Tay trắng, chí bền, tâm thanh, nghiệp thịnh
Tuổi cao gương sáng 27/06/2019 09:09
Cụ Đạt năm nay 84 tuổi, quê gốc ở thôn Sơn Đồng, xã Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em (cụ là thứ 9) nên chỉ học đến lớp 7/10 thì ở nhà lao động. Năm 1960, cụ ra Hải Phòng làm nghề thợ mộc rồi về thị xã Hải Dương làm công nhân Xí nghiệp gỗ. Năm 1964, cụ nhập ngũ vào Nam chiến đấu, tham gia Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Cuối năm 1969, sức khỏe yếu, cụ được chuyển ngành về làm cung ứng ở Đội Công trình xây dựng thị xã Hải Dương. Năm 1979, cụ sang công tác ở Phòng Hành chính, Trường Nguyễn Ái Quốc (Phân hiệu 1) nhưng bị ốm nặng nên năm 1981 được nghỉ theo chế độ mất sức.
Lúc đó là thời kì bao cấp, sức khỏe yếu, vợ làm công nhân ở Nhà máy Đá Mài, 5 con còn nhỏ nên đời sống gia đình cụ hết sức khó khăn. Cụ phải xoay xở đủ nghề, từ nuôi lợn, nuôi gà đến năm 1982 thì làm bánh quy để tăng thu nhập. Do nguồn bột mì làm bánh quy khan hiếm, thuộc mặt hàng lương thực không được dùng để chế biến bánh kẹo, nên cụ tìm cách làm bánh quy từ bột sắn và đã thành công. Bánh của cụ nở xốp, thơm ngon, không thua kém bánh quy làm từ bột mì bao nhiêu nên được thị trường ưa chuộng. Việc sản xuất, kinh doanh đang thuận lợi thì tháng 6/1985 cơ sở sản xuất bánh quy của cụ bị kiểm tra, thu giữ hết dụng cụ nên phải đình chỉ sản xuất. Cụ quyết định đem công thức làm bánh quy bằng bột sắn tặng cho Hợp tác xã bánh gai Liên Hương của huyện Ninh Giang, còn mình thì vào TP Hồ Chí Minh tìm học nghề mới. Ở đây, cụ được một người cùng làng giới thiệu đến cô giáo dạy cách làm 5 loại bánh, nhưng cụ chợt nhớ đến Hải Dương xưa có bánh đậu xanh nổi tiếng với các thương hiệu Cự Hương, Bảo Hiên nhưng đã dần mai một. Thế là cụ quyết định trở về tìm cách khôi phục lại thứ bánh đặc sản này.
Trở về Hải Dương, cụ may mắn tìm được người thợ từng làm ở hiệu bánh Bảo Hiên từ năm 12 tuổi và tôn làm thầy. Khi bánh ra đời, người thầy kiểm tra rồi gật đầu khen: “Bánh này mới đích thực là bánh ngày xưa”. Cụ phấn khởi lắm, ngẫm nghĩ chọn biểu tượng bánh là “Phượng Hoàng” và tên bánh là Nguyên Hương với 4 ý nghĩa: Nguyên chất, không pha tạp; giữ nguyên chất lượng bánh đậu xanh truyền thống; giữ nguyên cách làm được thầy dạy và hương vị đặc trưng. Ngày 20/9/1986, sản phẩm bánh đậu xanh Nguyên Hương đầu tiên chính thức ra đời và ngày càng trở nên nổi tiếng trong quá trình chinh phục thị trường trong nước và thế giới.
Đến nay, bánh đậu xanh Nguyên Hương của cụ đã có “thâm niên” 33 năm. Từ một người tay trắng, cụ trở thành tỉ phú với phương thức sản xuất, kinh doanh khác người là chỉ sản xuất ở Hải Dương và mở cửa hàng bán trực tiếp tại Hải Dương, TP Hồ Chí Minh; không mở đại lí ở các tỉnh, thành khác. Lợi nhuận mang lại từ bánh đậu xanh giúp cụ xây dựng cơ nghiệp cho con cái đàng hoàng, tri ân những người giúp đỡ cụ từ thuở hàn vi và làm từ thiện ở khắp nơi. Cụ tâm sự: “Các con cái đều theo nghề làm bánh đậu xanh, tôi giao cho quản lí sản xuất, kinh doanh để phát huy tính độc lập tự chủ. Còn những người giúp đỡ tôi dù rất nhỏ tôi cũng coi là ân nhân của mình. Các trường hợp người già cô đơn, trẻ mồ côi, tàn tật khó khăn, nếu biết tôi sẽ giúp phù hợp với từng hoàn cảnh… Bình quân, mỗi năm tôi dành từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng làm từ thiện”.
Chứng kiến cụ Đạt trèo lên đặt nóc 3 gian hậu cung đình Cô Đông trước sự hoan hỉ của cán bộ, Nhân dân phường Bình Hàn; vào thăm Trung tâm Dưỡng thiện nơi đã từng nuôi dưỡng người già cô đơn, trẻ em mồ côi và chiêm ngưỡng ngôi nhà lưu niệm lưu giữ những vật dụng gia đình cùng hình ảnh những người giúp đỡ cụ từ thuở hàn vi mới thấy tấm lòng nhân nghĩa của cụ thật to lớn.
Tôi cứ ngắm mãi đôi bàn tay gầy guộc chằng chịt những đường gân của cụ khi thắp hương, đặt sào trên thượng lương ở đình làng. Đôi tay ấy, cụ đã làm đủ việc từ thợ mộc, nuôi gà lợn, xay bột sắn làm bánh quy, ngào đường làm bánh đậu xanh để nên nghiệp lớn. Đôi tay ấy cũng từng cầm súng diệt thù, rồi trao bao nhiêu sổ tiết kiệm, xe máy, nhà tình nghĩa, nơi thờ tự… và giang ra cứu giúp bao nhiêu thân phận. Và, kì lạ là đôi tay ấy còn viết ra bao nhiêu thơ, câu đối, mẩu chuyện, cuốn sách thấm đẫm triết lí nhân sinh về đời, về nghề… Cũng đôi tay ấy đã từng xiết chặt bao nhiêu bàn tay các vị lãnh đạo cao cấp và bạn bè trong nước, quốc tế để chia vui…
Viết về cụ thật khó, bởi cái gì cũng thấy hay, cũng muốn viết, không có điểm dừng… như cuộc đời đã 84 xuân của cụ mà vẫn đang phơi phới đi làm việc thiện. Bỗng dưng, tôi liên tưởng đến những ý cụ rút ra trong cuộc đời là “Tay trắng, chí bền, tâm thanh, nghiệp thịnh” thật chí lí.