Thăm đất học Cổ Đô
Giáo dục 15/02/2019 09:34
Cổ Đô có nghề dệt lụa. Tương truyền, công chúa Thiếu Hoa, con gái vua Hùng từ thành Phong Châu sang đây dạy dân nghề tơ lụa. Lụa làng Cổ Đô là sản vật tiến vua. Lụa Cổ Đô đã đi vào ca dao nức tiếng cả nước: Lụa này thật lụa Cổ Đô/ Chính tông lụa cống các cô ưa dùng.
Làng Cổ Đô còn nổi tiếng là đất văn học. Người làng Cổ Đô tự hào về truyền thống khoa bảng với những câu ca đi vào lòng người trong vùng: Đồn rằng Hà Nội vui thay/ Vui thì vui vậy chưa tày Cổ Đô/ Cổ Đô trên miếu dưới chùa/ Trong làng lắm kẻ nhà Nho có tài/ Sinh ra hoa cống hoa khôi/ Trong hai khoa ấy thì tài cả hai.
Làng có Tiến sĩ Nguyễn Sư Mạnh, vì nhà nghèo, cha mất sớm, nên 27 tuổi mới lều chõng đi thi. Ông đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ XV (1484). Nguyễn Sư Mạnh vì có công với vua, với nước nên được ban quốc tính (họ Lê) làm quan tới Thượng thư bộ Lễ, tước Sùng Tín hầu. Ông được cử đi sứ nhà Minh, lúc vào yết kiến, vua Minh thấy sứ thần nước Nam mặc áo không cài khuy, cho là xấc xược, bèn hạch tội khi quân, Sư Mạnh tâu rằng:
- Tâu bệ hạ, sứ thần nước Nam đi lâu ngày, sợ khú mất chữ Thánh hiền, cho nên phải cởi áo ra hong, xin được đại xá!
Khách tham quan Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô. Ảnh IT |
Làng Cổ Đô còn có ông Thượng thư thứ hai là Lục bộ Thượng thư Nguyễn Bá Lân, tác giả của bài “Ngã ba Hạc phú” nổi tiếng. Gia phả dòng họ Nguyễn Bá Lân, chép rằng: Tổ tiên ông ở Từ Sơn (Kinh Bắc) gặp buổi binh đao loạn lạc, đến lánh ở Cổ Đô, sống bằng nghề dạy học, vì mến cảnh mến người mà nhập tịch ở đây”.
Nguyễn Bá Lân, sinh năm Canh Thìn (1700), con ông Nguyễn Công Hoàn. Trong phần tự thuật, Nguyễn Bá Lân viết rằng cha ông chỉ dạy ông bằng “một cuốn Xuân Thu (trong Ngũ kinh) và hơn 20 thiên sách Lễ kí không dày quá 100 trang giấy Thanh Hoa”. Nguyễn Công Hoàn vốn phong cách tài tử, khoáng đạt, văn chương chữ nghĩa chẳng chịu nhường ai, nên giữa hai cha con thường có chuyện thi thố. Một hôm, cha con ông cùng qua đò, ông Hoàn nhìn thấy đàn dê đang ăn cỏ bên rệ sông, liền ra bài phú với đầu đề: “Dịch đình dương xa phú” (Bài phú xe dê cung cấm). Ông Hoàn bảo con: “Nếu sang bờ bên kia, ta làm xong trước mà anh chưa xong thì ta ném anh xuống sông, anh làm xong trước thì anh ném ta xuống sông”. Khi thuyền cập bến, bài phú của Nguyễn Bá Lân đã xong, Nguyễn Công Hoàn mới làm được một nửa. Ông Hoàn bắt con trai phải ném mình xuống sông, ông Lân không dám nghe lời, ông Hoàn liền quát mắng con. Bài phú ấy được người đời tán thưởng và truyền tụng. Người ta gọi bài đó là: “Nhất độ giang thành chương phú” (Bài phú hoàn thành trên một chuyến đò ngang).
Nguyễn Bá Lân đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, từng làm Thượng thư ở 6 bộ của triều Lê, được phong tước Lễ Trạch hầu, hàm Thiếu bảo, bậc Ngũ hầu Lão Chúa. Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí” hết lời ca ngợi phẩm cách trong sạch, cốt cách thanh cao và liêm khiết của ông trong cuộc đời làm quan từ khi ông 32 tuổi đến lúc mất (86 tuổi).
Người thời bấy giờ gọi ông là một trong “An Nam tứ đại tài” (4 người giỏi nhất nước Nam) gồm Nguyễn Trác Luân, Nguyễn Tông Khuê, Ngô Tuấn Cảnh và Nguyễn Bá Lân. Bài “Ngã ba Hạc phú” lấy vần “ac”: Vui thay! Ngã ba Hạc/ Vui thay! Ngã ba Hạc/ Dưới họp một dòng/ Trên chia ba ngác/ Ngóc ngách khôn đo rộng hẹp, dòng biếc lẫn dòng đào/ Lênh lang dễ biết sâu nông, nước đen pha nước bạc…
Cổ Đô còn là làng họa sĩ. Có gần hai chục họa sĩ đều được đào tạo chính quy tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng sư phạm Nhạc - Họa trung ương..
Nói đến giới họa sĩ Cổ Đô, phải nhắc tới họa sĩ lão thành Sĩ Tốt với những bức tranh nổi tiếng: “Tiếng đàn bầu”, “Bế con”... được lưu giữ tại Viện Bảo tàng Mĩ thuật quốc gia. Nhiều bức tranh của họa sĩ đang được lưu giữ tại các Viện Bảo tàng lớn ở Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ba Lan... Với gần 1.000 bức tranh (trong đó có 100 bức vẽ hoa) được vẽ trong suốt cuộc đời nghệ sĩ của mình. Điều rất đáng nói về ông là, từ ông và do ông dìu dắt mà lớp lớp họa sĩ trẻ của làng ra đời, trưởng thành và được khẳng định như các họa sĩ Sĩ Tuấn, Sĩ Thiết, Ngô Bình Thiểm, Sao Mai, Giang Khích, Nguyễn Thạch, Trần Hòa và nhiều người khác nữa. Từ khi về hưu tại quê nhà, họa sĩ Sĩ Tốt tổ chức các lớp dạy vẽ tại nhà với ý thức trách nhiệm và tình yêu quê hương sâu sắc.
Người Cổ Đô có truyền thống hiếu học, là đất học. Làng có tới 300 cử nhân, thạc sĩ càng làm người Cổ Đô thêm tự hào.
Nguyễn Chính Viễn