Phụ huynh đứng ngồi không yên vì Hà Nội dừng tuyển sinh hệ song bằng lớp 6
Giáo dục 23/04/2021 20:10
Hiện phụ huynh có mong muốn cho con thi vào lớp 6 hệ song bằng đang lo lắng trước thông tin Hà Nội sẽ dừng tuyển sinh hệ này từ năm học 2021-2022. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Trở tay không kịp
Trước thông tin 7 trường trung học cơ sở (THCS) công lập ở Hà Nội tạm dừng tuyển sinh hệ song bằng vào lớp 6 vì hết thời gian thí điểm, nhiều phụ huynh tỏ ra bất ngờ, lo lắng, sợ "trở tay không kịp" vì thông tin đến "quá đột ngột".
Từ cuối năm 2019, chị Phan Quỳnh Hương (quận Cầu Giấy) đã định hướng cho con trai của mình thi vào hệ song bằng Cambridge của Trường THCS Cầu Giấy. Vì chị nhận thấy đây là chương trình tiên tiến, giúp con tiếp xúc nhiều với tiếng Anh, đặc biệt con gái lớn của chị đang theo học hệ này có kết quả học tập rất tốt.
Theo chị Hương, năm học 2021-2022, kỳ thi lấy chứng chỉ đầu tiên của Đề án thí điểm đào tạo chương trình song bằng cấp THCS mới được thực hiện cho khối 9. Việc dừng tuyển sinh lớp 6 năm nay không chỉ khiến cho học sinh và phụ huynh hoang mang, thậm chí trở tay không kịp vì mọi kế hoạch đã bị "tan vỡ".
"Tôi định hướng cho con thứ 2 thi song bằng nên chỉ tập trung vào Toán và tiếng Anh. Như vậy rất khó đủ điều kiện để thi hệ chất lượng cao của các trường top đầu, giờ đúng là trở tay không kịp" - chị Hương bày tỏ.
Cùng hoàn cảnh, anh Nguyễn Đức Hoàng (quận Thanh Xuân) cho biết, vợ chồng anh đã đồng hành cùng con 1 năm ròng trong việc ôn thi vào hệ song bằng Cambridge Trường THCS Thanh Xuân. Đến nay, con đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi, thì Hà Nội đột ngột thông báo dừng tuyển sinh.
"Gia đình tôi chú trọng đến việc tập trung cho con học tiếng Anh và học thêm một số môn bằng tiếng Anh vì mục tiêu tiên quyết là đậu song bằng. Vậy mà xuất hiện thông tin dừng tuyển sinh, trong khi chỉ còn 2 tháng nữa là kỳ thi diễn ra chính thức. Thật sự chúng tôi rất hoang mang" - anh Hoàng cho biết.
Thí điểm... rầm rộ, rồi đột ngột... dừng
Đề án thí điểm chương trình song bằng THCS Việt Nam và IGCSE, CIE Anh quốc tại 7 trường THCS trên địa bàn TP.Hà Nội bắt đầu được triển khai từ năm học 2018-2019, nhận được sự quan tâm đặc biệt của cha mẹ học sinh.
Trước khi thí điểm, nhiều hội nghị được tổ chức để giới thiệu về đề án này. Lãnh đạo UBND TP.Hà Nội và Sở GDĐT Hà Nội tại thời điểm đó đã cho rằng, đề án thí điểm đào tạo song bằng là bước đi tiên phong của ngành GDĐT thủ đô trong thời kỳ đổi mới giáo dục và hội nhập quốc tế.
Với sự hỗ trợ của thành phố về cơ sở vật chất dành cho 7 trường THCS công và 2 trường THPT, nên mức học phí học song bằng ở các trường công có sự chênh lệch khá lớn so với các trường ngoài công lập.
Học phí hệ song bằng ở bậc THPT là 7,5 triệu/tháng, một khoá học 24 tháng sẽ mất chi phí 180 triệu đồng/học sinh để lấy chứng chỉ A Level. Ở cấp THCS, học phí đưa ra trong đề án là 5,6 triệu/tháng. Trong khi đó, với trường quốc tế, trường ngoài công lập, mức học phí khi học song bằng có thể vào khoảng 300-400 triệu đồng/năm.
Học phí mà các trường công lập thu của học sinh chỉ nhằm mục đích chính là chi trả lương giáo viên, phí bản quyền, tài liệu học liệu học chương trình Cambridge. Còn tất cả trang thiết bị, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, chi trả lương giáo viên dạy các môn học của Việt Nam,… đều do ngân sách của thành phố đầu tư.
Ngay từ khi thí điểm việc đào tạo song bằng, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau của phụ huynh. Có người cho rằng, việc này giúp học sinh tiếp cận chương trình quốc tế với mức học phí "phụ huynh thành phố có thể chấp nhận được".
Tuy nhiên, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, việc Hà Nội bỏ ngân sách để "thí điểm" mô hình song bằng, chất lượng cao trong các trường phổ thông công lập và thu học phí cao đang tạo ra bất bình đẳng ngay trong một trường học. Nhất là trong một trường học công lập của nhà nước lại tồn tại những lớp cho "con nhà giàu", đóng học phí cao, sĩ số thấp và được hưởng nhiều ưu đãi hơn hẳn các lớp "đại trà".
Cho đến thời điểm này, khi Hà Nội quyết định dừng thí điểm tuyển sinh hệ song bằng ở trường THCS công lập, vẫn đang có những luồng ý kiến trái ngược.
Người cho rằng "nếu dừng hẳn sẽ là sự đáng tiếc và thiệt thòi rất lớn cho học sinh". Nhưng theo không ít ý kiến thì "dừng là đúng", để đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh khi cùng học tập trong các trường công lập, tránh sự phân biệt giàu - nghèo giữa các học sinh trong cùng một mái trường công lập như hiện nay.