Cây sử làng Vân La
Tuổi cao gương sáng 16/08/2022 17:30
Trong một lần tìm hiểu về địa danh Chợ Mới Ông Già thuộc làng Vân La, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội, tôi tìm gặp trưởng thôn Nguyễn Xuân Tuấn để lấy thông tin.
Ông Tuấn liền bảo tôi tìm gặp ông Đễ, với lời giới thiệu “anh phải gặp cây sử của làng” thì mới hỏi được nhiều. Ông Tuấn còn cho biết thêm, “cây sử làng” có hơn chục năm làm Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Vân La, nên chuyện gì trong làng ông cũng biết, cũng nhớ và nhiệt tình chia sẻ với ai yêu thích sử làng.
Ông Đễ (ngoài cùng bên phải) nói chuyện về sử làng Vân La với những người cao tuổi và trưởng thôn Nguyễn Xuân Tuấn |
Năm nay đã bước sang tuổi 78, nhưng cả thể chất lẫn tinh thần của ông Đễ vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Hiện ông vẫn làm nghề sửa chữa đồ điện tử để mưu sinh.
Sinh ra ở ngôi làng cổ Vân La, ngay từ nhỏ, ông Đễ đã được nghe biết bao nhiêu câu chuyện về sự tích lập làng, chuyện phong tục tập quán, chuyện danh nhân và không thể thiếu truyền thuyết về cha con Chử Cù Vân – Chử Đồng Tử trên mảnh đất quê hương. Trong đó, sự tích Chử Cù Vân ngồi bán cá ở gốc đa gò làng đã làm nên Chợ Mới Ông Già.
Ông Đễ từng là bộ đội thông tin 24 năm (năm 1964 – 1988), tham gia các chiến dịch lớn như Mậu Thân 1968, Đường 9 Nam Lào 1971, Mùa hè đỏ lửa 1972...trước khi về địa phương công tác.
Thấy chúng tôi đến hỏi về sử làng, ông Đễ liền tắt tivi, dừng công việc và mời chúng tôi uống trà cùng vào việc. Mới kịp nói chủ đề, chưa hỏi cụ thể, ông Đễ đã nói một mạch về sự tích Chợ Mới Ông Già trên mảnh đất Vân La, làm chúng tôi không khỏi bất ngờ.
Lần đầu tiên, chúng tôi biết rằng, Chợ Mới Ông Già là chợ trao đổi hàng hóa đầu tiên ở nước ta, và ông Chử Cù Vân được nhiều người thầm tôn như là ông tổ nghề buôn bán (thương mại). “Nơi Chử Cù Vân bán cá là ở gốc đa làng nằm ngoài đê, lâu dần thành chợ. Đến nay, cây đa không còn, chợ xa xưa huyền tích đã được chuyển vào trong đê do thường xuyên bị lũ lụt. Hồi tôi còn bé, Chợ Mới Ông Già là một trong 3 chợ lớn nhất vùng phía Nam Hà Nội, dân gian ta có câu Mùng 1 chợ Bằng, mùng 2 chợ Vồi, mùng 3 Chợ Mới Ông Già để nói về sự sầm uất các ngôi chợ”, ông Đễ kể.
Chợ Mới Ông Già hiện vẫn là một ngôi chợ đông đúc |
Để mục sở thị, ông Đễ còn không ngần ngại dẫn chúng tôi ra thăm địa danh cổ này. Chỉ tiếc giờ gò đất xưa chỉ là một bãi táo mà không có lời chỉ dẫn di tích hay bảng biển.
Ước mong của ông Đễ cũng như nhiều người dân Vân La là sẽ có một đền thờ nhỏ để thờ Chử Cù Vân như ông tổ nghề buôn bán ở nước ta và tấm biển ghi lại sự tích hình thành Chợ Mới Ông Già để mọi người dân Việt Nam đều biết được địa danh nổi tiếng này.
Giải thích thêm về tên gọi Chợ Mới Ông Già, ông Đễ không chắc lắm, chỉ bảo là, “ngày đó chưa có chợ, nên có thì cho là mới, người bán hàng đầu tiên là một ông già nên người ta gọi luôn là Chợ Mới Ông Già, đến nay tên gọi đã trở thành thương hiệu nghìn năm”.
Không chỉ dừng lại ở việc nghe kể và tổng hợp thông tin, ông Đễ còn tự học tiếng Hán cổ để có thể dịch được một số văn bia, gia phả trong làng. Trong đó, có văn bia dựng trong Lăng đá Quận Vân (thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo). Lăng là nơi an nghỉ của Quận công Đại giang Đỗ Bá Phẩm, người làng Vân La. làm quan thời Lê Trung hưng.
Hay văn bia tiến sĩ Nguyễn Ý, tiến sĩ đầu tiên của triều Nguyễn, quê làng Vân La, cụ đỗ tiến sĩ năm 1823. Ngoài ra, ông Đễ còn lặn lội cùng một số cụ cao niên trong làng vào thăm kinh thành Huế và sưu tập tư liệu về tiến sĩ Nguyễn Ý và tìm mộ cụ năm 2019.
Dẫn chúng tôi đi quanh làng, ông Đễ không khỏi tự hào giới thiệu về tên các con đường như Quận Vân, Nguyễn Ý....và các di tích như: đình làng thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung công chúa, Hồng Vân công chúa, nhà thờ các dòng họ, mộ cha Quận Vân cụ Đỗ Chí Sỹ.... Ông Đễ có một tình yêu với sử làng đến lạ, hỏi đến đâu ông cũng biết ít nhiều, nhắc đến danh nhân nào ông đều nói thông vanh vách như chính dòng họ nhà mình....
Dừng chân ở nhà thờ họ Nguyễn, ông Đễ cho biết, nhà thờ này thờ đời 1 là cụ Nguyễn Cuông rồi đến cụ Nguyễn Ý, đến nay đã được 6 đời. Ngoài ra, cửa nhà thờ còn đôi câu đối rất hay: “Văn chương đệ nhất giáp, Khoa cử vĩ đồng châu” - nghĩa là ca ngợi tài văn chương của cụ Nguyễn Ý đứng đầu trong bạn đồng môn, mênh mông khắp vùng châu thổ. Nhà thờ trước được dựng bằng gỗ, do thời gian hư hại, đến nay đã được xây dựng lại năm 2015. Ông Đễ còn đọc thông vanh vách nội dung tấm bia đá dựng trong nhà thờ được viết bằng chữ Hán.
Tuy không phải con cháu của các dòng họ có danh nhân lịch sử nổi tiếng nhưng ông Đễ luôn có tình yêu và trách nhiệm hết mình trong sưu tập sử làng. Ông Đễ cũng đã tham gia biên soạn cuốn sách Truyền thuyết Chử Đồng Tử - Tiên Dung trên mảnh đất Hồng Vân bằng tất cả tình yêu quê hương do Đảng ủy – HĐND – UBND – Ủy ban MTTQ xã Hồng Vân chỉ đạo và thực hiện năm 2021. Ông Đễ còn thường có những buổi trò chuyện cùng học sinh, sinh viên trong làng về lịch sử nhân các ngày trao thưởng của quỹ khuyến học thôn, hay tại một số buổi học ngoại khóa của học sinh....
Ông Đễ đọc tấm bia đá bằng chữ Hán trong nhà thờ tiến sĩ Nguyễn Ý |
Sống và làm việc trong căn gác hai tầng chưa đến 5 mét vuông, cho dù ngay bên đường đối diện là nhà tầng rộng rãi của anh con trai, nhưng ông Đễ bảo “mình còn khỏe, tự lo được nên không phiền con cháu, ở một mình cũng rất thú vị, có nhiều thời gian làm việc và sưu tập lịch sử hơn”.
Tuy vậy, ông Đễ cũng không khỏi trăn trở, bởi xã hội phát triển khiến một bộ phận lớp trẻ sống hơi vội vã, không nắm được về cuộc đời, sự nghiệp của chính danh nhân từng sinh ra và lớn lên ở làng mình, không biết tại sao đường làng lại được đặt tên cụ này, cụ kia.
Bằng xác nhận kỷ lục Chợ Mới Ông Già lâu đời nhất ở Việt Nam |
“Tìm hiểu về sử làng của tôi phần nhiều là nghe kể lại, tự mày mò, chắc chắn có đoạn còn chưa chính xác, tôi chỉ hy vọng, sau này có một con em nào của làng Vân La học chuyên sâu về lịch sử hoặc Hán Nôm, sẽ có nghiên cứu tổng quát về sử làng và biên tập thành sách, tài liệu để phổ biến cho chính người làng, từ đó người làng tự hào về truyền thống cha ông, tự hào về dòng giống lạc Hồng”, ông Đễ cho biết.
Tạm biệt ông Đễ khi chiều đã nghiêng bóng dài, ông Đễ hứa với chúng tôi sẽ sưu tập một số bài thơ mà bạn đồng môn tặng tiến sĩ Nguyễn Ý lúc qua đời, bản dịch chi tiết hơn tấm bia đá trong Lăng đá Quận Vân...cho dù công việc mưu sinh bằng nghề sửa đồ điện còn nhiều vất vả, cực nhọc....