Rối loạn tiêu hóa Điều trị có khó?
Sức khỏe 05/07/2019 09:46
Những thay đổi tại hệ tiêu hóa
Giảm dịch tiết tiêu hóa: Ở NCT có sự giảm nhẹ tế bào hình hạt nho của tuyến nước bọt có thể gây tình trạng miệng khô khiến việc nhai khó khăn và giảm thưởng thức vị ngon của thực phẩm. Khi bước vào tuổi 60, dịch vị bao tử giảm khoảng 25% so với ngày trẻ nên sự co bóp dạ dày bị yếu hơn. Điều này dẫn đến sự hấp thụ calci tại ruột non giảm làm yếu xương, sự hấp thụ vitamin B12 kém có thể khiến cơ thể mệt mỏi. Thành phần của mật do gan bài tiết cũng có sự thay đổi dẫn đến khả năng dễ tạo sỏi.
Thay đổi tại gan: Ở NCT, cấu trúc gan thay đổi, gan giảm khối lượng, nhu mô có những chỗ teo, mô liên kết dày lên, mật độ gan chắc lên. Cùng với đó là hiện tượng thoái hóa mỡ ở gan, chức năng giải độc và tái tạo tế bào gan giảm.
Túi mật và đường dẫn mật: Từ tuổi 40 có sự giảm đàn hồi của túi mật và thành ống mật, cơ túi mật bắt đầu teo, thể tích túi mật giảm. Ngoài ra còn có hiện tượng xơ hóa vòng cơ Oddi nên dễ gây rối loạn điều hòa dẫn mật.
Ruột già: Thành ruột già mỏng hơn, vài chỗ phình ra thành túi nhỏ (perticul), dễ bị nhiễm trùng.
Các dạng rối loạn tiêu hóa thường gặp
Chán ăn, không thèm ăn: Biểu hiện này thường gặp ở NCT do chức năng hoạt động của các bộ phận trong hệ tiêu hóa giảm khiến quá trình tiêu hóa thức ăn kéo dài hơn so với người trẻ. Nếu hiện tượng này kéo dài rất dễ dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, cơ thể mệt mỏi, sức khỏe giảm sút.
Hệ tiêu hóa có nhiều thay đổi khi tuổi cao là nguyên nhân dẫn đến RLTH. |
Nuốt nghẹn: Đây là biểu hiện thường gặp ở không ít NCT mặc dù đã nhai chậm, không vội vàng. Nguyên nhân có thể do răng yếu nên NCT không nghiền kĩ được thức ăn. Ngoài ra cũng có thể do hoạt động của cơ thực quản giảm khiến việc đẩy thức ăn xuống dạ dày bị cản trở gây nghẹn.
Sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài phân nát: Hiện tượng rất dễ xảy ra khi NCT ăn thực phẩm nhiều mỡ, nhiều đạm do sự co bóp của dạ dày kém và các men tiêu hóa của đường ruột bị giảm do lão hóa. Điều này khiến NCT ngại ăn những thức ăn bổ dưỡng như sữa, thịt, cá…
Táo bón: Có nhiều nguyên nhân gây táo bón ở NCT nhưng có một số lí do thường gặp nhất là do chức năng và hệ men tiêu hóa của đường ruột giảm sút, do ít vận động, ăn ít rau, quả hoặc không ăn, uống ít nước. Khi bị táo bón, NCT thường cảm thấy mệt mỏi do các chất độc tố có trong phân, trong đó rất nhiều độc tố của vi khuẩn ngấm vào máu. Hơn nữa, táo bón rất dễ gây nên bệnh trĩ, nứt kẽ hậu môn khiến NCT phải rặn mạnh mà rặn mạnh thì đau, chảy máu nên táo bón lại càng tăng lên, thỉnh thoảng lại xuất hiện cơn đau quặn bụng, nhất là đau bụng dưới mà hay gặp nhất là đau vùng hố chậu bên phải làm cho dễ nhầm với viêm ruột thừa.
Tiêu chảy: Nếu NCT bị tiêu chảy thông thường, không do nguyên nhân nhiễm khuẩn cần bổ sung nước và chất điện giải bằng cách uống dung dịch oresol (ORS). Nếu tiêu chảy cấp, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xác định bệnh.
Bệnh về gan mật: Khi hệ thống gan mật bị ảnh hưởng do tuổi già khiến hoạt động không tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu hóa. Ngoài ra, một số bệnh lí tại gan, mật cũng làm cho hệ tiêu hóa bị ảnh hưởng rất lớn như viêm gan mạn tính, xơ gan, viêm đường mật mạn tính hoặc sỏi mật.
Sa dạ dày: Đây là hiện tượng chủ yếu gặp ở NCT do các cơ của thành dạ dày bị yếu dần đi theo tuổi tác. Sa dạ dày ở NCT làm cho họ lúc nào cũng cảm thấy mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ (ngủ không ngon giấc, ngủ không sâu hoặc rất ít ngủ).
Ngoài những biểu hiện và bệnh lí gây rối loạn tiêu hóa trên, NCT cũng có thể mắc một số bệnh mạn tính từ trước do không được điều trị dứt điểm khi tuổi cao bệnh càng nặng thêm như bệnh về dạ dày - tá tràng (viêm, loét dạ dày).
Những rối loạn tiêu hóa ở NCT nếu chỉ bị trong một thời gian ngắn từ 2 đến 3 ngày thì thường không gây biến chứng gì đáng kể nếu được điều trị kịp thời và dứt điểm. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới nhiều hậu quả cho sức khỏe NCT như những rối loạn nuốt có thể gây viêm phổi do sặc, nuốt nghẹn hoặc hội chứng kém hấp thu kéo dài khiến cho việc cung cấp chất dinh dưỡng bị thuyên giảm và bệnh nhân sẽ bị suy kiệt. Từ đó, bệnh nhân dễ dàng bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu... cũng như suy dinh dưỡng sẽ làm nặng thêm các bệnh mạn tính đang có. Tiêu chảy cấp hoặc mạn đều gây mất nước, mất điện giải khiến cơ thể suy kiệt nhanh chóng. Cùng với đó, chất lượng cuộc sống cũng bị giảm sút do cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng, tâm lí lo lắng về bệnh tật dẫn đến đau đầu, mất ngủ triền miên, mất tập trung, dễ cáu gắt, mất hứng thú với cuộc sống…
Điều trị có khó không?
Đối với những bệnh lí rối loạn tiêu hóa cấp tính như tiêu chảy do nhiễm độc hoặc nhiễm khuẩn, đầy bụng chướng hơi do thức ăn… thì có thể dễ dàng xử trí. Nhưng đối với những triệu chứng rối loạn tiêu hóa có tính chất mạn tính, có nguyên nhân do bệnh lí tổn thương - thoái hóa của các cơ quan tiêu hóa như gan mật, tụy, dạ dày ruột hoặc do các cơ quan như nội tiết thì việc điều trị phức tạp hơn và phải tìm đúng nguyên nhân mới có biện pháp xử trí thích hợp. Do vậy, phòng bệnh là biện pháp hiệu quả để giúp NCT tránh được những khó chịu do rối loạn tiêu hóa gây ra. Các biện pháp phòng bệnh thường được áp dụng là có chế độ ăn uống hợp lí (ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước…) kết hợp với vận động cơ thể (đi bộ, xoa bóp vùng bụng hoặc cơ bắp…) và có đời sống tinh thần thoải mái (đọc sách, báo, xem ti-vi, tham gia các câu lạc bộ…). Một số NCT chán ăn, không thèm ăn, người nhà cần động viên và nếu cần bón giúp trong các bữa ăn. Nếu bị bệnh về dạ dày thì nên đi khám bệnh định kì để được điều trị và tư vấn của bác sĩ để bệnh nhanh khỏi.