“Quyền lực mềm” của già làng Tây Nguyên
Xã hội 29/03/2023 10:03
Tháng 3 Tây Nguyên nắng oi ả. Chợt nhớ đến lời Giáo sư Tô Ngọc Thanh: “Bác đã từng sống khá lâu với núi rừng Kông Lơng Khơng nên đã hiểu rõ về các vị già làng người Bana hôm nay. Tuy không có thứ “bảo bối” cầm tay, nhưng họ có uy tín, có các “luật tục” và sự tinh thông… làm công cụ để khích lệ, quản lí, điều hành cả một cộng đồng người đông đúc…”. Vậy là chúng tôi vội vã lên xe gắn máy lầm lũi băng đèo, vượt dốc, xuyên rừng để đến với buôn Kông Hoa. Đây là cái tên của văn học nhưng đó đích danh là một ngôi làng hoàn toàn có thật trong tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc. Ngôi làng này cũng được xây dựng từ một hình tượng có thật: Anh hùng Đinh Núp - người làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện K’bang, tỉnh Gia Lai.
Từ trái qua phải già làng Đinh H'Mưnh, Đinh Yom, Đinh Dom chơi đàn ca rong, chơi cồng chiêng trước sân nhà rông |
Đến nơi, chúng tôi được Chủ tịch UBND xã Tơ Tung Trần Nam trong bộ đồ thổ cẩm mới toanh đón, rồi đưa đi thăm một vòng quanh làng, nơi chung sống của hơn trăm hộ đồng bào Bana, người Kinh, người Tày, Nùng từ mãi ngoài Cao Bằng, Lạng Sơn vào lập nghiệp. Chúng tôi hỏi ông Nam: “Nghe nói đồng bào phía Bắc di cư vào rất chịu khó làm ăn nên đời sống khá lắm phải không?’’; ông Nam cười: “Người Bana cũng chịu khó làm ăn rồi, không còn hộ nghèo đói nữa. Các hộ người Bắc vào cũng rất tốt, giúp đỡ người Bana nhiều đấy chứ. Thôi! Muốn tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu viết bài về bản sắc văn hóa, đời sống người Bana, truyền thống lịch sử cách mạng quê hương thì việc đầu tiên phải mời hai chú vào nhà văn hóa chào hỏi các già làng đã”.
Qua cái cung cách ông Trần Nam khi vào ngôi nhà rông khoanh tay lễ phép diện kiến già làng Đinh Jứt, chiến sĩ của cụ Núp thời chống Mỹ; già làng Đinh Yom và Đinh Dom, cháu gọi cụ Núp bằng bác cũng đủ biết “quyền lực” trong cộng đồng của ba vị cao niên này ở mức độ nào.
Hiểu rõ mong muốn của chúng tôi, ba già thay nhau gợi chuyện. Từ những câu chuyện xoay quanh không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới lâu rồi mà bây giờ đồng bào vẫn chưa nguôi vui cái bụng… Chuyện về Đại hội Chi bộ làng Stơr nhiệm kì 2022 - 2025 đã bầu được Bí thư tốt là Đinh Rới người Bana, đang chờ đến ngày giờ tốt tới đây sẽ được “thụ phong” là già làng … Mà lạ, cứ mỗi câu chuyện ba già làng tiêu biểu này thay nhau kể xong, chúng tôi lại được nhấp một ngụm rượu cần mát lạnh. Đến khi già Yom hỏi Chủ tịch xã Trần Nam bao giờ khu căn cứ làng kháng chiến Stơr trong rừng sâu được đầu tư xây dựng, phục hồi lại để mình biết còn “chỉ huy” dân làng vào “giải phóng mặt bằng”;...
Già làng Đinh Yom đánh trống làm lẽ cầu mùa 2023. |
Thấy chúng tôi cứ nấn ná về việc ông Bí thư chi bộ làng Stơr Đinh Rới sắp vinh dự được cộng thêm thứ “quyền lực mềm” trong tay nên cuộc diện kiến các vị già làng này lại dài, lại rộng chẳng khác nào ngôi nhà rông Bana. Già làng Đinh Yom nêu lí lẽ: “Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Anh hùng Núp vừa là đảng viên, vừa là chỉ huy binh sĩ, vừa là “lãnh đạo tinh thần” đích thực của người Bana mình nên xây dựng cơ sở kháng chiến. Chính vì thế các già làng chúng mình tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thử nghiệm “mô hình” ông Đinh Rới vừa là Bí thư chi bộ, vừa làm già làng”.
Làng kháng chiến Stơr hôm nay với tên tuổi của Anh hùng Núp đã trở thành biểu tượng của Tây Nguyên bất khuất. Hơn ai hết, già làng Đinh H’Mưnh hiểu rõ cuộc đời cách mạng của Anh hùng Núp đã trở thành thiên anh hùng ca bất tử.
Khi chúng tôi hỏi ông có biết Giáo sư Tô Ngọc Thanh ở ngoài Hà Nội không? Già làng Đinh H’Mưnh cười khà khà: “Giáo sư Thanh ở ngoài Thủ đô mà giỏi lắm! Trên đời này chỉ có ông ấy là người duy nhất chỉnh huấn mình thôi. Chuyện là trước kia mình cúng lễ của dân tộc mình mà còn bị ông ấy bắt bẻ. Chỉ cho mình phải sửa chỗ này, chỗ kia; lúc đánh chiêng hay chỉnh chiêng, ông ấy cũng tinh tường dạy tư thế, biểu cảm đánh lại cho đúng, cho có hồn. Giáo sư Thanh chẳng khác gì người Ba Na cả. Làng người Bana của chúng mình vui lắm khi được lấy làm nguyên mẫu để tái hiện Không gian cồng chiêng Tây Nguyên trình và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại”.
Dẫn chúng tôi ra chiếc cầu nhỏ nối làng kháng chiến Stơr với làng Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, già Đinh H’Mưnh chỉ vào ngôi nhà bên đường có dựng chiếc biển “Điểm giới thiệu và bán sản phẩm làng Mơ Hra”, già kể, từ năm 2018 đến nay, làng Mơ Hra được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lựa chọn là một trong 3 địa phương trên cả nước triển khai Dự án “Di sản kết nối”. Trong đó mục tiêu chung là xây dựng làng trở thành một điểm du lịch cộng đồng được tổ chức và hoạt động bài bản. Để làm du lịch cộng đồng, lãnh đạo làng Mơ Hra đã nhờ cậy mình vận động gần 100 người dân tham gia. Ban Quản lí du lịch cộng đồng của làng Mơ Hra được thành lập, với 5 nhóm nghề được lựa chọn để truyền dạy. Trong đó mình làm Trưởng nhóm cồng chiêng.
Với các già làng người Ba Na nói riêng, già làng các dân tộc Tây Nguyên nói chung, di sản văn hóa cồng chiêng được hình thành từ lâu đời; những hoạt động đan lát và dệt thổ cẩm duy trì trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của dân làng; nhiều loại nhạc cụ truyền thống như đàn goong, ting ning, đàn t’rưng đã và đang từng ngày trở lại với mỗi nếp nhà người Ba na...
Thế nhưng, làm thế nào để đưa những tiềm năng đó trở thành sinh kế cho cả cộng đồng? Trả lời câu hỏi này, già làng Đinh H’Mưnh phấn khích: “Ngày nay mình phải chế tác thêm nhiều loại nhạc cụ vừa là để bảo tồn, vừa để cho dân làng có cái vốn liếng ấy mà tham gia vào các hoạt động của Dự án “Di sản kết nối”, đón khách du lịch gần xa thì mới nhanh khấm khá được. Đồng thời, mình tự nguyện hiến gần 4 sào đất sản xuất của gia đình để mở rộng khu vực nhà rông, trưng bày các hiện vật như: Nông cụ, súng kíp, cung tên, nhạc cụ, tượng gỗ truyền thống,… khiến khách thăm lí thú thì quê hương chẳng có lí gì mà không an vui, ấm no được”.
Vâng! Có các vị già làng Đinh Yom, Đinh Dom và Đinh H’Mưnh “cầm cân nảy mực”, cùng với đội ngũ cán bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương, sức vươn của đồng bào các dân tộc nơi đây đã và đang biến mọi vạt rừng, thung lũng, đồi núi hoang hóa thành những ngôi nhà rông rộng dài, đồng lúa trĩu bông; rẫy bắp, nương mì, vườn mía tốt tươi, xanh thẳm; các loại nhạc cụ cổ truyền đậm chất Tây Nguyên hùng vĩ và lãng mạn. Đúng là quê hương của Anh hùng Đinh Núp huyền thoại nay đã khoác lên mình tấm áo mới, với gam màu no ấm, đủ đầy.