Ông “khoán hộ thứ 2”
Tuổi cao gương sáng 05/08/2023 10:26
Cụ Ấn sinh ra và lớn lên ở làng Nghi Lộc. Lên 6 tuổi, bố mẹ ốm đau, bệnh tật triền miên, gia cảnh nghèo khiến cụ phải vừa học, vừa làm đủ mọi nghề để phụ giúp cha mẹ. Khi đã trưởng thành, cụ được cán bộ, bà con xã viên tin tưởng bầu làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp xã Sơn Công. Càng làm việc cụ càng có thêm nhiều sáng kiến, việc làm nào cũng gây được ấn tượng mạnh.
Cụ kể, làm nông nghiệp vốn đã khó nhưng lại “kẹt” trong cơ chế lạc hậu, khiến đời sống khó khăn thêm. Đồng ruộng có mà ít người làm, xã viên ít ngó ngàng đến HTX, cán bộ thì hoài nghi, thất vọng. Vì thế, cụ quyết tâm nghĩ ra “Khoán hộ” để có thể thay đổi tình hình. Cụ bảo: “Chuyện làm “khoán hộ” trong nông nghiệp với những khâu cụ thể tưởng đơn giản, nhưng thực ra lại phức tạp, bởi lúc đó mới chỉ “làm khoán chui”, chứ không dám công bố rộng rãi”.
Dù ở tuổi 82, cụ Ấn vẫn đọc sách, nghe đài, để nắm bắt các Chủ trương, chính sách về đời sống. |
Để nghiên cứu mô hình “khoán hộ”, ngày nào cụ cũng quần xắn móng lợn, đầu đội nón lá, sâu sát cùng xã viên trong mọi việc. Lúc đầu, cụ cũng có phần e dè, sợ hãi, vì có thể đụng chạm đến đường lối của Nhà nước hay khiến người dân lung lạc. Thế nhưng, cụ nghĩ làm nông nghiệp mà cứ dậm chân tại chỗ, chân tay lúc nào cũng lấm bùn mà người nông dân vẫn đói nghèo thì thật mệt mỏi, nên càng quyết tâm thực hiện.
Khi cụ Ấn áp dụng mô hình “khoán hộ” có người gật đầu, có người gạt đi, có người im lặng không nói. Mục đích ý tưởng “khoán hộ’ của cụ Ấn là hướng đến công thức 5-3: HTX lo 5 khâu (làm đất, ủ giống, thủy lợi, diệt trừ sâu bọ và bảo vệ đồng ruộng). Hộ xã viên lo 3 khâu (gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch). Từ kiểu khoán này, không những các thành viên trong Ban Quản trị HTX nhất trí mà người dân cũng dần làm quen khi canh tác và làm ra hạt thóc nhẹ nhàng hơn.
Thực hiện cách “khoán hộ” này, công tác thủy lợi vô cùng vất vả. HTX phải bảo đảm đưa nước về đồng ruộng, xây dựng thêm các trạm bơm, nối dài hệ thống kênh mương, bảo đảm nước ra nước vào, rồi phải sắp xếp, phân công lại lực lượng lao động, đưa máy móc nông nghiệp vào sản xuất… Người dân ở Sơn Công nhận xét: Áp dụng phương pháp “Khoán hộ” với công thức 5-3, chúng tôi được hưởng nhiều lợi ích: Nâng cao năng suất cây trồng, người làm ruộng được giải phóng sức lao động, có thu nhập khá hơn, có thời gian nhàn rỗi để làm nghề phụ, chăn nuôi, trồng trọt...
Ông Nguyễn Thu Bôn, nguyên Phó Bí Đảng ủy, hiện là Chủ tịch Hội NCT xã Sơn Công, có thời kì làm kế toán HTX, là cánh tay đắc lực của cụ Ấn kể: “Vào thời điểm đó, việc ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc làm “khoán hộ” lại chưa được công bố nên ở Sơn Công, mặc dù rất gần với Vĩnh Phúc nhưng thông tin về ông Kim Ngọc không ai biết”. Còn theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người từng nghiên cứu và viết bài về cụ Ấn thì: “Lí thuyết về khoán quản là của ông Kim Ngọc. Nhưng người thực hiện thành công đầu tiên lại thuộc về những người nông dân xã tôi - xã Sơn Công, huyện Ứng Hoà, tỉnh Hà Tây. Ngày đó, các ông Phạm Văn Đồng, Tố Hữu và một số vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước đã về xã tôi để tận mắt nhìn thấy sự thay đổi lạ lùng này”. Dịp đó, cụ Ấn đã được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng khen ngợi: “Đồng chí Đặng Văn Ấn là một người táo bạo, đã nghĩ ra một mô hình đúng đắn và hợp lí”. Cụ vui mừng cùng bà con nông dân Sơn Công đẩy mạnh “khoán hộ” và còn đi giúp đỡ các xã lân cận áp dụng “khoán hộ” rộng rãi hơn nữa.
Từ việc nghiên cứu các mô hình “khoán hộ” ở các địa phương như Vĩnh Phú, Hải Phòng… và xã Sơn Công, năm 1980 Trung ương ra Chỉ thị 100 và năm 1988 ra Nghị quyết 10, gọi là khoán 10 thực hiện mô hình “khoán hộ” trong phạm vi toàn quốc. Năm 1981, cụ Ấn được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa VII, nhưng vẫn luôn “đắm mình” vào công việc nông nghiệp, hết ở xã Sơn Công rồi có mặt ở những Hội nghị nông dân quan trọng của tỉnh, Trung ương. Sau mỗi chuyến đi, cụ lại gom góp thêm nhiều ý tưởng để cải tiến mô hình có hiệu quả hơn…
Năm nay, cụ Đặng Văn Ấn đã ở tuổi 82 và có 50 năm tuổi Đảng. Sau mấy chục năm cống hiến, lâu rồi cụ không tham gia vào công việc địa phương nữa, nhưng vẫn luôn trăn trở với đời sống của người nông dân và đề xuất nhiều ý kiến hữu ích cho cán bộ địa phương. Mặc dù cụ từng là Đại biểu Quốc hội, được khen thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Trung ương và các cấp, nhưng cụ vẫn rất khiêm nhường, đôn hậu và ít nói. Nói về những thành tích, cụ bảo đó là công sức của cả tập thể, chứ cụ chỉ là người hiện thức hóa ý tưởng mà thôi.