Tấm gương vượt khó của ông Điêu Văn Hặc
Tuổi cao gương sáng 30/01/2023 16:08
Mô hình NCT làm kinh tế giỏi tỉnh Điện Biên |
Ông Hặc cho biết: Trước kia, hoàn cảnh kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Cả 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào sản xuất nông nghiệp từ 2 lao động chính. Sau tái định cư, đất sản xuất nông nghiệp của thị xã và của gia đình ông bị thu hẹp, khó khăn càng thêm chồng chất. Thiếu vốn, thiếu tư liệu sản xuất và chưa biết áp dụng các biện pháp khoa học kĩ thuật vào thâm canh tăng năng suất, việc chuyển dịch cơ cấu trong phát triển kinh tế nhiều lúng túng và bế tắc. Vợ chồng ông phải lao động cật lực, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà vẫn không đủ ăn, cái đói cái nghèo vẫn đeo bám.
Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở, tìm hiểu nhu cầu thị trường và được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, Hội Người cao tuổi, đặc biệt là sự khích lệ, động viên của gia đình, ông Hặc đã mạnh dạn đầu tư giống, vốn vào sản xuất, kinh doanh tổng hợp. Ông vay vốn từ ngân hàng, từ người thân để có 200 triệu đồng mua máy sản xuất gạch xi măng, tảng kê cột nhà sàn, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi tổng hợp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương NCT làm kinh tế giỏi tỉnh Điện Biên giai đoạn 2017-2022 |
Những năm đầu còn bỡ ngỡ, thu nhập thấp, chỉ đủ trang trải nhu cầu tối thiểu cho gia đình. Ông Hặc tự nhủ mình phải kiên trì, tỉ mỉ. Vừa sản xuất, kinh doanh, ông vừa tìm tòi, nghiên cứu qua báo đài, học hỏi kinh nghiệm từ cán bộ nông nghiệp của huyện, đi thăm, học tập cách làm ở những mô hình đã thành công. Từng bước áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất gạch, chăn nuôi lợn, gà, ngan, vịt. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, lấy ngắn nuôi dài, từng bước mở rộng quy mô đầu tư.
Rồi công sức của ông cũng được bù đắp. Mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường 10-20 con lợn thịt, trên 100 con gia cầm… Đời sống của gia đình từng bước được cải thiện. Mỗi năm sau khi trừ chi phí cũng thu lãi từ 70 đến 80 triệu đồng. Có vốn, ông tiếp tục đầu tư vào dịch vụ kinh doanh vận tải phục vụ bà con trong thôn bản.
Hội NCT tỉnh Điện Biên khen thưởng các tập thể, cá nhân xuất sắc |
Sau nhiều năm đầu tư và phát triển, đến nay chỉ riêng mô hình sản suất gạch xi măng của gia đình ông Hặc đã tạo việc làm cho trên 20 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân từ 3 đến 3,5 triệu đồng/ người/ tháng; lợi nhuận từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/năm, kinh tế gia đình ổn định và khá giả. Ông còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con áp dụng các tiến bộ khoa học, kĩ thuật vào chăn nuôi để tăng thu nhập cho gia đình và giảm nghèo bền vững, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời tích cực tham gia, hưởng ứng các phong trào nhân đạo, từ thiện do chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể phát động như ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt…
Một trong những kinh nghiệm của ông Hặc là phải có sự bàn bạc và thống nhất cao trong gia đình, mạnh dạn đầu tư vốn vào việc phát triển kinh doanh, sản xuất. Đồng thời, cần phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực tự cường, tinh thần vượt mọi khó khăn, dám nghĩ dám làm, chủ động khai thác mọi tiềm năng như đất đai, lao động, tiền vốn, trí tuệ, tiếp cận, bám sát nhu cầu thị trường; áp dụng các tiến bộ khoa học, kĩ thuật, công nghệ vào sản xuất, đoàn kết, giúp đỡ nhau vì lợi ích của gia đình và cộng đồng xã hội.
Hỏi ông về hướng phát triển trong tương lai, ông tự tin nói: Gia đình tôi dự định sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển để nâng cao chất lượng tạo ra nhiều sản phẩm phong phú về mẫu mã, đủ sức cạnh tranh trên thị trường và vươn ra các tỉnh ngoài.
Những nỗ lực của ông Điêu Văn Hặc đã thực sự nêu tấm gương sáng cho thế hệ trẻ về tinh thần vượt khó, vươn lên, không cam chịu đói nghèo của lớp người “Cây cao bóng cả”.