông chia sẻ, thấu hiểu và tế nhị trong cuộc sống. Với lối viết tự nhiên cuốn hút, tác phẩm đã khiến bao trái tim độc giả bồi hồi xúc động, để lại bao dư vị khó quên. Điều này chỉ có những cây bút từng trải, dày dặn kinh nghiệm mới có thể làm được.