“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên
Xã hội 31/03/2023 09:56
Địa hình nơi đây khá bằng phẳng, đường nhỏ, cây nhỏ, nhà cũng nhỏ. Chỉ cần rẽ vào con đường bê tông trung tâm bon, là cả một quần thể ngụ cư của người Mạ hiện ra như ở đó từ bao đời: Vẫn bậc thang gỗ đẽo chênh vênh nửa bàn chân, vẫn cối giã gạo bên chái nhà, và bầy heo nái, heo con, gà, dê nằm dài hoặc chạy loăng quăng bên chân cột... Cả N’Jiêng là một hình hài “ăn theo” xã Đăk Nia đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 - bon quá đỗi êm đềm - một nốt trầm giữa bản “hip-hop” náo nhiệt của một chốn cách phố thị hiện đại không xa.
Già làng K’Măng (bên trái), già làng K’Tiêng chơi chiêng. |
Chưa hết ngỡ ngàng khi đứng trước ngôi nhà được “người chỉnh chiêng giỏi nhất Gia Nghĩa”, già làng K’Tiêng càng khiến chúng tôi kinh ngạc hơn. Vừa giới thiệu chủ - khách, già K’Tiêng khoác bộ áo dân tộc ra ngoài chiếc áo phông, rồi nhảy lên xe máy phi vèo đi. Bà Quản Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, vội giải thích với chúng tôi: “Già làng K’Tiêng đi “lệnh” trưởng bon tập hợp đội chiêng về để chơi cho hai chú thưởng thức”.
Trong lúc đợi già làng K’Tiêng, bà Ngọc cho biết: “Già K’Tiêng vốn là “kiến trúc sư trưởng” của ngôi nhà rông dân tộc Mạ dựng ở khu Trung tâm văn hóa cộng đồng các dân tộc TP Gia Nghĩa. Chính thời gian làm nhà rông là lúc già K’Tiêng phục dựng lại đội cồng chiêng của xã Đắk Nia”.
Khoảng mươi phút sau, đội chiêng già K’Tiêng đã tập hợp đủ. Những gương mặt nông dân sạm đen, gân guốc nhưng đầy vẻ hiền lành, chất phác vừa từ trên rẫy về. Họ vây quanh già làng K’Tiêng, chăm chú nhìn vào chiếc chiêng nhỏ nhất già thúc làm hiệu lệnh...
Tiếng chiêng vang lên bình boong như là có ánh sáng linh động va đập liên miên gọi hồn rừng Tây Nguyên hiện về. Thật kì lạ, cũng như mọi sự vật hiện tượng dù phức tạp mấy, người ta cũng chỉ gói gọn được trong vài từ tên gọi, thì linh hồn một xứ sở cũng có thể gói được trong một sắc âm thanh. Tiếng chiêng người Mạ gọi lên sắc Tây Nguyên, tiếng cồng gọi lên sắc Mường, Thái ngoài Hòa Bình. Tiếng sáo Mông âm u thầm trầm gọi lên cái hồn núi rừng Tây Bắc...
Không phải lần đầu nghe biểu diễn cồng chiêng ở Tây Nguyên, nhưng có lẽ là lần đầu chúng tôi bị tiếng chiêng mê hoặc.
Già làng K'Ngun làm chủ lễ cúng bến nước. |
“Nhạc trưởng” K’Tiêng cũng lim dim đôi mắt, có lúc nhắm nghiền mắt lại để nghe tiếng cả dàn chiêng. Đấy là lúc đôi tai già đang kiểm soát âm thanh của 13 chiếc chiêng. Chợt già ngoảnh đầu đưa mắt nhìn H’rưng đang cầm một chiếc chiêng La (chiêng không có núm). H’rưng vội vã đưa ngay chiếc chiêng tới trước mặt “nhạc trưởng”. Già K’Tiêng vật ngửa chiếc chiêng ra, tay rút một khúc gỗ tròn nhỏ ở trong túi áo, gõ cạch cạch gần tâm chiêng. Xong, già lấy nắm tay mình gõ thử, gật gật gù gù rồi đưa lại chiêng cho H’rưng. Hóa ra chiếc chiêng của H’rưng “có bệnh” (co ngót do thời tiết, hoặc cong vênh do chơi nhiều) nên sai tiếng. Già K’Tiêng dùng khúc gỗ nhỏ gõ lại để chỉnh tiếng.
Chiếc chiêng của H’rưng trước và sau khi chỉnh tiếng thế nào, những cái tai của chúng tôi là tai ngoại đạo, không biết mô tê ra sao. Già làng K’Tiêng lại nhắm nghiền mắt, lúc sau già lại tìm ra tiếng sai của một cái chiêng khác, khúc gỗ nhỏ của già lại có dịp ra tay lạch cạch...
Đến mảnh đất xa xôi này, chúng tôi còn biết già làng K’Ngun, bon Tinh Wel Đơm đã hơn một tuần nay rồi vẫn lục tục “cầm theo” một đội chiêng cổ đi khắp các bon làng trong xã nhà Đắk Nia, ngoài TP Gia Nghĩa cử hành cúng bến nước cho cộng đồng người Mạ mình. Sớm nay mới đúng giờ tốt, ngày tốt đã chọn kĩ càng từ trước nên già làng K’Ngun rất ung dung tự tại “chỉ huy” đội cồng chiêng chơi bài gọi các vị thần về bên bờ suối Lin Đel thụ lễ, hưởng lộc cúng bến nước mà đồng bào Mạ bon Tinh Wel Đơm của mình dâng.
Tiếp chuyện chúng tôi, cụ K’ Krơng tỏ bày: “Người Mạ mình thờ thần nước như thờ tổ tiên nhà mình vậy. Do đó, từ đầu tháng 3 đến giữa tháng tư dương lịch khi thóc đầy bồ, ngô đầy gùi, cà phê đầy kho thì đồng bào mình lại nhờ ơn già làng K’Ngun sáng suốt điều khiển tiếng chiêng chỉ bảo cả bon cùng nhau tổ chức Lễ cúng bến nước để tạ ơn “Thần nước”. Chính vì thế mà đồng bào Mạ mình sùng bái già làng K’Ngun như là tôn kính thần linh vậy”.
Chúng tôi biết các già làng của người Mạ không phải là thần linh, nhưng các già làng luôn luôn là chỗ dựa tinh thần cho cả cộng đồng. Bon làng người Mạ nào có nhiều già làng như các già làng K’Ngun, K’Tiêng, bon làng đó ắt giàu sang hơn, hùng mạnh hơn.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, thông thường mỗi bon người Mạ ở đây đều có một vị già làng cầm trịch cồng chiêng lễ như già làng K’Ngun. Mặc dù đã trải qua 85 mùa hoa pơ-lang nhuộm đỏ núi rừng, nhưng già K’Măng ở bên bon N’ Jriêng hiện tại vẫn là một trong những vị già làng dạy tiếng cho chiêng lễ, chiêng hội nổi tiếng khắp vùng.
Trò chuyện với chúng tôi, già làng K’Măng thổ lộ: “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại 18 năm rồi. Nhưng sự thực, đồng bào Tây Nguyên nói chung, người Mạ nói riêng từ xưa tới nay đâu có biết làm chiêng, chỉ biết sang Lào hoặc về xuôi mua chiêng, rồi đem về giao cho các vị già làng quản thúc “dạy tiếng” cho chiêng, biến nó thành một loại nhạc cụ cổ truyền không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh”.
Tạm biệt xã Đắk Nia, nói lời hẹn gặp thành phố trẻ Gia Nghĩa, xa dần tiếng chiêng của người Mạ và hình ảnh các già làng K’Tiêng, K’Măng, K’Ngun dáng vóc vững chãi với nước da đồng hun, mà lòng chúng tôi sao không yên. Rồi mai này, khi ba vị già làng tốt bụng này cũng chỉ còn trong chuyện kể, những dàn chiêng không còn ai “dạy tiếng” có khác chi những dàn chiêng nằm trong các bảo tàng hay các bộ sưu tập tư nhân - những dàn chiêng “chết” khi vĩnh viễn rời xa không gian văn hóa của chúng?.