Nhóm An Sinh
Nhịp sống 27/08/2020 09:08
Từ ngày về hưu, mang tiếng cùng khu phố, nhưng rất ít khi các ông gặp nhau được. Cũng bởi nhiều lí do. Mỗi nhà mỗi cảnh. Ít gặp nhau. Nhưng thôi thì cứ sống vui, sống khỏe, sống tích cực, an lành… Như thế, chắc là cũng được cộng đồng chấp nhận!
Nhưng, “cây đời xanh tươi” lại hay nảy sinh những điều mà “bỏ ngoài tai, cài ngoài mắt” cũng chẳng thể được! Tỉ dụ: Bỗng nhiên nhớ đồng đội. Ở quanh quẩn trong mươi con ngõ, mà không biết là ông ấy, ông nọ dạo này ra sao! Tuổi cao, miễn dịch kém… Sự đời biết thế nào! Vân vân và vân vân…
Ảnh minh họa |
Cho đến hôm hội nghị đoàn kết toàn dân của phường, tháng 11 năm ngoái, lúc giải lao các ông quây quần trò chuyện. Một ông đề xuất, mỗi tháng gặp gỡ nhau đông đủ một lần, ăn sáng và uống cà phê sáng tập trung. Nhân đó, thông báo cho nhau về tình hình gia đình, bản thân, chuyện mới, chuyện lạ cần biết… Không ngờ, nhiều ông cũng “đang định đề xuất” cái ý ấy! Thế là, nhóm Ăn Sáng ra đời! Bầu hẳn Đại tá Nguyễn Hữu, nguyên cán bộ lãnh đạo một trường cao đẳng nghề quân đội làm “tổng thư kí”. Đồng thời, lập nhóm Zalo mạng để liên lạc nội bộ…
Nhóm Ăn Sáng khai sinh vừa được hai tháng, 3 lần sum họp, thì phải đổi tên nhóm. Lấy hai chữ cái đầu của Ăn Sáng, phiên ra tên mới là An Sinh. Lí do là vì, mỗi lần sum họp, lại nảy những điều mới, hữu ích; xem ra, vừa đạt được cái an lành lại vừa sinh sôi phát triển. Ví dụ thế này:
Trong khu phố, những điều to tát thì ổn cả. Nhưng tồn tại vài chuyện nhỏ cần khắc phục. Như ở một ngã tư, thường xuyên có vài túi rác để tùy tiện, không theo quy định của các tổ dân phố, ảnh hưởng xấu đến văn hóa - văn minh đô thị. Các cấp chính quyền sở tại đã nhắc nhở, chấn chỉnh. Nhưng vẫn có người, do cẩu thả, do thiếu tính cộng đồng, vẫn tái diễn.
Chứng kiến sự này, các thành viên nhóm An Sinh (gọi theo tên mới) trao đổi xem nên tỏ thái độ thế nào, cũng nhẹ nhàng “chuyện thường ngày ở phố” chứ không quan trọng hóa! - Trước tiên là không để người thân của mình vi phạm các qui định của chính quyền. Bên cạnh đó, góp ý thẳng thắn với người vi phạm. Do các ông đã cao tuổi, lại có “máu lính”, quen “làm ngay nói thẳng”, nên mấy người hay vi phạm quy định chung cũng phải vì nể, tự sửa lỗi. Họ nói với nhau: “Các bác ấy bậc tuổi cha chú mình, cũng đã phục vụ quân đội bao nhiêu năm, giờ mới được nghỉ ngơi... Các bác ấy góp ý nhắc nhở, cũng là vì cái sự xanh, sạch, đẹp chung của khu phố!”.
Lại nữa. Cứ bảo hưu trí rồi thì thôi, không tham gia việc chính trị. Dạo trước, khi chuẩn bị Đại hội chi bộ tổ dân phố nhiệm kì 2020-2022, không ai ứng cử vào ban chấp hành khóa mới, lại cũng chối từ sự giới thiệu, đề cử của cấp ủy, đảng viên trong chi bộ… Nhưng ông Bùi Huy (từng nhiều năm làm lãnh đạo một phòng quan trọng bên ngành chính trị quân đội) đã đưa ra ý kiến: “Anh em mình cũng nên suy nghĩ… Gánh vác việc tổ dân phố cũng như “người vác tù và”. “Đội hình” chúng mình thế này mà không ai tham gia cấp ủy, kể cũng sái! Thôi thì, tôi sẽ tham gia. Anh em thấy có nên không?”. Ý kiến của ông Bùi Huy không đơn thuần chỉ là đề cập đến một sự việc cụ thể, mà là gợi ý một vấn đề của văn hóa ứng xử, làm cho các thành viên An Sinh cũng hứng khởi: “Vâng! Thế bác Bùi Huy tham gia trước! Rồi thì chúng tôi cũng tùy theo tình hình mà… ghé vai!”…
Từ khi Dịch Covid-19 đe dọa cuộc sống cộng đồng. Nhóm An Sinh tạm dừng ăn sáng, cà phê sáng tập trung. Hằng ngày, nhóm trao đổi qua Zalo những tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, tin tức từ Bộ Y tế và những thông báo của chính quyền sở tại về phòng chống đại dịch này, để cùng nhau vận động người thân, bà con xóm làng cùng thực hiện.
Bằng những hành động, cử chỉ giản dị, nhóm An Sinh góp phần xây dựng cộng đồng dân cư văn minh, văn hóa, an lành và vững mạnh.