Thông điệp về khát vọng thống nhất non sông
Xã hội 02/05/2023 09:00
Bài thơ mở đầu với sự hài hòa, tương giao giữa thiên nhiên và con người: Một buổi mai nắng vàng hoa ngâu/ Đám cưới đưa dâu qua cầu Bến Hải/ Cầu vừa bắc xong/ Sơn còn tươi rói/ Đôi bờ xanh lúa mới đã ngậm đòng.
Cầu Bến Hải, theo cách gọi của người dân địa phương, tức là cầu Hiền Lương, bắc qua sông Bến Hải, thuộc thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thanh, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Đám đưa dâu đi qua cầu Bến Hải vào buổi sáng đẹp: Nắng vàng hoa ngâu; vào dịp đất trời giao duyên: Đôi bờ xanh lúa mới đã ngậm đòng. Màu trắng của hoa ngâu, màu vàng của nắng, màu sơn tươi rói của cây cầu hòa vào nhau nổi bật gam màu sống động của đám đưa dâu:
Đám cưới tự nhiên như là hoa, là lá/ Như là chị lấy chồng, như là tôi lấy vợ/ Mà hay chưa, bỡ ngỡ như chiêm bao/ Chân người đi rộn rịp quá người ơi!/ Không chỉ là tôi, ai cũng thế, bồi hồi/ Ai cũng thế, niềm vui này tột đỉnh!
Không khí tự nhiên, rộn ràng. Ai nấy đều hân hoan, bồi hồi trước niềm vui của đôi lứa. Còn cô dâu, chú rể thì lại bối rối, thẹn thùng, bâng khuâng: Chừng vui quá nên cô dâu bối rối/ Mắt thẹn thùng, chen trong đám chị em/ Tóc cài hoa với chiếc áo thanh thiên/ Mới nắng đó đã đỏ lừ đôi má/ Chàng trai bâng khuâng tay đung đưa trong gió.
Trước bức tranh rộn rịp của buổi đưa dâu, thiên nhiên như lây lan trong hạnh phúc lứa đôi: Sông tưng bừng nhìn đôi lứa thương nhau/ Gió lâng lâng con sóng vỗ chân cầu/ Sông long lanh nước sánh đôi bờ.
Đám đưa dâu ở đây cũng như bao đám đưa dâu khác trên mọi miền đất nước nhưng từ cái bình thường của một lễ đưa dâu, nhà thơ đẩy vào đó nhiều cái đặc biệt. Đặc biệt ngay từ nơi xuất thân của cô dâu và chú rể: Chàng trai Vĩnh Linh cưới cô gái đất Cùa Cam Lộ. Nếu Vĩnh Linh được coi là “viên kim cương đầu giới tuyến” (theo cách gọi của Nguyễn Tuân) thì đất Cùa - Cam Lộ cũng là vùng đất lịch sử (có căn cứ Tân Sở của thời vua Hàm Nghi), là nơi ghi dấu bao nỗi thương, nỗi nhớ của một thời phân cắt. Nếu Vĩnh Linh nổi tiếng với những chàng trai kiên cường thì vùng Cùa nổi tiếng là đất của những cô gái đẹp, chịu thương chịu khó. Từ hai vùng đất lịch sử này, cô dâu và chú rể trở thành tâm điểm của cả dân tộc. Họ chính là những con người đánh dấu khởi đầu cho sự gắn kết đôi bờ.
Địa điểm đưa dâu hết sức đặc biệt. Cầu Hiền Lương và sông Bến Hải, ranh giới giữa Vĩnh Linh và Gio Linh (Quảng Trị) và cũng là điểm nóng của dân tộc sau Hiệp định Geneve năm 1954. Cùng một dòng sông, một cây cầu nhưng đôi bờ giới tuyến hoàn toàn khác biệt. Bom đạn ngày đêm rải xuống hai phía sông Hiền Lương, trùm lên khắp thân hình Tổ quốc. Bao nhiêu nỗi đau chia xa, mất mát, chờ đợi... đều hội tụ ở sông Bến Hải và cầu Hiền Lương:
Bước chân Hiền Lương sao chặng đường nghẹn lại/ Đáo tới Bến Hải sao gác mái tình duyên…
Đó là nhát dao kinh hoàng trên thân hình Tổ quốc, là “vết sẹo” thương tổn cụ thể nhất của dân tộc chia đôi, họ hàng chia đôi, gia đình chia đôi, tình yêu - tình bạn chia đôi... Nhát dao đau thương ấy càng làm tăng thêm nỗi thương nhớ, biệt li đôi đường, dần dần biến thành hiểu lầm, thù hận từ hai phía cầu giới tuyến này. Khi người Mỹ tháo chạy, đất nước thống nhất, hai bờ đoàn tụ, không còn cảnh chia li, đổ máu, không còn cảnh ngày Bắc đêm Nam, có thể xem hình ảnh đám đưa dâu qua cầu Bến Hải như một mảng da non đầu tiên vừa mới được sinh ra ngay từ vết thương đau đớn đó của dân tộc. Từ đây, hai giới tuyến không còn cảnh chia li, đối nghịch. Tình cảm giữa người với người trở nên thắm thiết hơn. Đám đưa dâu trở thành hình ảnh tiêu biểu cho “Mùa Xuân đầu tiên” của dân tộc: Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người/ Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về/ Mùa bình thường, mùa vui nay đã về/ Mùa Xuân mơ ước ấy xưa có về đâu/ Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông/ Một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông (Văn Cao).
Không-thời gian, địa điểm của đám rước dâu ấy khiến người trong cuộc cũng trở nên đặc biệt. Lấy buổi đưa dâu làm cảm hứng cho niềm vui sau ngày đoàn tụ, Cảnh Trà đã hoàn thành nhiệm vụ của một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa. Bài thơ như một bức ảnh hiếm và quý sau ngày thống nhất. Tuy nhiên, ông không chỉ là nghệ sĩ nhiếp ảnh mà còn gửi gắm vào đó niềm vui và nỗi buồn của mình. Từng chứng kiến cảnh nghẹn lại, gác mái giữa đôi bờ giới tuyến, ông nhìn họ qua cầu mà tâm trạng ngổn ngang, mà trầm tư, xao xuyến theo nhịp đi của quá khứ - hiện tại:
Nhìn lại họ qua cầu mà nước mắt rưng rưng
Mà sung sướng vui tràn như trẻ nhỏ
...
Mà thắt ruột câu hò xưa tê tái
Cái buồn của quá khứ không bi lụy mà ngược lại là chất xúc tác để buổi đưa dâu càng trở nên có ý nghĩa hơn. Cảnh chia lìa, mất mát, tang tóc... tưởng chừng tuyệt vọng. Con người như xa lạ với con người. Không biết bao giờ vẹn toàn hai tiếng Việt Nam. Bây giờ, cảnh đau thương ấy vĩnh viễn không còn diễn ra hai phía dòng sông mà hiện diện trong cảnh sum vầy đôi lứa:
Sông long lanh nước sóng sánh đôi bờ
Tiếng nói cười như chim hót sau mưa
Đưa dâu qua cầu Bến Hải được đánh giá là bài thơ hay trong số những bài thơ hay nhất của 100 số Báo Văn nghệ Giải phóng. Không đại ngôn, không “kĩ thuật” câu chữ, Cảnh Trà “đặc biệt” cái bình thường của buổi đưa dâu. Mượn tâm lí của những người tham gia trong buổi đưa dâu, nhà thơ khúc xạ sang tâm lí của đồng bào cả nước trong ngày đoàn tụ. Từ niềm vui nhỏ của đôi lứa nhân lên thành niềm vui của cả dân tộc. Từ một buổi đưa dâu, Cảnh Trà đã đưa sự kiện “bình thường” trở thành tài sản quý giá của văn học. Lẩy vào đó những cái đặc biệt ấy, bài thơ Đưa dâu qua cầu Bến Hải trở thành biểu tượng của sự thống nhất đất nước, biểu tượng của sự hòa hợp dân tộc.