Nữ Đảng viên cao tuổi nêu gương sáng làm việc thiện
Tuổi cao gương sáng 19/10/2023 15:52
Đảng viên Nguyễn Thị Gương nghiên cứu tài liệu, viết các bài dự thi viết về Bác Hồ với Nam Định-Nam Định với Bác Hồ |
Vào Đảng khi mới 20 tuổi
Sinh ra trong một gia đình Công giáo, có 6 anh chị em, mẹ làm ruộng, bố tham gia hoạt động du kích, ngay từ nhỏ bà Nguyễn Thị Gương đã thấu hiểu nỗi vất vả, khó khăn của bố mẹ. Là con thứ 3 dù nhà nghèo “bát cơm, manh áo khó tìm” nhưng ngay bà được bố mẹ cho đi học để “kiếm” con chữ đến năm 1964, bà Gương học xong lớp 7/10. Với tinh thần sôi nổi, năng động nhiệt huyết đầy trách nhiệm của tuổi trẻ, bà đã không ngần ngại đảm nhiệm phân đoàn trưởng Thanh niên, Thư ký đội sản xuất, Tiểu đội trưởng dân quân, Đội trưởng sản xuất…Dù ở cương vị nào, bà cũng luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, được mọi người yêu quý.
Không những thế, bà Gương còn luôn đi đầu tham gia các phong trào thi đua ở địa phương như: Phong trào thanh niên “ba sẵn sàng”, “rừng điền thanh”, “biển bèo dâu”, “núi phân bùn”...Vừa tham gia các công việc lao động sản xuất, bà vừa chỉ huy tổ trực chiến bắn máy bay với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai, hậu phương thi đua với tiền tuyến”. Ghi nhận những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng ở địa phương, bà Gương đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam khi bước sang tuổi 20 và là nữ công giáo đầu tiên của xóm được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Bà Nguyễn Thị Gương trò chuyện với cán bộ Hội CCB huyện Hải Hậu và thị trấn Yên Định. |
Năm 1967, bà Gương xây dựng gia đình và cũng năm đó, chồng bà lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Dù 2 vợ chồng xa cách, ở 2 miền khác nhau nhưng hàng ngày bà vẫn luôn ngóng tin chồng ở nơi xa. Bà tâm sự: “Xây dựng gia đình được 3 ngày thì chồng tôi có lệnh nhập ngũ. Trước khi đi, tôi đã động viên chồng cố gắng rèn luyện, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đơn vị giao phó. Thời gian cứ thế trôi đi, chiến tranh ác liệt tôi và chồng mất liên lạc với nhau khoảng 10 năm, bao lần tôi viết thư nhưng không thấy chồng hồi âm, cứ ngỡ ông ý đã hy sinh”.
Ở quê nhà, bà Gương cũng ra sức rèn luyện, học tập, trau dồi kiến thức và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được các cấp uỷ chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội ghi nhận. Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có đảng viên”, tháng 5/1967, nữ đảng viên trẻ Nguyễn Thị Gương được Huyện ủy giao nhiệm vụ công tác tại Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hải Hậu. Tuy công việc còn mới mẻ, bỡ ngỡ nhưng nữ đảng viên trẻ vẫn luôn xung phong xuống những địa bàn khó khăn nhất của huyện là vùng có nhiều đồng bào theo Đạo Thiên Chúa để vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, phụ nữ thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.
Trải qua thời gian dài công tác ở Hội, năm 1988, bà Nguyễn Thị Gương được Đại hội Đại biểu Hội Phụ nữ Huyện Hải Hậu bầu làm Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện. Đến năm 2001, bà nghỉ hưu theo chế độ nhưng bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào đoàn thể ở cơ sở.
Vốn là người trọng công việc, bà Gương được cơ sở tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận của Tổ dân phố; Chi hội trưởng Chữ Thập đỏ, Hội nạn nhân chất độc da cam thị trấn Yên Định; Trưởng ban tuyên truyền - biên tập viên phát thanh của Tổ dân phố…Trong phong trào xây dựng Nông thôn mới, bà luôn trăn trở tìm hiểu, nắm chắc tiêu chí Nông thôn mới của xóm, Tổ dân phố, lộ trình của xã, thị trấn và huyện. Từng tiêu chí được giao cho ngành, đoàn thể, các Hội viên phải đảm nhiệm những nội dung gì, ở đâu. Bà chia sẻ: Ở cơ sở mỗi đảng viên, hội viên luôn là những người đi đầu trong gia đình, khu dân cư, tổ dân phố và tổ chức Hội, từ đó đã tạo sự lan tỏa để mọi người cùng hiểu, cùng làm, cùng hưởng lợi và luôn được sự đồng thuận cao của quần chúng nhân dân trong phong trào xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” để phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thị Gương đạt giải cuộc thi viết với chủ đề “Bác Hồ với Nam Định - Nam Định với Bác Hồ” |
Dành toàn bộ tiền thưởng làm công tác từ thiện
Với tinh thần luôn trau dồi kiến thức cộng với sự đam mê bà Nguyễn Thị Gương đã tích cực tham gia các cuộc thi viết tìm hiểu về lịch sử, truyền thống của đất nước, quê hương, các ngành, lĩnh vực…Cuộc thi gần đây mà bà tham gia đó là cuộc thi viết về “60 năm thảm họa da cam” do Hội Cựu Chiến binh tỉnh Nam Định tổ chức năm 2021 và cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Đại hội Cựu Chiến binh Việt Nam” do Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tổ chức năm 2022. Các bài thi, bà đều viết tay nhưng với ngôn từ sắc sảo, lập luận chặt chẽ, thông tin bổ ích, bà Gương đã đạt Giải đặc biệt cuộc thi “60 năm thảm họa da cam”; đạt giải nhất cuộc thi “Tìm hiểu truyền thống Hội Cựu Chiến binh Việt Nam và Đại hội Cựu Chiến binh Việt Nam”. Kết thúc các cuộc thi, bà Gương nhận thưởng 4 triệu đồng bà đã dành toàn bộ số tiền thưởng này và bỏ thêm 500.000 đồng để tặng quà cho 7 nạn nhân da cam và 9 trường hợp là mẹ, con Cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện; mỗi suất quà trị giá trên 200.000 đồng.
Bà Nguyễn Thị Gương tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam địa phương |
Đặc biệt, đầu năm 2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định tổ chức cuộc thi viết với chủ đề “Bác Hồ với Nam Định - Nam Định với Bác Hồ”, bà Nguyễn Thị Gương đã mạnh dạn đăng ký tham gia viết và gửi dự thi. “Năm tôi 17 tuổi, Bác Hồ có về thăm Nam Định hình ảnh Bác luôn in đậm trong tôi. Do đó, khi Ban tổ chức thông báo về thể lệ cuộc thi, tôi đã cố gắng sưu tầm, tham khảo nhiều tư liệu có liên quan đến Bác để viết bài”, bà Gương bộc bạch. Theo bà Gương, bài viết về Bác Hồ đã để lại cho bà nhiều cảm xúc đặc biệt nhất vì để hoàn thành bài viết 545 trang (cả trang viết và tư liệu), bà đã dành nhiều tháng trời để nghiên cứu sưu tầm. Nhất là để giảm chi phí in ấn, bà Gương đã không ngần ngại viết tay bài thi. Bà xúc động cho biết: “Mỗi lần tìm hiểu về vị lãnh tụ của dân tộc, tôi lại cảm phục sự hy sinh cả cuộc đời của Bác dành cho dân tộc. Tôi chỉ mong học được ở Bác từ những việc nhỏ nhất như tiết kiệm, sống giản dị và sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, không may mắn trong cuộc sống...”.
Tham gia cuộc thi viết “Bác Hồ với Nam Định - Nam Định với Bác Hồ”, bà đạt giải khuyến khích. Và cũng như những lần trước, bà lại dành toàn bộ số tiền thưởng là 2 triệu đồng để ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết trung thu bà đều dành tặng những phần quà động viên các cháu thiếu niên nhi đồng chăm ngoan, học giỏi. Với bà không ít người nói là bà “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nhưng bà đều bỏ ngoài tai - Bởi bà luôn mong muốn học tập và làm theo Bác cho dù sức khỏe có giảm sút nhưng không vì thế mà bà nản chí, bà vẫn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, sẵn sàng giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn khi họ cần. Với bà, mỗi lần được trao tận tay món quà nhỏ tới những hoàn cảnh khó khăn là niềm vui, hạnh phúc của tuổi già.