Sắt son tin Đảng
Xã hội 13/10/2020 13:00
Kỳ 1: Hai thập kỷ miệt mài phấn đấu
Xuyên suốt câu chuyện bà Ngô Thị Đài (40 năm tuổi Đảng), trú ở thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá cho rằng: "Tôi phải mất hai thập kỷ phấn đấu, được đứng trong hàng ngũ Đảng là để “nghiêm túc” với chính mình và thoả lòng mong ước của người cha".
Kiên định một lòng
Tôi cứ thắc mắc trong đầu câu hỏi: “Tại sao bà Đài lại vất vả đến vậy, bà nỗ lực với mong ước được vào Đảng với mục đích gì nên quyết tâm đi tìm lời giải?. Rất may, tôi đã gặp ông Lê Khắc Tuế, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Vĩnh Lộc, người say mê, miệt mài tìm hiểu về lịch sử nước nhà nói chung và lịch sử địa phương nói riêng. Ông Tuế cho biết: Bà Ngô Thị Đài là con ông Ngô Trường Thọ, trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông Thọ đi theo Chính phủ Trần Trọng Kim. Khi đó, Trần Trọng Kim từng làm Thủ tướng của Chính phủ. Đây là Chính phủ được Đế quốc Nhật Bản thành lập trong thời kỳ chiếm đóng ở Việt Nam. Ngày đó, Chính phủ này thành lập tổ chức thanh niên Phan Anh ở khắp nơi, mục tiêu là chống lại Việt Minh. Lúc ấy, ông Ngô Trường Thọ là thủ lĩnh của tổ chức Phan Anh tại Vĩnh Lộc.
Ông Tuế kể: “Một thời gian không lâu, ông Ngô Trường Thọ được ông Đặng Văn Hỷ (người hoạt động cách mạng ở Vĩnh Lộc, từng làm Phó Chỉ huy trên Chiến khu Ngọc Trạo ở huyện Thạch Thành, thủ lĩnh Đảng Cộng sản ở Vĩnh Lộc, sau là Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc) đã giúp ông Thọ trở lại hoạt động cách mạng. Lại nói về Phan Anh, thời kỳ đó ông làm Bộ Trưởng Bộ Thanh niên của Đế quốc Việt Nam. Tuy nhiên, sau này ông Phan Anh trở thành Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nôm na là thế, chính lý lịch trên của ông cụ thân sinh ra mình đã khiến bà Đài không thể vào Đảng, gặp nhiều trắc trở”.
Bà Ngô Thị Đài đóng thành quyển những bức thư, bài thơ mà cụ thân sinh ra bà đã viết để dặn dò bà phải một lòng tin vào Đảng |
Tìm hiểu, được biết, sau này cụ Thọ đã nguyện một lòng đi theo lý tưởng của Đảng, theo cách mạng, phấn đấu và trở thành Đảng viên vào năm 1947. Cụ tốt nghiệp trường Quốc học Huế, và từng giữ chức Phó trưởng Ty Y tế, Trưởng Ty Thông tin Tuyên truyền Thanh Hóa lúc đó. Từ khi theo cách mạng, làm cách mạng cụ chỉ mong muốn con cái đều theo Đảng, cống hiến cho Đảng và nhân dân. Điều đó đã ngấm dần vào máu con cái của cụ, trong đó có bà Đài. Đến đây, tôi mờ mờ hiểu ra câu chuyện phấn đấu vào Đảng của bà Đài và tìm về ngôi nhà nơi người đàn bà đang sống với mong muốn được tỏ tường câu chuyện.
Như máu về tim, mưa về với suối
Chúng tôi tới thăm đúng lúc bà Đài đang hái thuốc trong vườn nhà để tự chữa trị bệnh viêm xoang cho chính mình. Bà Đài có dáng hình mảnh khảnh, mái tóc trắng như cước, năm nay đã bước sang tuổi 79 nhưng trí nhớ còn khá minh mẫn. Bà khá xởi lởi khi chúng tôi gợi lại câu chuyện phấn đấu vào Đảng của mình.
Ông Lê Khắc Tuế (bên phải), Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Vĩnh Lộc, người rất hiểu về chặng đường gian nan vào Đảng của bà Đài |
Bà sinh ra, lớn lên trong một gia đình có hoàn cảnh khá đặc biệt, người cha sau khi giác ngộ, đi theo cách mạng thường biền biệt xa nhà. Nhưng ở quê hương, cô con gái Ngô Thị Đài vẫn luôn năng nổ, chăm chỉ học hành. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp, bà trở thành giáo viên, giảng dạy tại Trường Trung học Nông nghiệp Thanh Hóa. Một thời gian sau đó, cô gái trẻ Ngô Thị Đài được tăng cường vào dạy tại trường Kỹ thuật Nông nghiệp Hậu Giang, rồi giữ chức trạm trưởng trạm nghiên cứu kỹ thuật Nông nghiệp, đến năm 1992 thì nghỉ hưu.
Thấm nhuần lợi dạy và mong muốn của cha, khi mới ở tuổi 19, bà Đài đã có ước mơ bản thân được đứng vào hàng ngũ của Đảng nên xung phong làm đơn và được cơ quan giới thiệu đi học đối tượng Đảng. Năm nào bà cũng làm đơn đề nghị và được đáp ứng nguyện vọng, nhưng lạ một điều rằng, việc kết nạp Đảng cho bà vẫn không diễn ra.
Bà Đài nhớ lại: “Năm 1970 là năm cuối cùng tôi công tác ngoài Bắc, tôi đã quyết định tiếp tục xin gia nhập vào hàng ngũ của Đảng, đó là lớp Đảng viên mang tên Hồ Chí Minh. Trước khi lên đường vào Hậu Giang, một lần nữa tôi quyết tâm viết đơn nhưng vẫn nhận được câu trả lời như cũ, tôi còn nhớ như in từng từ nhận xét của Ban Thường vụ Đảng ủy xã Vĩnh Thành lúc bấy giờ là: Đối với cô này phải cần có thời gian phấn đấu, rèn luyện, nhà trường cần bồi dưỡng để trở thành chiến sĩ thi đua nhiều năm liên tục thì cho học đối tượng Đảng”. Nhưng thực tế, thời điểm đó bà Đài đã được cơ quan bình xét cho đi học đối tượng Đảng rồi.
Năm 1976, sau 17 năm công tác tại Thanh Hoá, bà Đài vào Hậu Giang nhận nhiệm vụ mới. Cuộc sống xa nhà, xa bố mẹ gặp muôn vàn khó khăn nhưng bà Đài vẫn tiếp tục nuôi ước mơ phải được vào Đảng và bắt đầu nỗ lực nhiều hơn. Sự cố gắng, tấm lòng chân thành, ý chí kiên định của bà Đài rồi cuối cùng cũng được đền đáp. Vào năm 1979, cô giáo Ngô Thị Đài chính thức được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi bước sang tuổi 39. Lúc ấy, với niềm xúc động, tự hào, niềm vui không kể xiết, bà đã gọi Đảng là mẹ trong những vần thơ đầy cảm xúc của mình: “Mẹ đón con vào lòng mẹ nhé/ Con tìm đã 20 năm…/ Đến nay và ở đây con được sà vào lòng mẹ/ Không như người đi chợ mua lợi, bán danh/ Mà như máu về tim, mưa về với suối/ Con về với mẹ để cống hiến thật nhiều, thật giỏi/ Cho đầu óc thêm đèn, cho tâm hồn vung cánh…”.
Bà Đài rất tự hào khi mình đã được 40 năm tuổi Đảng |
Bà Đài tâm sự: “Ngày tôi được kết nạp Đảng, bố tôi vui lắm và luôn dặn dò tôi phải làm những gì, phấn đấu thế nào. Ông cụ liên tục viết thư động viên, đồng thời giao nhiệm vụ rõ ràng. Ông nhắc đi nhắc lại việc đã tự nguyện vào Đảng thì đừng nghĩ tới danh lợi cá nhân mà phải sẵn sàng hiến dâng cả cuộc đời mình cho Đảng. Theo lời dạy của cha, tôi chưa bao giờ nghĩ vào Đảng vì lợi ích cá nhân, mà vào Đảng để phục vụ nhân dân, sống có ích cho xã hội. Năm ngoái tôi vinh dự được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Tôi nghĩ, với bản thân mình phấn đấu lâu như vậy thì Huy hiệu Đảng càng có nhiều ý nghĩa hơn”.
Sau khi nghỉ hưu, bà Đài đã về quê hương sinh sống và phụng dưỡng cha mẹ già để làm tròn bổn phận của người con hiếu thảo. Đồng thời hăng hái tham gia sinh hoạt trong hội phụ nữ. Khi có tuổi bà đảm nhiệm vai trò là Phó Chủ tịch Chi hội Người cao tuổi nhiều năm liền. Năm nào gia đình bà cũng được công nhận là gia đình văn hóa, được bà con lối xóm tôn trọng, yêu mến.Nhận xét về bà Đài, Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Vĩnh Lộc Lê Khắc Tuế cho biết: “Bà Đài không lập gia đình, hoạt động năng nổ trong các phong trào ở địa phương. Bà là người vui vẻ, hòa đồng; nhiệt tình, sốt sắng với công việc. Trong thời gian đảm nhiệm Phó Chi hội người cao tuổi thôn 1, bà đã cùng với Chi hội trưởng lãnh đạo Chi hội, giúp Chi hội người cao tuổi thôn 1 trở thành đơn vị tiêu biểu, xuất sắc của Hội Người cao tuổi trong huyện. Bản thân tôi cũng rất quý trọng bà Đài, một người kiên trì và tin yêu Đảng mãnh liệt, đáng là tấm gương sáng cho con cháu học tập, noi theo”.