Rất mong Tòa cấp phúc thẩm chuẩn mực, công tâm!
Pháp luật - Bạn đọc 06/01/2022 13:00
Năm 1993, ông Nguyễn Xuân Hợi, hiện ở huyện Đông Anh, TP Hà Nội được UBND xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cấp cho 1 lô đất có chiều rộng 15m, dài 200m tại thôn Tân Kết, xã Liên Hà. Sau khi nhận đất, ông Xuân Hợi cất nhà, làm chuồng heo, đào giếng nước và cư ngụ, canh tác (trồng cà phê) ổn định. 7 năm sau, năm 2000, ông Nguyễn Văn Bảo, đại diện Công đoàn Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng - đến thoả thuận hoán đổi cho ông Xuân Hợi 1 mảnh đất khác; bởi đất của ông Xuân Hợi nằm trong diện tích chính quyền huyện giao cho Công đoàn Văn phòng UBND tỉnh để chia cho cán bộ, viên chức “sản xuất nông nghiệp”, từ năm 1998. Tuy nhiên, do đất hoán đổi bị tranh chấp nên chỉ sau 3 ngày nhận đất, ông Hợi đã phải viết giấy trả lại, trở về ngôi nhà cũ.
Công văn của UBND xã Liên Hà gửi Tòa, và(bút tích xác nhận của ông Quang (ảnh nhỏ) |
Năm 2004, vì muốn về quê (Hà Nội) sinh sống nên qua giới thiệu của ông Lê Văn Biền, cán bộ địa chính xã, ông Xuân Hợi sang nhượng toàn bộ thửa đất cho ông Nguyễn Đỗ Hợi, thương binh hạng 4/4, với giá 17 triệu đồng. Theo ông Nguyễn Đỗ Hợi, nhờ sự “dẫn mối” của cán bộ địa chính Biền nên ông mua đất suôn sẻ, và sau đó kê khai, đăng kí với chính quyền xã rồi xây nhà, trồng thêm bơ, mít v.v.
Suốt 7 năm sinh sống, canh tác không ai có ý kiến, khiếu nại gì, bỗng năm 2011 ông Bùi Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã cùng cán bộ địa chính Biền mời ông lên trụ sở. Tại đây, ông Biền đưa ra tấm sổ đỏ của thửa đất (mà ông ta “môi giới” cho 2 ông Xuân Hợi - Đỗ Hợi sang nhượng năm nào), nay được cấp cho... chính mình (ông Biền) và yêu cầu ông Đỗ Hợi phải đưa 100 triệu đồng thì ông mới “có trách nhiệm giao sổ đỏ cho anh Hợi”(!).
Trên đất có nhà xây, vật kiến trúc của ông Đỗ Hợi, song tại sổ đỏ, cấp năm 2009 cho ông Biền lại "không có gì" |
...sau đó “làm” nguyên đơn
Do ông Đỗ Hợi chỉ đưa 10 triệu đồng mà không trả tiếp 90 triệu còn lại nên ông Biền khiếu nại lên xã. Xã tiến hành hòa giải bất thành, vì thế ông Biền khởi kiện ra tòa. Tại phiên sơ thẩm (TAND tỉnh Lâm Đồng mở ngày 7/7/2020) nguyên đơn, vốn là cán bộ địa chính xã Liên Hà đã thôi việc, cho rằng: Năm 2005 (tức, sau khi ông Biền “chỉ điểm” cho ông Đỗ Hợi mua đất của ông Xuân Hợi 1 năm), ông (Biền) đã mua lại toàn bộ thửa đất này của ông Phan Ngọc Quang, công tác tại Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, với giá 90 triệu đồng. Tuy mua đất (giấy tay) năm 2005, song 4 năm sau (2009), ông mới chính thức làm thủ tục và được cấp sổ đỏ. Sở dĩ ông kiện ông Đỗ Hợi vì trên sổ đỏ, cấp cho ông Quang năm 2000, có phần đất của ông Xuân Hợi (do xã giao năm 1993), và cũng trong năm 2000, ông Nguyễn Văn Bảo, cán bộ Công đoàn Văn phòng UBND tỉnh đã thỏa thuận đổi đất, đồng thời hỗ trợ cho ông Xuân Hợi 600.000 đồng (nên diện tích này được Công đoàn Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng chia cho ông Quang)... Chính vì thế, năm 2004, ông Đỗ Hợi mua thửa đất “đã hoán đổi” nói trên, của ông Xuân Hợi, nên phải trả lại cho ông (ông Biền cũng sẽ trả 10 triệu đồng cùng giá trị nhà cửa, vật kiến trúc cũng như cây trồng trên đất cho ông Đỗ Hợi)...
Bản án và kháng cáo của vợ chồng người thương binh Nguyễn Đỗ Hợi |
Phản bác lại nguyên đơn, bị đơn Đỗ Hợi khẳng định: Hơn ai hết, ông Biền là cán bộ địa chính xã nên biết rõ việc hoán đổi đất năm 2000 của ông Xuân Hợi bất thành (thứ nhất, ông Bảo chỉ là cán bộ Công đoàn nên không đủ thẩm quyền. Thứ hai, do đất được đổi đang bị tranh chấp, không thể cấp sổ đỏ), vì vậy ông Xuân Hợi phải quay lại đất cũ, tiếp tục sinh sống, canh tác và mọi người, kể cả ông Bảo, ông Biền cũng như chính quyền sở tại đều coi đó là chuyện đương nhiên. Đáng lưu ý, do biết rõ điều đương nhiên này nên năm 2004 chính ông Biền mới “cò” cho ông mua đất (việc sang nhượng có xác nhận của UBND xã)!?
Mong cấp phúc thẩm xét xử công tâm!
Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Lâm Đồng tuy công nhận việc sang nhượng đất của ông Đỗ Hợi với ông Xuân Hợi nhưng lại “nương theo” nguyên đơn, khi cho rằng ông Xuân Hợi đã đổi đất (và nhận 600.000 đồng tiền hỗ trợ của Công đoàn Văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng) nên phải trả cho ông Biền gần 1,1 tỉ đồng, là 90% giá trị thửa đất (do ông Đỗ Hợi đã trả 10 triệu đồng = 10% của 100 triệu đồng mà ông Biền yêu cầu ông Đỗ Hợi phải trả năm 2011)!
Điều này, thật chẳng khác nào buộc người thương binh Nguyễn Đỗ Hợi phải trả tiền 2 lần cho 1 mảnh đất mà mình đã mua! Bởi, như đã nói, việc hoán đổi đất năm 2000 của ông Xuân Hợi là không thành và số tiền 600.000 đồng chỉ là tiền hỗ trợ di dời (ông Bảo cũng không đòi lại). Do đó, việc cấp sổ đỏ cho ông Quang là có vấn đề, vì theo luật, chỉ được cấp đất cho người khác khi đã có quyết định thu hồi đất của người đang sử dụng. Ở đây, đất của ông Xuân Hợi không có quyết định thu hồi, và thực tế, ông vẫn canh tác, sinh sống trên đất liên tục, ổn định cho đến khi bán cho ông Đỗ Hợi, năm 2004.
Tương tự, việc cấp sổ đỏ cho ông Biền, năm 2009, mảnh đất mà chính ông này đã “dắt mối” cho ông Đỗ Hợi mua 5 năm trước, cũng có vấn đề. Đó là, cấp sổ nhưng không tiến hành xác minh, giao nhận trên cả thực địa và sổ sách (nên không phát hiện việc ông Đỗ Hợi mua đất, được chính quyền xác nhận và sau đó có kê khai, đăng kí). Không chỉ thế, tòa cấp sơ thẩm cũng không làm rõ việc ông Quang từng viết giấy khẳng định với UBND xã: Ông chỉ bán đất và kí hợp đồng chuyển nhượng với ông Hùng (Phó Chủ tịch UBND xã, hiện đã mất) - chứ không bán cho ông Biền. Chưa hết, Tòa cũng không làm rõ việc UBND huyện Lâm Hà ra Quyết định số 126 ngày 16/4/1998, giao 34,7ha cho 46 cán bộ, nhân viên Công đoàn Văn phòng UBND tỉnh, song thực tế chỉ có 27,6ha đất được nhận. Vậy, hơn 7ha còn lại là của ai, có phải trong đó có phần đất được cấp năm 1993 của ông Xuân Hợi? v.v và v.v.
“Tôi đã kháng cáo bản án bất công này và rất mong Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm khách quan, chuẩn mực, công minh” - người thương binh già, trên 70 tuổi Nguyễn Đỗ Hợi chia sẻ!