“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên
Xã hội 24/03/2023 09:44
Kì 2: Hai dáng hình một chí hướng
Trước thời khắc xuất hành, chúng tôi tìm hiểu và được biết cộng đồng người Bana, người Gia Rai của nữ già làng Rmah H’Yơm, ở làng King Pênh, xã Chư A Thai, hai trong những tộc người lâu đời nhất ở Tây Nguyên.
Khi đặt chân tới đầu làng King Pênh, chúng tôi gặp ngay hai cô gái Bana là LiH’ Rét chất phác và H’Niên hoạt bát đang ngồi tựa lưng vào bó củi to hơn người. Khi chúng tôi hỏi đường vào nhà già làng Rmah H’Yơm, LiH’ Rét giọng tỉnh bơ:
- Không biết già Rmah H’Yơm có nhà không, có khi đi làm rẫy.
- Rẫy xa không? Khi nào về?
Vẫn tỉnh bơ: Không biết, chắc chiều về. Có khi vào núi Cheng Leng dạy mấy người dệt thổ cẩm, cái chữ, nuôi con bò đẻ vài ngày mới về !!!”.
Chúng tôi quay sang hỏi H’Niên:
- Sao già Rmah H’Yơm phải vào núi Cheng Leng làm những việc đó? H’Niên bộc lộ rõ sự tinh thông của một cán bộ đoàn xã: “Cách đây không lâu tại đỉnh núi Cheng Leng, một số người từ nơi khác kéo đến sống trên đất Chư A Thai nên việc quản lí nhân khẩu rất phức tạp. Hơn 50 hộ ở cụm dân cư này bây giờ chưa thể an cư để lạc nghiệp, vì chưa có già làng dẫn đường, chỉ lối… Chính vì thế cán bộ ngoài huyện, trên xã nhờ già làng Rmah H’Yơm “gom dân” hoàn thiện các thủ tục thành lập thôn mới, nhanh chóng ổn định đời sống cho bà con”.
Già làng Rmah H'Yơm giúp trưởng thôn “sát hạch” tác phong nam nữ thanh niên tham dự lễ hội cầu mùa. |
Trái ngược với vẻ đơn sơ, nghèo về kiến trúc truyền thống của những ngôi nhà dân ở, Nhà văn hóa của làng King Pênh lại quá hào phóng đến ngồn ngộn các tác phẩm điêu khắc. Trên các tấm ván thưng mặt trước và mặt sau là các bức phù điêu khắc họa chân phương và sinh động những cảnh trong lễ hội và sinh hoạt ngày thường của người Gia Rai, Bana: Giã gạo, uống rượu, săn bắt, nhảy múa... Trên cột nhà và các vách nhà, bên cạnh các phù điêu cảnh sinh hoạt, các con vật linh thiêng gắn bó với đồng bào. Có những tác phẩm nho nhỏ, thô sơ ẩn kí dòng trữ “Rmah H’Yơm hiến tặng” được treo lủng lẳng ngoài hiên ngôi nhà này vì gió mà va vào nhau kêu lốc cốc. Những điều chúng tôi tai nghe, mắt thấy tại đây là minh chứng cho thành quả cộng đồng Bana, Gia Rai đã ra sức bảo tồn, gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa cổ truyền theo sự “chỉ huy” của cựu thanh niên xung phong - già làng Rmah H’Yơm.
Khi chúng tôi đề cập về nữ già làng Rmah H’Yơm với ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, thì nhận được ngay câu trả lời: “Trở về làng khi chiến tranh kết thúc, cựu thanh niên xung phong Rmah H’Yơm dồn hết sức mình để giúp dân làng gây dựng lại cuộc sống, phát triển sản xuất, chăn nuôi. Hồi đó, nhiều tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan ăn sâu trong tâm thức dân làng. Năm 1998, làng King Pênh không có già làng, bà Rmah H’Yơm là một trong số ít người trong làng biết chữ lại được bà con quý mến nên được suy tôn làm già làng”.
“Có chức sắc, chức việc trong tay, già Rmah H’Yơm tận tình cùng trưởng thôn các nhiệm kì tuyên truyền người dân từ chuyện định canh, định cư, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn đến bày cho bà con cách làm ăn. Đặc biệt, già Rmah H’Yơm đã “dắt cả cộng đồng” người Gia Rai, Bana của xã nhà bước qua “lời nguyền”. Đó là vận động bà con các dân tộc ở vùng nghèo nhất xã trước kia bỏ đi luật tục chôn chung, một hủ tục lạc hậu kéo theo nhiều bệnh tật.
Già làng Rmah H’Yơm cũng đã kết tình chị em với nữ già làng Rơ Châm Phyah, ở buôn Tung Breng, xã La Krai để đưa mô hình nuôi bò sinh sản cao về để tăng thêm thu nhập cho dân. Nhờ đó, đời sống của người dân địa phương bây giờ văn minh, khá lên trông thấy, hộ nghèo đã giảm nhiều, hủ tục lạc hậu cũng bỏ hết. Làng King Pênh của già Rmah H’Yơm là nơi đầu tiên trong huyện đón nhận danh hiệu Khu dân cư văn hóa.
“Quy hoạch” theo hình oval của làng - với trung tâm là ngôi nhà rông bề thế, nay cũng đã biết “chạy ra cạnh trục đường”. Đó là ngôi nhà duy nhất trong làng cột kèo, cánh cửa được làm hoàn toàn bằng gỗ. Ở đó, chúng tôi đang hít hà khâm phục trước những “tác phẩm” của các tay đục đẽo, trạm khắc tài hoa dân tộc Gia Rai, Bana thì già làng Rmah H’Yơm xuất hiện với dáng vẻ thân tình, từng trải mà hiện hữu đầy “quyền lực mềm” trong từng lời nói, cử chỉ. Già ân cần kể với chúng tôi: “Việc khó nhất bây giờ là mình và già Rmah H’Yơm đang được cấp ủy, chính quyền nhờ cậy cùng với bộ đội cắm làng lựa chọn, “bồi dưỡng” thêm một ông người Bana làm già làng, vì trên núi Cheng Leng mới thành lập thôn đang “khuyết” cái chức việc này”.
Nói lời hẹn gặp lại già làng Rmah H’Yơm, chúng tôi men dọc theo con suối dài hun hút để sang làng Tung Breng, xã La Krai tìm hiểu chuyện làm nữ già làng của bà Rơ Châm Phyah cũng hết sức ngẫu nhiên, được định đoạt là: Vào đầu 2013, khi già làng tiền nhiệm, cũng chính là chồng mình qua đời, bà Rơ Châm Phyah được dân làng Tung Breng suy tôn thay thế. Việc suy tôn nữ giới làm “thủ lĩnh tinh thần” đã phá vỡ mọi truyền thống từ trước đến nay của làng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Tấn, Chủ tịch UBND xã Ia Krai cho biết: “Những năm qua, già làng Rơ Châm Phyah dùng sự gương mẫu trong cuộc sống lẫn gây dựng hạnh phúc chính gia đình mình để cho dân làng noi theo và luôn nhất quán “nói đi đôi với làm”. Còn việc chung thì không thể không nhắc đến chuyện già làng Rơ Châm Phyah tuyên truyền, vận động các gia đình đồng bào dân tộc ít người trong xã không để xảy ra nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết; nhắc nhở gia đình trẻ thực hiện nghiêm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, không sinh đông, sinh dày con để nuôi dạy cho tốt. Đặc biệt, tính từ năm 2000 đến nay đã xin cho gần 100 người vào làm tại Công ty 715 (Binh đoàn 15) để có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, không phải nghĩ nhiều đến cái ăn, cái mặc như trước kia nữa”.
Thiết nghĩ, hai già làng Rơ Châm Phyah và Rmah H’Yơm tựa như những bóng kơ nia cổ thụ trên mảnh đất núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ - loài cây không sợ bão táp vì dễ của nó ăn sâu vào lòng đất, bao năm chắn nắng, che mưa cho bà con buôn làng. Hai vị nữ già làng đầy “quyền lực mềm” này không chỉ bảo vệ dân làng mình trước những dịch bệnh, thiên tai, từ bỏ những tập tục lạc hậu hướng đến cuộc sống hiện tại tốt đẹp mà còn giúp những người nơi xa di cư tự do đến quê hương định canh, định cư phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống văn hóa, văn minh bền vững.
“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên Từ xưa đến nay trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên nói chung có thể khuyết vài ba chức danh cán bộ, lãnh đạo ... |