"Trăm hoa đua nở", tránh độc quyền in sách giáo khoa…
Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, sẽ ban hành một chương trình và nhiều bộ SGK. Vì thế cải cách SGK là hướng tới có nhiều bộ sách để học sinh và giáo viên được chọn những bộ sách có nội dung phù hợp, phổ thông, tránh độc quyền in sách. Tại phiên họp thứ 27, sáng 19/9 mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội đã nêu nhiều ý kiến liên quan đến lĩnh vực giáo dục. Theo phản ánh của cử tri, đề nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, quan tâm tổ chức thanh tra ngay: Có biểu hiện lợi ích nhóm giữa biên soạn và phát hành SGK hay không? Những nghi ngại xung quanh việc độc quyền xuất bản của Nhà xuất bản giáo dục có hay không? Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội giám sát về vấn đề xuất bản SGK và cuối năm nay sẽ công bố kết quả.
Trong bài viết này chúng tôi chưa đề cập đến vấn đề nóng bỏng liên quan đến SGK và đầu tư làm sách, mà chỉ đề cập đến vấn đề tránh độc quyền in SGK.
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, ông ủng hộ nhiều SGK, cần tạo ra không khí cạnh tranh lành mạnh. Một chương trình một bộ SGK là ngược xu thế.
Song thực tế Luật Giáo dục hiện hành lại có dấu hiệu "mở", khi quy định "một chương trình, một bộ sách giáo khoa". Đó cũng là vấn đề Quốc hội đang trưng cầu ý kiến cử tri về luật này. Nhìn lại bộ SGK hiện hành được triển khai từ năm 2002, do NXB Giáo dục Việt Nam nắm độc quyền, thì chương trình cải cách thay SGK lần thứ 3 này, đã tạo ra không khí cạnh tranh “trăm hoa đua nở”, tránh độc quyền SGK.
Với cách nhìn này, thì việc đưa sách Tiếng Việt 1–CNGD, do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên, đã được Hội đồng thẩm định Quốc gia đánh giá đảm bảo các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn tiếng Việt lớp 1, trong Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, là đúng chủ trương, đúng xu thế tất yếu.
“Đừng làm chương trình, SGK bằng tư duy... tiểu nông”.Theo thống kê của Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2018 - 2019, cả nước có 49 tỉnh, thành dạy Tiếng Việt lớp 1 - CNGD. Thế nhưng cuốn sách này đang “nóng lên” với nhiều luồng ý kiến chưa đồng thuận.
GS Hồ Ngọc Đại
GS. Hồ Ngọc Đại tin rằng, bộ sách của mình “thất thế” không phải về mặt khoa học mà là do những toan tính vụ lợi, mà đã vụ lợi thì một lúc nào sẽ hết lợi, bộ sách sẽ được ghi nhận. Mặt khác khi các tỉnh, thành trong cả nước tự nguyện đăng ký và chính thức áp dụng CNGD, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không nên gọi là thí điểm nữa, mà nên cho phép triển khai nếu địa phương có nhu cầu.
Khi dư luận nóng lên với những ý kiến trái chiều, thì GS Hồ Ngọc Đại “cha đẻ” của cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 – CNGD, cũng “nóng mặt” cho rằng: "Tôi không buồn bực, tức giận và không chấp những người thiếu hiểu biết, ý kiến của mọi người, phụ huynh là tự nhiên, tất yếu". Nếu chỉ nói đến vấn đề học thuật thì cũng có nhiều góc độ để tranh luận cái được, cái chưa được (
bởi, sách Tiếng Việt lớp 1 – CNGD, chưa được công nhận là bộ SGK chuẩn-PV), nhưng xung quanh cuốn sách này, lại nóng lên ở khía canh khác, khi GS Hồ Ngọc Đại trao đổi với VTC14, về chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục Đào tạo. Theo đó, GS Hồ Ngọc Đại nói: “
Không hơn gì cái cũ đâu. Nó chỉ chia nhau tiền, để nó làm tiền, không hơn gì hết. Bản chất nó vẫn thế”. "Cái này rối rắm, việc vớ vẩn thôi. Tức là tiêu chuẩn cơ bản của nó là chia tiền, thế thôi. Cô có biết cái số tiền nó bỏ ra bao nhiêu không? Cô tưởng tượng 1 con số 7 và 13 con số 0." Cũng vì ý kiến trên của GS Đại, nên sách Tiếng Việt lớp 1 – CNGD đã “ nóng” lại càng “nóng” hơn.
GS Nguyễn Minh Thuyết, khẳng định: cách đánh vần “ô vuông, hình tròn”, của GS Hồ Ngọc Đại, không liên quan đến chương trình phổ thông mới. Còn cách dạy đánh vần theo ngữ âm học của sách Tiếng Việt lớp 1 – CNGD
gặp nhiều khó khăn trong đó có sự khác biệt quan trọng liên quan đến đánh vần những từ có chữ C, K, Q có sự khác biệt so với cách dạy đánh vẫn truyền thống, phổ thông… Đó chính là điểm mạnh và không mạnh của sách Tiếng Việt lớp 1 – CNGD, gây bàn cãi trong những ngày qua.
Ý kiến của GS Nguyễn Xuân Hãn về sách Tiếng Việt lớp 1 – CNGD của GS Hồ Ngọc Đại, không đi vào tiểu tiết mà nhìn vào định hướng chuẩn mực của chương trình làm SGK nói chung và sách Tiếng Việt lớp 1 – CNGD nói riêng.
GS Nguyễn Xuân Hãn
Theo GS Nguyễn Xuân Hãn, ông cùng với GS Hồ Ngọc Đại được đào tạo cơ bản ở Liên xô (cũ), nền giáo dục ở Liên Xô, có 2 phạm trù: Giáo dục ổn định (hệ thống trường phổ thông truyền thống) và Giáo dục nghiên cứu khoa học (hệ thống trường thực nghiệm). Vì học ở Liên Xô, nên GS Hồ Ngọc Đại khi về nước có nghiên cứu giáo dục theo mô hình trường thực nghiệm. GS Hồ Ngọc Đại không theo chuyên ngành ngôn ngữ học, nên khi nghiên cứu ra đời Tiếng Việt lớp 1 – CNGD (mặc dù có nhiều cộng sự lĩnh vực ngôn ngữ học) nhưng vẫn có ảnh hưởng của người không chuyên ngành. Tiếng Việt lớp 1 – CNGD là phạm trù nghiên cứu khoa học, khác hẳn với SGK tiếng Việt được lưu hành phổ biến. Vì thế sách này phải được đánh giá thẩm định, không riêng về học thuật mà còn phải có sự tương tác nếu đưa ra phổ thông có phù hợp hay không? Ở phạm trù nghiên cứu khoa học, cũng có thể thành công, cũng có thể thất bại, cũng có thể thành công nhưng lại không thể áp dụng triển khai trên thực tế, mặc dù đây có thể là công trình tâm huyết của tác giả. Ở đây, GS Hồ Ngọc Đại, đã có tới 40 năm thăng trầm mới có được những kết quả ban đầu như hôm nay, cũng là điều rất đáng ghi nhận. Nhưng 40 năm mới chật vật đưa được sách Tiếng Việt lớp 1 – CNGD vào 49 tỉnh, thành, với gần 800.000 học sinh theo học. Những ý kiến đa chiều về cuốn sách này chưa biết “dở” hay “hay” vì không có “sóng gió này” thì chưa hẳn phụ huynh và học sinh cả nước, đã quan tâm đến cuốn sách nhiều như vậy. Lại nhớ chuyện xưa “Tái ông mất ngựa, chưa biết rủi hay may?” Vì mới có một cuốn Tiếng Việt lớp 1 – CNGD đưa vào giảng dạy, nên chưa đủ căn cứ để đánh giá sự "thành bại" của CNGD theo phạm trù nghiên cứu tại trường thực nghiệm. Theo GS Hãn, nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cấp kinh phí giúp GS Hồ Ngọc Đại có thể đưa Tiếng Việt 2, 3, 4, 5 - CNGD đã có rồi, vào nhà trường. Còn hiện nay làm SGK theo kiểu "tiểu nông", làm được đến đâu biết đến đó, mới có sách Tiếng Việt tập 1 –CNGD đưa vào nhà trường, còn sách Tiếng Việt lớp 2, 3, 4 và lớp 5 chưa được đưa vào giảng dạy, thì sao đánh giá được bộ sách Tiếng Việt – CNGD của GS Hồ Ngọc Đại? Điều này giống như chúng ta chưa được chiêm ngưỡng dung nhan đầy đủ của hoa hậu mà mới chỉ được nhìn gót chân của nàng, biết đâu trên gương mặt nàng có đôi mắt “toét” thì sao?
Những điểm mạnh và chưa mạnh, dư luận bàn tán trái chiều xung quang việc phát âm, đánh vần sách Tiếng Việt tập 1 – CNGD, khác với SGK phổ thông, nếu cải tiến mà không được chấp nhận, không đưa được phổ thông, thì GS Hồ Ngọc Đại, cũng nên xem xét lại, bởi đó là ý kiến khách quan, mà khiêm tốn thì luôn là nhân tố của những vĩ nhân.
Trần Thị Thực