Những người bán hàng rong bên bờ biển
Nhịp sống 21/07/2020 14:50
Những NCT bán hàng rong
Điều thấy rõ, nhiều bãi tắm vắng khách. Gặp những người phụ nữ bán hàng rong ở bãi biển Hà My (phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn), họ vẫn nở nụ cười, dù cuộc sống đang rất khó khăn. Bà Nguyễn Thị Xý 70 tuổi, cho biết: “Tôi vẫn phải nghỉ, chưa đi bán hàng. Tôi ra xem khách nhiều hay ít”? Vừa hái rau chân vịt cho vào túi nilông, bà Xý đánh giá: “Mọi năm như ri, khách nằm kín ghế. Người tắm khắp bờ. Bãi đậu ô tô, xe máy xếp hàng. Ăn nhậu cười đùa tới khuya”.
Nói về nghề bán hàng rong, đội nắng, đội mưa, cát lút bàn chân, đi lại nhiều vòng. Bà Xý cho hay: “Mệt! Nhưng có tiền cũng khỏe, cũng ham”. Khó khăn trước mặt, quá khứ lại hiện về. Bà Xý chia sẻ: “Năm 1968, giặc càn, tôi làm giúp việc nhà bên Đà Nẵng. Sau giải phóng, tôi về đây, rồi vào TP Hồ Chí Minh làm công cho họ. Tôi cứ đi làm thuê, làm mướn suốt. Không học hành, không có trình độ chi nên khó thay đổi. Trước, về quê cấy thuê, gặt mướn. Khách du lịch đến đây tắm biển thì đi bán hàng”.
Bà Tâm và những túi đồ bán. |
Mỗi khi có sự thay đổi, những người yếu thế như bà Xý luôn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, họ luôn cố gắng tìm lối thoát, kiếm việc phù hợp để tồn tại. Mấy năm nay, nhờ du lịch, bà Xý ra bán hàng ven biển. Tuy nhiên vì dịch bệnh, cho đến hôm nay bà vẫn chưa khởi động lại cái nghề “tay xách, nách mang” túi bánh tráng, làn nhựa đựng đậu phộng, trứng cút, trái cây gọt sẵn. Hỏi, sẽ sống bằng gì? Bà Xý cho biết: “Mỗi tháng tôi nhận được 400 nghìn đồng trợ cấp NCT. Rau vườn, cá vặt qua ngày cũng xong”.
Không có khách tới, không tiếng xe, bờ biển Hà My đìu hiu, vắng vẻ. Mấy nhà hàng ven biển không trưng trổ tủ kính cá bơi, chậu nhựa dàn hàng ngang “xục xôi” cua, ốc, tôm, hàu... Cũng không ai đứng lề hàng vẫy khách.
Không muốn nghỉ ngơi
Cuối tuần, bà Võ Thị Tâm, 62 tuổi mạnh dạn mang hàng ra biển Hà My. Bà bán đậu phộng, bánh tráng. Không trái cây, trứng cút. Bà Tâm bảo: “Ở đây, có 5 - 6 người bán hàng rong thì có tới 4 NCT. Đầu mùa tới giờ chưa ai đi bán. Hổm rày, ngồi nhà chán lắm. Hôm ni ra biển cho mát. Bán được thì tốt, không bán được mang về. Nó không hư hỏng”.
Buổi chiều hôm đó, bà Tâm bán được ba tệp bánh tráng, một gói đậu phộng rang, cả thảy vốn và lời được 40 nghìn đồng. Bà mỉm cười, nói: “Hết khách rồi đó. Năm trước, bữa hên bù bữa xui, có hôm bán được vài bốn trăm ngàn. Lời hơn trăm ngàn đồng. Có tiền, cuộc sống dễ chịu hơn”.
Bà Tâm, 62 tuổi, thuộc diện người già, neo đơn. Bà phàn nàn: “Tôi chưa được nhận khoản tiền trợ cấp như bà Xý. Cũng không có tên trong danh sách hỗ trợ dịch Covid 19 này”. Bà Tâm bước thêm mấy bước, lên trảng cát cao, ngồi ngắm biển: “Mặc dù không có khách du lịch. Cuộc sống khó khăn. Nhưng tôi cảm thấy tinh thần nhẹ nhõm”.
Trong chuỗi giá trị du lịch, người bán hàng rong không được tính đến. Nhưng mỗi khi họ lọt vào ống kính khách du lịch, nhà báo, nhiếp ảnh, họ như một phần của biển. Tạo cảm giác sinh động, gần gũi, thân thương trong trưa nắng, hoàng hôn hay đêm xuống về những người phụ nữ cao tuổi tảo tần.
Bà Đặng Thị Năm, 69 tuổi, bán hàng rong ở biển Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ), cho biết: “Dì không nghỉ bán hàng. Dì bán cho đến lúc... không đi được nữa. Đi vầy, quen chân rồi, nó cho dì khỏe. Ở nhà, ít cử động, cứng tay, cứng chân”. Bà Năm thường trực câu nói giới thiệu bánh tráng khác biệt của mình: “Bánh tráng của dì mới quạt xong, ăn rất giòn, thơm. Bánh tráng để lâu bị ỉu, bị cứng không ngon”.
Chị Đỗ Thị Lệ, tráng bánh tráng ở Tam Thanh, cho biết: “Trước đây, mỗi ngày tôi tráng 15 cân gạo. Nay, ba ngày mới tráng một hôm. Bán khó lắm nên hết hàng mới làm tiếp”. Sản xuất nào cũng cần một sự liên tục, hiệu quả. Không mấy ai mong muốn ngắt quãng. Chị Lệ giải thích: “Nếu ngày mô cũng tráng, tận dụng nước gạo, nước rửa cối nuôi heo. Hạt rơi, hạt rụng cho con gà. Tích lũy từ nghề là sản phẩm phụ. Nhưng nay, tiền than quạt bánh cũng đội lên. Người mua năm cái. Người mua vài chục cái. Nhóm than quạt, rồi để than tàn. Không có khách mua vài trăm bánh như trước đây”.
Một mùa vắng khách. Biển đìu hiu… những người bán hàng rong bên biển cũng buồn thiu!