Thanh Hóa: Điểm sáng về tăng trưởng GRDP
Kinh tế 08/04/2024 07:46
Đứng thứ 3 cả nước về tăng trưởng GRDP
Theo số liệu từ UBND tỉnh Thanh Hóa, trong quý I/2024, các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn có nhiều điểm sáng, tạo đà cho phát triển cả năm. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 13,15%, đứng thứ 3 cả nước (cao nhất quý I kể từ năm 2020 đến nay) chỉ xếp sau Bắc Giang (14,18%) và tỉnh Trà Vinh (13,93%).
Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện; lâm nghiệp phát triển theo hướng bền vững, toàn tỉnh đã trồng thêm được 2.430 ha rừng tập trung, bằng 24,3% kế hoạch, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trong quý I, có thêm 3 xã NTM, 7 xã NTM nâng cao, 7 xã NTM kiểu mẫu, 68 thôn NTM kiểu mẫu và 15 sản phẩm OCOP 3 sao được công nhận.
Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa dự lễ khởi công khởi công dự án đường nối cao tốc Bắc - Nam, Quốc lộ 1A đi cảng Nghi Sơn tháng 2/2024. |
Về sản xuất công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I ước tăng 20%; các ngành dịch vụ đạt kết quả nổi bật, nhất là giá trị xuất khẩu tăng 40,1% ước đạt 1.376,5 triệu USD, bằng 22,9% kế hoạch là mức tăng cao nhất trong 04 năm thực hiện kế hoạch 2021 - 2025; giá trị nhập khẩu ước đạt 2.257,5 triệu USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 10,3%, tổng lượng khách du lịch tăng 10%, doanh thu du lịch tăng 16,5%, vận chuyển hành khách tăng 11,3%, vận chuyển hàng hóa tăng 10%, doanh thu vận tải tăng 14,1%.
Đặc biệt, trong quý I/2024 thu ngân sách nhà nước và số dự án thu hút đầu tư trực tiếp đạt kết quả ấn tượng, với mức tăng lần lượt là 31,5% và gấp 2,14 lần ước đạt 13.356 tỷ đồng, bằng 37,6% dự toán, tăng 31,5% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa ước đạt 8.656 tỷ đồng, bằng 39,3% dự toán, tăng 46%; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 4.700 tỷ đồng, bằng 34,7% dự toán, tăng 11,1%.
Tính đến hết tháng 3/2024, toàn tỉnh thu hút được 30 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 06 dự án FDI), gấp 2,14 lần so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.539 tỷ đồng và 62 triệu USD; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,5% với 640 doanh nghiệp thành lập mới, bằng 21,3% kế hoạch, tăng 6,5% so với cùng kỳ, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và thứ 8 cả nước…
Tích cực giải ngân, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công
Được biết, năm 2024 tổng nguồn kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024 của tỉnh Thanh Hóa là 12.780,458 tỷ đồng. Trong đó vốn năm 2023 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là 647,679 tỷ đồng; vốn năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2024 là 17,116 tỷ đồng.
Trên cơ sở nguồn vốn được giao, ngay từ những tháng đầu năm các ngành, các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc đồng bộ, quyết liệt triển khai hiệu quả các nhiệm vụ theo kế hoạch. Đặc biệt, 5 tổ công tác cấp tỉnh và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tổ chức 12 đợt kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn các dự án.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị trực tuyến UBND tỉnh với các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 |
Theo đó, tính đến ngày 31/3/2024, toàn tỉnh Thanh Hóa đã giải ngân được 2.275,7 tỷ đồng, bằng 17,8% kế hoạch, cao hơn 4,13% so với tỷ lệ giải ngân của cả nước, đứng thứ 14 trong 63 tỉnh, thành phố giải ngân nhanh. Cụ thể, có 19 chủ đầu tư, đơn vị giải ngân đạt từ trên mức giải ngân trung bình của tỉnh; 29 chủ đầu tư giải ngân dưới mức trung bình của tỉnh. Có 26 dự án đã giải ngân đạt 100% kế hoạch; 41 dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện...
Bên cạnh công tác giải ngân, tháo gỡ vốn đầu tư công đạt hiệu quả tích cực, tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt đối với công tác GPMB, theo kế hoạch, toàn tỉnh thực hiện GPMB 2.166,874 ha, tương ứng với 778 dự án. Trong đó có 627 dự án đầu tư công với diện tích là 1.056,052 ha và 151 dự án đầu tư trực tiếp của doanh nghiệp với diện tích 1.110,822 ha.
Tính đến 31/3/2024 đã ký cam kết GPMB 1.836,241 ha/2.166,874 ha, đạt 84,74%; đo đạc, kiểm kê 1.671,758 ha/2.166,874 ha, đạt 77,15%; phê duyệt phương án bồi thường GPMB 1.289,615 ha/2.166,874 ha, đạt 59,52%; chi trả tiền bồi thường GPMB 853,946 ha/2.166,874 ha, đạt 39,41%.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới là hết sức nặng nề, do vậy bên cạnh phát huy kết quả đạt được, các cấp, ngành của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện hiệu quả kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024, tạo động lực cho sự phát triển.
Để đạt mục tiêu, Thanh Hóa nỗ lực tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tăng tốc ngay trong quý II năm 2024. Trong chỉ đạo, điều hành phải sâu sát cụ thể đối với từng dự án; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chủ động, linh hoạt giải quyết các vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công. Vừa đẩy nhanh tiến độ các dự án giải ngân, vừa quan tâm đến chất lượng công trình, dự án. Đồng thời cần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Quyết liệt trong việc điều chỉnh vốn, dừng hoặc chấm dứt đối với những dự án chậm thực hiện, thực hiện không hiệu quả - ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.