Tấm lòng của lương y Trần Gia Đạt
Tuổi cao gương sáng 27/07/2020 17:38
Ông Đạt, sinh năm 1958, ở làng Ninh Xá, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín đất danh hương. Lớn lên trong vị thuốc Nam, thuốc Bắc của nghề gia truyền từ ông bà, cha mẹ, ông sớm thẩm thấu và nuôi dưỡng trong mình khát vọng trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người. Song nhân duyên chưa tới, vì nhiều lí do ông không thể bước vào giảng đường Đại học Y như mong muốn. Hoàn thành nghĩa vụ trở về, lấy vợ sinh con. Cuộc sống lại một lần thử thách, thật gian nan, chật vật trước ngưỡng cửa vào đời. Nhìn con thơ nheo nhóc, cái đói cái nghèo đeo đẳng, người đàn ông trụ cột gia đình không đành lòng. Ông Đạt tạm gác ước mơ “bác sĩ” để bôn ba mọi nẻo, vào Nam ra Bắc kiếm sống.
Lương y Trần Gia Đạt chuẩn bị đón bệnh nhân |
Khi các con dần khôn lớn, kinh tế gia đình đã tàm tạm, ông lại bắt đầu nhen nhóm ngọn lửa yêu nghề bấy lâu cất sâu trong kí ức. Trong các chuyến đi, ông Đạt bắt đầu tìm hiểu những loại cây thuốc của địa phương nơi mình đến. Ông dành thời gian lên núi, len lỏi vào các khu rừng, gặp gỡ đồng bào bản địa để xem cái cách họ thu thập cây thuốc quý, chế biến các loại thuốc Nam vừa rẻ, vừa an toàn lại hiệu quả. Về Thủ đô, ông lần mò đến các nhà sách, tìm kiếm tài liệu liên quan đến những cây thuốc quý, rồi tìm đến các bậc cao niên học hỏi kinh nghiệm chữa bệnh dân gian từ các loại cây có trong vườn nhà, bằng thân, rễ, lá, hoa, củ, quả. Cảm động trước tinh thần cầu thị và tấm lòng ham học hỏi của ông, nhiều lương y hành nghề lâu năm, có kinh nghiệm sẵn sàng truyền cho ông bí quyết của những phương thuốc quý. Từ đó, ông có thêm động lực nuôi dưỡng ước mơ ấp ủ bấy lâu.
Lương y Trần Gia Đạt thăm bệnh nhân |
Việc mở phòng khám của lương y Trần Gia Đạt cũng trở thành câu chuyện dài kì, mà mỗi lần nhắc đến chính ông cũng không thể tưởng tượng nổi mình đã vượt qua ngoạn mục đến thế. Gia đình không ủng hộ vì sợ ông vất vả, hai bàn tay trắng, vốn liếng chưa có là bao. Ông phải chạy đôn chạy đáo tìm người nọ gặp người kia, rồi cũng vay ngân hàng, bạn bè và người thân được hơn tỉ đồng, số tiền trong những năm 90 thế kỉ trước thật không nhỏ. Có tiền, ông đầu tư thuê địa điểm, mời bác sĩ và tuyển dụng điều dưỡng viên, nhân viên. Tiếp thu bí quyết của những người “thầy” dân tộc ở vùng cao, ông tập trung nghiên cứu chuyên sâu về phương pháp kiềm chế sự phát triển của khối u ở một số căn bệnh hiểm nghèo, từ đó làm tiền đề cho việc khám chữa bệnh thành công ở những ca bệnh khó sau này.
Sau 5 năm cần mẫn và kiên trì, với phương châm giữ chữ tín và luôn trau dồi nghiệp vụ, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức, kĩ năng hành nghề, ông và cộng sự đưa phòng khám vào hoạt động ổn định. Phòng khám của ông treo trang trọng chữ TÂM chữ ĐỨC, ông bảo, để luôn nhắc nhở mình giữ gìn nhân cách của một lương y chân chính. Tiếng lành đồn xa, bệnh nhân đến với ông ngày càng đông, thu nhập của ông và gia đình từng bước cải thiện.
Ông Trần Gia Đạt |
Trả xong nợ, thu nhập đều đều, cũng là lúc ông nghĩ đến những hoàn cảnh éo le, khó khăn trong cuộc sống. Hơn nửa đời trải nghiệm, đi đó đi đây, ông từng gặp không ít hoàn cảnh thương tâm, đau lâu ốm dài, bệnh trọng mà không có tiền chạy chữa. Ông xót xa lắm, luôn đau đáu trong lòng một nỗi cảm thông. Rồi, ông quyết định, trích một phần từ lợi nhuận tham gia các chương trình thiện nguyện.
Ông Trần Cường, Chủ tịch Hội Đông y phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng cho biết: Lương y Trần Gia Đạt là hội viên có trách nhiệm, tích cực tham gia các chương trình do Hội tổ chức như đóng góp quỹ từ thiện; tư vấn sức khỏe, khám chữa bệnh miễn phí; tặng quà gia đình chính sách, NCT, người nghèo, trẻ em khuyết tật mồ côi, v.v. Có khi ông là thành viên của đoàn do Hội tổ chức, cũng có khi thầy trò phòng khám chủ động phối hợp với địa phương rồi lặng lẽ lên đường…