Tác hại nếu ăn quá nhiều đường
Sức khỏe 04/10/2023 10:15
Đường cung cấp các dưỡng chất quan trọng cho cơ thể như các loại vitamin, muối vô cơ, sắt, acid hữu cơ... có vai trò chuyển hóa và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Có 3 dạng đường chính là đường đơn, đường đôi và đường đa phân tử.
Mức giới hạn của đường tự do (bao gồm các loại đường phụ gia, đường tự nhiên, siro và nước ép trái cây....) trong chế độ ăn theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) như sau:
Nên giới hạn lượng đường tự do dưới 10% tổng lượng calo tiêu thụ với cả người lớn và trẻ em.
Để mang lại lợi ích sức khỏe cao nhất, bạn nên tiêu thụ dưới mức 5%.
Những tác hại khi cơ thể dư thừa đường
Khi cơ thể dung nạp quá ít đường hoặc quá thừa đường sẽ có những tác hại sau:
Gây ra tình trạng glucozo trong máu, làm cơ thể suy nhược và mệt mỏi
Lượng đường trong máu không ổn định sẽ dẫn tới mệt mỏi, đau đầu và thèm ăn đường nhiều hơn. Sự thèm thuồng đó chuẩn bị cho một chu kì nghiện đường mà mỗi khi bạn nạp thêm đường vào cơ thể bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn một cách tạm thời. Nhưng chỉ một vài giờ sau, bạn lại cảm thấy thèm đường và đói.
Làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, tiểu đường và bệnh tim
Những công trình nghiên cứu trên quy mô lớn đã chỉ ra rằng, càng ăn nhiều các loại thức ăn có hàm lượng glycemic cao (tác động nhanh chóng đến lượng đường trong máu) trong đó bao gồm các loại thức ăn có chứa đường thì nguy cơ trở nên béo phì, phát triển bệnh tiểu đường, bệnh tim ngày càng cao và có thể liên quan đến nhiều loại ung thư.
Đường có thể gây thương tổn cho tim và động mạch, tăng mức insulin, tăng nhịp tim, huyết áp và kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm. Người thường xuyên ăn nhiều đường có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột qụy, động mạch vành cao hơn so với những người có chế độ ăn uống cân bằng.
Cản trở chức năng miễn dịch của cơ thể
Những nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng, đường ảnh hưởng không tốt đến sức đề kháng của cơ thể. Ăn nhiều đường sẽ làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu cơ thể. Dư thừa đường dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng, cảm cúm, cảm lạnh... do suy giảm hệ thống miễn dịch.
Gây thiếu chất crôm
Nếu bạn ăn quá nhiều đường và các loại thực phẩm giàu hydratcacbon đã qua tinh chế, rất có thể cơ thể bạn sẽ có dấu hiệu thiếu chất khoáng crôm mà một trong những chức năng chính của nó là giúp điều hòa lượng đường trong máu.
Crôm có nhiều trong các loại thịt, hải sản và thức ăn thực vật. Các loại tinh bột đã qua tinh chế và các loại thực phẩm nhiều hydratcacbon khác đã “cướp” mất nguồn cung cấp crôm trong các loại thực phẩm này.
Đẩy nhanh quá trình lão hoá
Một phần lượng đường bạn hấp thụ, sau khi vào trong máu cũng trở thành protein. Những phân tử mới này góp phần làm mất đi tính đàn hồi của các mô đang bị lão hoá, từ da cho đến các bộ phận và động mạch. Càng nhiều lượng đường lưu thông trong máu thì càng đẩy nhanh quá trình lão hoá.
Ngăn cản sự hấp thu các chất dinh dưỡng quan trọng
Những người ăn nhiều đường thì khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu rất thấp, đặc biệt là vitamin A, vitamin C, vitamin B12, canxi, phốtpho, magiê và sắt. Thật trớ trêu là những người hấp thụ nhiều đường nhất lại là trẻ em và thanh thiếu niên, những cá thể cần đến nhiều chất dinh dưỡng nhất.
Gây lo âu, trầm cảm
Lượng đường trong máu tăng cao có thể dẫn đến việc kích thích các hormone gây ra tình trạng cáu kỉnh, bực bội. Não cần một lượng nhất định glucose và insulin để hoạt động bình thường, tuy nhiên nếu bạn thừa đường trong cơ thể thì sẽ khiến não bị quá tải glucose và insulin, dẫn đến tình trạng lo lắng, bồn chồn, là nguyên nhân gây bệnh trầm cảm.
Để bảo vệ cơ thể không mắc tiểu đường, béo phì, suy giảm miễn dịch... hãy giảm lượng đường bằng cách:
Hạn chế các loại bánh kẹo ngọt, socola, nước giải khát…
Bổ sung hoa quả tươi thay vì nước ép trái cây đóng hộp...
Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống lành mạnh như tập thể dục thường xuyên; uống nhiều nước; ăn nhiều chất xơ; ngủ đủ giấc; kiểm soát khẩu phần ăn... là những cách giúp bạn cải thiện sức khỏe và giảm lượng đường trong máu hiệu quả.