Sức khỏe não bộ
Sức khỏe 24/07/2020 16:23
Kì 18: Tai biến mạch máu não và những vấn đề cần biết (Tiếp theo)
6. Điều trị tai biến mạch máu não
Việc điều trị phục hồi các chức năng bị rối loạn cho bệnh nhân tai biến mạch máu não hết sức quan trọng. Hiệu quả của điều trị phục hồi chức năng phụ thuộc vào các yếu tố sau đây:
Bệnh nhân: Sự quyết tâm và tính kiên nhẫn của bệnh nhân là yếu tố quan trọng quyết định khả năng phục hồi của bệnh nhân.
Mức độ tổn thương não.
Các yếu tố bên ngoài:
+ Sự động viên, khuyến khích của bác sĩ, gia đình, người thân, bạn bè,…
+ Trình độ của bác sĩ điều trị: Bác sĩ cần đánh giá đúng các rối loạn chức năng bệnh nhân đang gặp phải và đưa ra phác đồ, liệu trình đúng để phục hồi cho bệnh nhân.
Phục hồi chức năng thần kinh sau tai biến. |
Thực tế điều trị cho thấy việc kết hợp các phương pháp điều trị bằng Y học cổ truyền như châm cứu, xoa bóp bấm huyệt với các phương pháp vật lí trị liệu, tập phục hồi chức năng, làm tăng khả năng hồi phục cho bệnh nhân, đem lại hiệu quả điều trị tốt hơn rất nhiều so với việc chỉ sử dụng các biện pháp y học cổ truyền hoặc vật lí trị liệu đơn thuần.
Bệnh nhân tai biến mạch máu não thường gặp phải một số rối loạn chức năng sau đây:
Sự sợ hãi: Là một trong những yếu tố làm suy yếu người bệnh, làm trầm trọng thêm các rối loạn chức năng khác.
Tình trạng bất thường về trương lực cơ: Trương lực cơ giảm (liệt mềm) trong giai đoạn đầu của liệt nửa người và trương lực cơ tăng (liệt cứng) ở giai đoạn sau.
Mất sự phối hợp bình thường của các cơ khiến người bệnh không thực hiện được các động tác bình thường.
Mất đối xứng, chịu trọng lượng không đều: Hầu hết người bệnh đều sợ phải chịu trọng lượng bên liệt, người bệnh thường dồn hết trọng lượng sang nửa người bên lành.
Rối loạn cảm giác: Có thể giảm hoặc mất cảm giác về vị trí, cảm thụ bản thể, cảm giác xúc giác và cảm giác đè ép.
Rối loạn ngôn ngữ: Có thể nói ngọng hoặc không nói được.
Mục đích của việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân tai biến đó là:
Giúp bệnh nhân đề phòng các bệnh lí thứ phát và tàn tật thứ phát sau tai biến.
Giúp bệnh nhân có thể tự di chuyển và đi lại được mà không cần sự trợ giúp của người khác.
Giúp bệnh nhân có thể thực hiện được các công việc sinh hoạt cá nhân hằng ngày như đánh răng, tắm rửa, vệ sinh, mặc quần áo,…
Giúp cho bệnh nhân thích nghi với các di chứng sau tai biến mạch máu não.
Nguyên tắc cơ bản trong phục hồi chức năng cho bệnh nhân tai biến mạch máu não:
Phục hồi chức năng phải được bắt đầu càng sớm càng tốt, ngay sau đột qụy, ngay tại bệnh viện, khi tình trạng toàn thân ổn định (vượt qua giai đoạn nguy kịch). Mỗi giai đoạn có các kĩ thuật phục hồi khác nhau phù hợp với tình trạng cụ thể của người bệnh trong giai đoạn đó. Trong quá trình phục hồi cần chú ý đến cả số lượng và chất lượng của vận động hướng theo mẫu vận động bình thường.
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân cần tạo cho bệnh nhân chủ động tối đa, kĩ thuật viên chỉ trợ giúp khi cần thiết. Khi bệnh nhân đã tự thực hiện được các động tác thì giảm dần việc trợ giúp.
Cần cho bệnh nhân tập luyện tập các tư thế và vị trí khác nhau từ đơn giản đến phức tạp, từ dễ đến khó. Cần đưa bệnh nhân ra khỏi giường càng sớm càng tốt.
Trong quá trình tập luyện, phục hồi chức năng vận động không chỉ chú ý đến bên liệt mà phải chú ý đến toàn bộ cơ thể với các bài tập cân xứng cho cả hai bên. Trong thực hành tập luyện vận động, không sử dụng các vận động của bên không liệt để bù trừ hoặc thay thế cho bên bị liệt.
Bằng mọi cách, phải làm cho trương lực cơ trở lại bình thường hoặc gần bình thường, có thể sử dụng kĩ thuật kích thích làm tăng trương lực cơ nếu trương lực cơ giảm hoặc sử dụng kĩ thuật ức chế, phá vỡ mẫu co cứng, làm giảm trương lực cơ nếu trương lực cơ tăng.
Chỉ có trương lực cơ bình thường người bệnh mới có thể chủ động thực hiện được các vận động dễ dàng theo các mẫu vận động bình thường. Chỉ có các vận động chủ động mới giúp được người bệnh phục hồi được các vận động giảm hoặc mất.
Sử dụng các bài tập, các kĩ thuật vận động, các dụng cụ trợ giúp cần thiết phù hợp, liên quan đến các hoạt động sinh hoạt hằng ngày, hướng dẫn người bệnh tập nhiều lần cho đến khi người bệnh có thể tự tập được.
Khả năng phục hồi tốt nhất là từ 3-6 tháng sau khi bị liệt, sau đó khả năng phục hồi giảm đi, sau 3 năm khả năng phục hồi không còn nữa.
Gia đình đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân và gia đình tự tập các bài tập vận động, đặc biệt là tự tập tại nhà sau khi ra viện.