Những khó khăn khi các công ty muốn rút lui khỏi Nga
Quốc tế 31/05/2023 10:02
Nhưng hơn một năm sau, mọi thứ trở nên rõ ràng: Việc rời khỏi nước Nga không đơn giản. Nga ngày càng đặt ra nhiều rào cản đối với các công ty muốn rút lui, yêu cầu phải có sự chấp thuận của một ủy ban chính phủ và trong một số trường hợp là từ Tổng thống Vladimir Putin, đồng thời áp đặt các khoản chiết khấu lớn và thuế rất cao đối với giá bán.
Mặc dù chuyện của mỗi công ty khác nhau, nhưng chủ đề chung là họ phải vượt qua trở ngại giữa một bên là các lệnh trừng phạt của phương Tây và bên kia là những nỗ lực của Nga nhằm ngăn cản những người rời đi. Nhiều công ty chỉ lặng lẽ giữ nguyên vị trí, có khi họ viện dẫn trách nhiệm với các cổ đông, nhân viên hoặc nghĩa vụ pháp lí đối với các bên nhận quyền hoặc đối tác địa phương. Những công ty khác lập luận rằng, họ đang cung cấp những thứ thiết yếu như thực phẩm, nông sản hoặc thuốc men. Một số không giải thích gì cả.
Một cửa hàng Maag mới khai trương, vốn được chuyển đổi thương hiệu từ Zara, ở Moskva. |
Cuộc rút chạy ban đầu khỏi Nga được dẫn đầu bởi các nhà sản xuất ô tô lớn, các công ty dầu mỏ, công nghệ và dịch vụ chuyên nghiệp. BP, Shell, ExxonMobil và Equinor đã kết thúc liên doanh hoặc xóa sổ cổ phần trị giá hàng tỉ đô la. McDonald's bán 850 nhà hàng của mình cho một công ty nhượng quyền địa phương, trong khi Renault của Pháp nhận chỉ một đồng rúp tượng trưng cho phần lớn cổ phần của mình trong Avtovaz, nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Nga.
Sau làn sóng ra đi ban đầu, các danh mục mới đã xuất hiện: Các công ty đang chờ đợi thời cơ của họ, những công ty gặp khó khăn trong việc thanh lí tài sản và những công ty khác đang cố gắng kinh doanh như bình thường. Theo một cơ sở dữ liệu của Đại học Yale, hơn 1.000 công ty quốc tế công khai cho biết đang tự nguyện cắt giảm hoạt động kinh doanh ở Nga ngoài những gì mà lệnh trừng phạt yêu cầu.
Nhưng Điện Kremlin tiếp tục bổ sung các yêu cầu, gần đây là thuế khởi hành (rút khỏi Nga) “tự nguyện” 10% trực tiếp cho chính phủ, cộng với việc các công ty sẽ phải bán với giá chiết khấu tới 50%.
Tổng thống Putin gần đây tuyên bố rằng, chính phủ sẽ tiếp quản tài sản của công ty năng lượng Phần Lan Fortum và công ty tiện ích Uniper của Đức, ngăn chặn hoạt động mua bán với mục đích bù đắp cho bất kì động thái nào của phương Tây nhằm tịch thu thêm tài sản của Nga ở nước ngoài.
Michael Harms, giám đốc điều hành Hiệp hội doanh nghiệp Đông Đức cho biết, các công ty đang bị mắc kẹt trong “'Tam giác quỷ Bermuda” giữa lệnh trừng phạt của EU, lệnh trừng phạt của Mỹ và lệnh trừng phạt của Nga”.
Thuế xuất cảnh 10% do Nga quy định cũng rất phức tạp. Maria Shagina, một chuyên gia về trừng phạt tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Berlin cho biết, các công ty Mỹ sẽ phải được Bộ Tài chính Mỹ cho phép thanh toán thuế này, nếu không sẽ vi phạm lệnh trừng phạt.
Trong một lời giải thích thẳng thắn hiếm hoi, Steffen Greubel, Giám đốc điều hành công ty thanh toán và vận chuyển Metro AG của Đức, cho biết tại cuộc họp cổ đông năm nay rằng công ty phản đối xung đột. Tuy nhiên, quyết định ở lại của họ được thúc đẩy bởi trách nhiệm đối với 10.000 nhân viên địa phương và “cũng vì lợi ích của việc bảo tồn giá trị của công ty này cho các cổ đông".
Tương tự, Bayer AG của Đức, công ty cung cấp thuốc, hóa chất nông nghiệp và hạt giống, lập luận rằng, việc họ thực hiện một số hoạt động kinh doanh ở Nga là bước đi đúng đắn. Công ty giải thích họ "giữ lại các sản phẩm nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe thiết yếu đối với dân thường - như phương pháp điều trị ung thư hoặc tim mạch, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ em cũng như hạt giống để trồng lương thực"...