Sắc lệnh mang đến nhiều hệ lụy cho Trung Đông
Quốc tế 28/03/2019 09:22
Động thái tạo lợi thế cho ông Netanyahu
Sắc lệnh nói trên được đưa ra khi Tổng thống Trump bắt đầu cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng. Sắc lệnh đã chính thức hóa tuyên bố của ông Trump hôm 21/3, khi cho rằng đã đến lúc nước này “công nhận một cách đầy đủ” chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan. Động thái này đã tạo lợi thế cho ông Netanyahu trước thềm cuộc bầu cử tại Israel vào ngày 9/4 tới. Từ trước tới nay, Liên Hợp Quốc và Mỹ đã luôn kiên định không công nhận việc chiếm đóng của Israel đối với Cao nguyên Golan, hay khu vực Bờ Tây vì cho rằng lãnh thổ của Israel và nhà nước mới Palestine phải được đàm phán thông qua con đường ngoại giao. Năm 1967, Israel chiếm Cao nguyên Golan từ Syria trong Cuộc chiến tranh 6 ngày. Đến năm 1981, khi Israel sáp nhập Cao nguyên Golan thành một phần của nước này, chính quyền của Tổng thống Reagan lúc đó đã lập tức trả đũa bằng việc chấm dứt thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Mỹ và Israel. Tuy nhiên, Israel vẫn tiếp tục nắm quyền điều hành vùng đất này như một phần lãnh thổ của mình và dân số người Do Thái ở đây đã tăng nhanh chóng khi các khu định cư mới của Israel được mở rộng.
Sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan không giống với quyết định trước đó của ông Trump về việc di dời sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem khi nó được nghị viện phê chuẩn. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ quyết định công nhận Cao nguyên Golan là của Israel. Sắc lệnh của Tổng thống Trump là bước đi mới nhất trong một loạt các bước nhằm định hình lại vai trò của nước Mỹ trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Giới chuyên gia về hòa bình cho khu vực Trung Đông nhận định, hành động của ông Trump sẽ thổi bùng vấn đề vốn đã âm ỉ lâu nay và có thể khiến một số nước cũng sẵn sàng chiếm đóng lãnh thổ nước khác bất chấp việc vi phạm luật lệ quốc tế.
“Quả bom ngoại giao” ở Trung Đông
Quyết định của Tổng thống Trump ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích từ nhiều quốc gia, đặc biệt là Syria. Thông báo của Bộ Ngoại giao Syria ngày 25/3 nêu: “Trong một đòn tấn công rõ ràng vào chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, Tổng thống Mỹ đã công nhận sự xâm lược đối với Cao nguyên Golan của Syria”. Bộ Ngoại giao Syria khẳng định, Tổng thống Donald Trump không có thẩm quyền để công nhận sự xâm lược này. Với quyết định này, Mỹ đã biến mình thành kẻ thù hàng đầu đầu của các nước Arab. Ngày 27/3, Syria đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) tiến hành cuộc họp khẩn cấp sau quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric khẳng định chính sách của LHQ về Cao nguyên Golan chưa thay đổi. Năm 1967, HĐBA LHQ đã thông qua một nghị quyết với sự nhất trí của toàn bộ 15 nước thành viên, nêu rõ “quyết định của Israel áp đặt luật pháp, quyền tài phán và quyền quản lí của nước này đối với Cao nguyên Golan chiếm đóng là vô nghĩa, không có giá trị và không có hiệu lực pháp lí quốc tế”. Ngày 26/3, 5 nước châu Âu có ghế trong HĐBA LHQ gồm Bỉ, Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã bác bỏ quyết định trên của Tổng thống Trump, đồng thời bày tỏ quan ngại động thái này của Mỹ có thể gây ra hậu quả to lớn. Báo chí Mỹ bình luận sự kiện này chẳng khác gì “đã phá hủy chính sách của Mỹ đối với Trung Đông được xây dựng nhiều thập kỉ qua”. Tuyên bố của ông Trump không thay đổi gì hiện trạng khu vực này bởi hiện không có cuộc đàm phán nào được tiến hành liên quan đến Cao nguyên Golan. Đây chỉ là một bước đi có tính chất biểu tượng nhưng là quyết định cho thấy ông Trump sẵn sàng “phá” thông lệ ngoại giao và tạo ra một cuộc tranh luận mới về Trung Đông. Việc thừa nhận Cao nguyên Golan thuộc quyền kiểm soát của Israel là một “quả bom ngoại giao” mà Washington thả xuống nhằm tìm cách vẽ lại bản đồ Trung Đông. Năm 2017, ông Trump cũng đã đi ngược lại thực tiễn ngoại giao tồn tại hàng chục năm qua khi thừa nhận thành phố Jerusalem bị chiếm đóng là Thủ đô của Israel, chứ không phải Tel Aviv. Trung Đông luôn tồn tại nhiều mâu thuẫn có tính lịch sử về tôn giáo, dân tộc, địa-chính trị và can dự nước lớn. Chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump dường như đang tạo ra những rủi ro và bất ổn mới cho khu vực này.