Nợ xấu tăng vọt, rủi ro cho cổ phiếu TPBank?
Đầu tư - Tài chính 10/06/2020 12:56
Nợ xấu ngược dòng
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - Mã chứng khoán: TPB) dự kiến nợ xấu tăng đột biến tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 ngày 27/5. Kế hoạch năm 2020, tỷ lệ nợ xấu kiểm soát mục tiêu dưới 2,5% và lợi nhuận trước thuế 4.068 tỷ đồng, tương đương mức tăng khiêm tốn 5%.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2020, tổng nợ xấu của TPBank tính tới thời điểm 31.3.2020, tăng xấp xỉ 53% so với cuối năm 2019, từ hơn 1235 tỷ đồng lên khoảng 1.883 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của TPBank tăng lên 1,87% (so với mức 1,29% vào cuối năm 2019).
Nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng 61,3%, nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng 63,7% và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng 35,5%.
Lãnh đạo TPBank cho biết, trong thời gian tới, TPBank triển khai các biện pháp thu hồi nợ, nhưng việc này cũng gặp khó khăn do nhiều khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Nợ xấu tăng kéo theo việc chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng này tăng 100%. Lợi nhuận sau thuế là 809 tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kì năm trước).
Thu nhập lãi thuần của TPBank tính tới thời điểm 31.3.2020 tăng 35% lên mức xấp xỉ 1.728 tỷ đồng thì lãi từ hoạt động dịch vụ giảm đến 27,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn 157 tỉ đồng.
Một hoạt động giao dịch tại TPBank. Ảnh minh họa |
Lợi nhuận 2020 chờ vào mảng không bền vững
TPBank đang đẩy mạnh mua trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất cho vay có chiều hướng giảm do các chính sách điều hành tiền tệ từ dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn đến biên lợi nhuận từ hoạt động cho vay thông thường.
Do đó, việc đẩy mạnh đầu tư TPDN sẽ được kỳ vọng sẽ cho phép TPBank bù đắp phần nào sự hao hụt từ hoạt động cho vay, bởi loại hình đầu tư TPDN có lợi suất khá cao.
Đước biết, vào ngày 9/4/2020, TPBank đã phát hành lô trái phiếu đợt 3 có tổng giá trị 236 tỷ đồng, kỳ hạn 7 năm thông qua phương thức bán trực tiếp cho nhà đầu tư.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và mức lãi suất áp dụng cho kỳ đầu tiên là 9,5%/năm, các kỳ tiếp theo sẽ bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,6%/năm. Trong đó, tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu này chính là TPBank. Danh sách trái chủ không được công bố, chỉ được đề cập là “nhà đầu tư trong nước”.
Cùng ngày, TPBank đã hủy phát hành lô trái phiếu khác có kỳ hạn 10 năm, đáng chú ý, lô trái phiếu này cũng có mức lãi suất rất cao là 9,6%/năm cho kỳ đầu tiên. Mức lãi suất này cao hơn rất nhiều so với các ngân hàng phát hành cùng khoảng thời gian.
Báo cáo của lãnh đạo TPBank tại đại hội cho biết, năm 2019, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 3.868 tỷ đồng, tăng 71,3% so với năm trước và vượt gần 22% so với kế hoạch. Được biết, lợi nhuận 2019 đến nhiều từ các thương vụ phát hành TPDN. Chỉ tính riêng quý cuối năm 2019, TPBank phát hành hàng chục lô TPDN với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu giảm giá, pha loãng
Đại hội cổ đông 2020, lãnh đạo TPBank cho biết, trong năm 2020 ngân hàng sẽ quyết tâm tăng vốn điều lệ theo kế hoạch từ 8.566 tỷ đồng lên 10.199 tỷ đồng bằng phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Việc tăng vốn sẽ thực hiện trong quý 3 hoặc quý 4 năm nay.
Phát hành cổ phiếu trả cổ tức sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và giá cổ phiếu TPBank trong thời gian tới, nhất là khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận kém, nợ tiềm ẩn rủi ro lớn hơn triển vọng công nghệ. Cổ phiếu TPB đang giao dịch quanh mức giá 21.0000 đồng/cổ phiếu. So với 1 năm trước hoặc 3 năm trước, giá cổ phiếu TPB đi theo mũi tên cơ bản lao xuống từ 28.000 đồng, giảm còn 25.000 đồng và 21.000 đồng/cổ phiếu.
Đánh giá về kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong mùa đại hội cổ đông năm 2020, chuyên gia phân tích của BVS cho rằng “TPBank là ngân hàng có quy mô tài sản nhỏ, thế mạnh là cho vay mua nhà và mua xe, chúng tôi nhận thấy áp lực đối với tăng trưởng tín dụng, và chất lượng tài sản của TPBank trong thời gian tới”.
Bài tiếp: Vì sao TPBank mặn nồng với trái phiếu doanh nghiệp?