Những hi vọng trong đổi mới giáo dục
Giáo dục 25/10/2018 09:28
Thực trạng giáo dục chuộng bằng cấp, học sinh học bằng mọi giá để có được tấm bằng đại học… đã không còn phù hợp hay nói đúng hơn nó làm cho nền giáo dục thụt lùi trong giai đoạn hướng đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã rất thẳng thắn chia sẻ: Thế hệ trước đây học không nặng nề mà rất nhiều kiến thức còn nhớ mãi, lại còn được hưởng 3 tháng hè trọn vẹn; trong khi hiện giờ các cháu gần như không có nghỉ hè, học thêm quá nhiều, mất cả tuổi thơ, thiếu kinh nghiệm, kĩ năng sống...
Nhìn vào kết quả học tập của học sinh thấy kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trên 98%, tốt nghiệp trung học cơ sở, tiểu học đạt gần như 100%, tỉ lệ lên lớp thẳng của các cấp học, bậc học đều trên 95%,… Báo cáo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo thường kết quả năm sau cao hơn năm trước, từ kì thi tốt nghiệp THPT “hai, ba trong một” đến các kì thi học sinh giỏi quốc tế… Một câu hỏi được đặt ra là đã rất tốt sao còn phải đổi mới?
Một tiết học nhóm của học sinh tiểu học
Nhiều người coi đại học là con đường bắt buộc, không đỗ đại học thì cuộc đời coi như mất tất cả. Qua đó, học sinh bị áp lực từ học tập, thi cử không có thời gian để quan tâm đến sức khỏe, đạo đức, các kĩ năng vào đời, trong khi kiến thức thật thì thiếu và yếu.
Áp lực về thi cử, phải đỗ đại học bằng mọi giá kể cả dùng quyền, dùng tiền,…đã dẫn đến tình trạng vi phạm quy chế thi cử như các vụ vi phạm nghiêm trọng tại tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình trong năm học vừa qua tạo nên hệ lụy không nhỏ, làm xã hội mất niềm tin vào ngành Giáo dục và Đào tạo.
Việc dạy và học chỉ để đi thi, để có được bằng cấp,… đã ăn sâu vào suy nghĩ của rất nhiều người từ học sinh, phụ huynh, giáo viên và các cán bộ quản lí giáo dục. Kết quả, hiện có hàng vạn cử nhân thất nghiệp, hàng nghìn cử nhân ra trường không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, nhiều cử nhân phải đi làm công nhân, lao động giản đơn, thậm chí thất nghiệp,… Nguyên nhân cũng là do chạy theo bằng cấp, học không gắn liền với thực tiễn, thiếu những kĩ năng cần thiết không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, không theo kịp thời đại. Thời báo Tài chính (Financial Times) của Anh nhận xét: Mục tiêu của hầu hết học sinh Việt Nam chỉ học để đạt kết quả cao khi thi chứ không giúp gì cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ bị tụt hậu nếu vẫn duy trì việc học chỉ để đi thi như hiện nay.
Đã hơn một lần chúng ta thực hiện cải cách giáo dục, cải tiến một số nội dung trong sách giáo khoa… nhưng giáo dục vẫn trì trệ, chậm đổi mới và mắc căn bệnh thành tích trầm kha… Hi vọng lần đổi mới sắp tới đây mọi việc sẽ khác.
Kim Long