Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên: Nhiều nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ là chưa "chính xác"!
Tin pháp luật 02/10/2021 08:50
Sau khi Thanh tra Chính phủ chính thức công bố Kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên, khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1/1/2010 đến 31/12/2018; UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao cho Sở Xây dựng rà soát quá trình thực hiện và đề xuất biện pháp xử lý đối với các dự án thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu ở Thái Nguyên.
Theo Báo cáo số 2311/BC-SXD ngày 27/7/2021 do ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng ký về việc rà soát quá trình thực hiện các dự án thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu ở Thái Nguyên thì nhiều nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ được cơ quan chức năng địa phương này khẳng định là chưa chính xác.
Dự án trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên |
Cụ thể: Đối với nội dung “UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định số 2910/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất Dự án (nhóm A) trái thẩm quyền, không phù hợp với Nghị quyết 17/NQ-HĐND” Sở Xây dựng Thái Nguyên cho rằng: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 17 Nghị định số 15/2015/NĐ-CP “Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh tổ chức thẩm định và phê duyệt đề xuất dự án nhóm A, B và C” nên UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt đề xuất dự án tại Quyết định 2910/QĐ-UBND là không trái thẩm quyền mà chỉ là phê duyệt khi chưa được thông qua chủ trương sử dụng vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án.
Về nội dung này UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Quyết định số 776/QĐ-UBND ngày 26/3/2018 bãi bỏ Quyết định số 2910/QĐ-UBND ngày 25/8/2016 của UBND tỉnh Thái Nguyên.
Tương tự, đối với nội dung sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tham gia Dự án, Thanh tra Chính phủ kết luận: Việc UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua chủ trương đề xuất Dự án là không phù hợp với Nghị định 15/2015/NĐ-CP điểm c, Khoản 2, Điều 11 về “sử dụng vốn Nhà nước tham gia dự án” không giải phóng mặt bằng cho các dự án khác (dự án hoàn vốn dự án BT), không thực hiện vốn đầu tư công để GPMB cho các dự án khác…
Sở Xây dựng Thái Nguyên cho rằng: Theo quy định tại điểm c, Khoản 2, Điều 11 Nghị định 15/2015/NĐ-CP không quy định rõ về việc sử dụng vốn Nhà nước thực hiện bồi thường GPMB là chỉ cho dự án BT hay cho cả dự án khác. Tại Khoản 5, Điều 3 Nghị định 15/2015/NĐ-CP quy định “Hợp đồng Xây dựng- chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hợp đồng được ký giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác…”; tại Điều 5 Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.
Do tại thời điểm đề xuất thực hiện dự án chưa rõ các quy định về bố trí vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án khác nên đã xác định nguồn vốn Nhà nước thực hiện dự án bao gồm cả nguồn vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng cho cả dự án khác để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện.
Về việc chuyển dự án (nhóm A) thành Đề án (9 dự án nhóm B) Thanh tra Chính phủ cho rằng: Không có quy định về việc chuyển dự án PPP thành đề án PPP cũng như không có quy định về việc phê duyệt đề án PPP gồm có các dự án PPP thành phần. Việc thay đổi khái niệm trong đầu tư để phù hợp với thẩm quyền quyết định là thiếu căn cứ pháp luật. Việc chưa lập và trình thẩm định phê duyệt đề xuất dự án là không phù hợp với quy định Luật Đầu tư công…
Báo cáo số 2311/BC-SXD do ông Hoàng Đức Khánh, Giám đốc Sở Xây dựng ký ngày 27/7/2021 |
Theo Sở Xây dựng Thái Nguyên: Theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Nghị định 15/2015/NĐ-CP không có quy định về việc chuyển dự án PPP thành đề án PPP cũng như không có quy định về việc phê duyệt Đề án PPP gồm có các dự án PPP thành phần. Tuy nhiên việc UBND tỉnh xây dựng Đề án hoặc Chương trình làm cơ sở để xác định các dự án sẽ đầu tư theo hình thức PPP là có cơ sở. Sau khi Đề án được phê duyệt đã xác định được 9 dự án để đầu tư theo hình thức PPP và triển khai các thủ tục tiếp theo.
Về nội dung thẩm định phương án tài chính: Sở Xây dựng Thái Nguyên xác nhận các nội dung phản ánh trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ là đúng theo thực tế của dự án. Tuy nhiên, Sở này cũng cho biết: từ ngày 6/12/2017 UBND tỉnh đã có Văn bản số 5517/UBND-QHXD về chủ trương điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi 9 dự án thuộc Đề án trong đó bao gồm cả nội dung rà soát các quỹ đất thực hiện dự án khác. Đến ngày 28/12/2018 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 160/NQ-CP, tỉnh Thái Nguyên vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Có thể thấy, qua Báo cáo số 2311/BC-SXD của Sở Xây dựng ngày 27/7/2021: Việc vận dụng các văn bản quy phạm pháp luật và cách vận dụng chưa rõ, dễ gây hiểu khác nhau về cùng một vấn đề. Qua đó dẫn đến việc cơ quan chức năng tại địa phương cho rằng nhiều nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ đối với Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu tỉnh Thái Nguyên là chưa chính xác.
Tuy nhiên, một điều khó hiểu là vì sao những khúc mắc, thậm chí hiểu để vận dụng và thanh tra trái ngược như trên lại không (hoặc chưa) được thể hiện (bằng giải trình, đối thoại của cơ quan chức năng địa phương) hay tiếp thu sau khi Đoàn Thanh tra của Thanh tra Chính phủ có bản dự thảo kết luận mà phải chờ đến khi có Kết luận Thanh tra chính thức được công bố mới lên tiếng?
Phải chăng có điều gì đó chưa được rõ ràng, minh bạch ở đây? Liệu có còn dự án nào Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ sau rà soát cho thấy sự khác biệt như này?
game bài đổi thưởng tiền that sẽ tiếp tục thông tin!