Nhớ thầy Trần Chút
Giáo dục 09/10/2020 08:12
Hình ảnh Nhà giáo ưu tú Trần Chút, thành viên Hội đồng tư vấn của Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông mới từ trần cứ lỡn vỡn trong đầu tôi. Dẫu biết rằng “sinh lão bệnh tử” là lẽ tất nhiên. Nhưng việc Nhà giáo ưu tú Trần Chút từ trần làm cho tôi hết sức đột ngột, day dứt khôn nguôi.
Cách đây 7 năm, thầy Trần Chút lâm bệnh ung thư máu, Thầy phải nhập viện điều trị khá dài ngày ở bệnh viện Thông Nhất. Hồi đó, sau khi được tôi báo tin, GS.TS Nguyễn Như Ý, Tổng biên tập Tạp chí Dạy và Học ngày nay từ Hà Nội bay vào thăm thầy Chút ở bệnh viện. Theo tôi biết giữa thầy Trần Chút và GS.TS Nguyễn Như Ý có mối tâm giao khá sâu đậm. Vừa là đồng nghiệp ở Viện Ngôn ngữ, vừa là tình nghĩa anh em vong niên mà thầy Trần Chút là vai anh. Trong thời gian 14 năm làm Phó tổng biên tập cho GS.TS Nguyễn Như Ý, tôi đã nghe nhiều lần vợ chồng GS.TS Nguyễn Như Ý nói về tình cảm của thầy Trần Chút giúp đỡ gia đình lúc GS.TS Nguyễn Như Ý đi Hoa Kỳ giảng dạy. Trong từng câu chuyện kể về thầy Trần Chút, cả hai vợ chồng đều thể hiện sự tri ân và kính trọng.
Nhà giáo ưu tú Trần Chút (đứng giữa) tại lễ bế giảng Lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí – truyền thông khóa 2-2020, do Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông (CEDC) tổ chức ngày 25/7 và 26/7/2020. |
Thế rồi như một huyền thoại, thầy Trần Chút vượt qua lần lâm bệnh ung thư máu thứ nhất. Từ chỗ da dẻ bị khô tróc, thân thể ốm nhom, Thầy đã phục hồi trở lại tươi tắn, bình thường. Khi mới ra viện thầy nói với tôi “cứ lạc quan, suy nghĩ tích cực, đừng nghĩ đến bệnh tật là hết bệnh thôi mà”. Nói xong thầy cười rất đôn hậu và tự tin. Về nhà thầy thường xuyên đi gặp bạn bè cùng vui “chén chú chén anh” và tham gia các sự kiện, hội thảo, hội nghị, … mỗi khi được mời. Ở thầy Trần Chút luôn toát lên sự hài hước, cởi mở, và kiến thức uyên thâm nên mọi người đều quý mến Thầy, đặc biệt là thế hệ trẻ, vì vậy đều muốn thầy có mặt tham dự.
Cách nay khoảng một tháng, căn bệnh ung thư máu tái phát, sức khỏe của thầy có nhiều biểu hiện xấu. Theo kế hoạch, ngày 13/9/2020, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông tổ chức đoàn đi trao quà cho học sinh vượt khó hiếu học ở Đồng Nai. Nhưng trước đó ba ngày thầy nhắn tin cho tôi: “Đợt này mình mệt chắc không tham gia đoàn đi được”. Nhận được tin nhắn, tôi hơi lo cho sức khỏe của thầy. Hôm sau tôi cùng một số cán bộ Trung tâm đến nhà riêng ở 429/12 Nguyễn Kiệm, phường 9, quận Phú Nhuận thăm thầy.
Tiếp chúng tôi, thầy còn nói vui: “Cơ thể mình bây giờ như của người khác nhưng đầu óc vẫn bình thường minh mẫn”. Rồi thầy cúi xuống gầm bàn lấy một chai rượu ngoại đưa cho tôi: “Cho Hiền chai rượu này nhé, rượu này bạn bè tặng mình đã mấy chục năm còn nguyên”. Tôi đứng dậy nói lời cảm ơn thầy và nhận chai rượu của thầy tặng, thấy hai bàn tay thầy run run. Nhìn qua cặp kính trắng thầy đang đeo như có những làn sương mờ mờ trong đó.
Đến thăm thầy khoảng 20 phút, thay mặt đoàn cán bộ Trung tâm Phát triển Giáo dục và Truyền thông, tôi báo cáo thầy về kế hoạch tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và một số công việc khác tiếp theo trong năm 2020. Thầy chăm chú nghe, trên môi thầy luôn nở nụ cười nhân từ, khích lệ. Nghe tôi báo cáo xong, thầy rất vui. Sau đó thầy đưa ra ý kiến về việc của thầy để anh em tham khảo góp ý. Một là, thầy về nhà ông em ruột của thầy ở Xuân Lộc, Đồng Nai một thời gian để vừa điều trị bệnh, vừa có điều kiện ăn uống bồi dưỡng vì dưới đó con cháu đông có điều kiện hơn, môi trường rộng rải, khí hậu mát mẻ, ở nhà vợ thầy cũng đã già yếu, con cháu lại bận công việc. Hai là, thầy nhập viện ở TP Hồ Chí Minh để điều trị, nhưng nhập viện cũng phải thuê người phục vụ, …
Nghe thầy nói xong, tôi đưa ra ý kiến ủng hộ thầy theo phương án một.
Sáng 13/9, chúng tôi đi Nhơn Trạch, Đồng Nai trao quà tặng học sinh vượt khó hiếu học. Còn thầy Trần Chút đi về nhà em trai ở Xuân Lộc, Đồng Nai. Chuyến đi đó, mọi người trong đoàn ai ai cũng nhắc thầy Trần Chút, cầu chúc cho thầy mau khỏi bệnh.
Hơn 10 ngày thầy ở Xuân Lộc, Đồng Nai, tôi vẫn hàng ngày nhắn tin zalo hỏi thăm tình hình sức khỏe. Mỗi lần nhận được tin nhắn của tôi, Thầy đều trả lời “tạm ổn”.
Trong lúc chúng tôi đang có ý định tổ chức đoàn về Xuân Lộc, Đồng Nai thăm thầy Trần Chút thì thầy lại về nhà ở TP Hồ Chí Minh. Nhận được tin nhắn của thầy báo “sáng mai mình về TP Hồ Chí Minh”. Tôi rất mừng, vì nghĩ rằng bệnh của thầy đã ổn. Nhưng thật không ngờ hai ngày sau khi về nhà thầy lại phải đi vào bệnh viện. Và từ đây thầy Trần Chút đã ra đi mãi mãi.
Ngày hôm trước thầy nhập viện, tôi đến nhà riêng để thăm thầy nhưng hôm đó thầy đang nằm nghỉ trên lầu và nhắn tin cho tôi “mình đang mệt tuần sau ta gặp nhé”. Vợ và con gái thầy nói cho tôi biết “tình hình sức khỏe của thầy đợt này nặng lắm”.
Những ngày thầy Trần Chút ở bệnh viện đã nhiều lần tôi đề nghị đến thăm nhưng người nhà nói bác sĩ không cho. Còn khi tôi nhắn tin cho thầy hỏi thăm tình hình sức khỏe, thầy đều nhắn tin trả lời “tệ hơn”. Ngày 30/9 tôi liên tục nhắn tin và điện thoại cho thầy đều không được nữa.
Sáng 1/10, tôi điện thoại cho Hồng Anh, con gái thầy Trần Chút mới biết được tin trưa nay bác sĩ bệnh viện cho thầy về nhà. Tôi và một số bạn bè đồng nghiệp bàn nhau đến gia đình thăm thầy. Nhưng chưa kịp đến thì thầy Trần Chút đã ra đi về thế giới bên kia lúc 19h ngày 1/10/2020.
Thầy Trần Chút là nhà nghiên cứu ngôn ngữ học uy tín, nhà giáo đáng kính và mẫu mực của nhiều thế hệ sinh viên ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh). Sinh năm 1940, nguyên quán Gio Linh, Quảng Trị. Năm 1960 thầy được tuyển thẳng vào học khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Trước năm 1975, sau khi tốt nghiệp ngành ngữ văn, thầy công tác ở Viện Ngôn ngữ học (nay thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam). Sau năm 1975, thầy làm Phó trưởng khoa Ngữ văn rồi làm Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh (nay là Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh) cho tới khi nghỉ hưu. Sau khi nghỉ hưu, Thầy tiếp tục gắn bó với công tác giáo dục khi được mời làm Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến.
Không chỉ gắn bó với việc giảng dạy, từ năm 1990, Nhà giáo ưu tú Trần Chút còn đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Việt Nam, sau đó làm Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học TP.Hồ Chí Minh.
Với bút danh Hồng Dân, thầy Trần Chút đã tham gia vào việc biên soạn các sách giáo khoa ngữ văn của Bộ GD&ĐT như: Tiếng Việt 10 (1990), Tiếng Việt 11 (1991), Tiếng Việt 8 (1995), Tiếng Việt 9 (1995), Tiếng Việt 11 (2000), Ngữ văn 8 (2002), Ngữ văn 9 (2002), Ngữ văn 10 (2006).
Bên cạnh đó, thầy còn tham gia đồng biên soạn cuốn Góp phần phát triển năng lực cảm thụ văn (1997), Hoàng Tuệ tuyển tập (2009)…
Nhà giáo ưu tú Trần Chút là nhà nghiên cứu, nhà giáo đáng kính và mẫu mực của nhiều thế hệ sinh viên ngữ văn. Dấu ấn của thầy vẫn còn in rõ trong trí óc, tình cảm của nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Trong công tác khoa học, giảng dạy hay quản lý giáo dục, thầy Trần Chút đều có những đóng góp và khởi xướng rất tích cực nắm bắt xu hướng thời đại. Sự ra đi của thầy để lại bao tiếc nuối trong lòng nhiều thế hệ học trò. Nhà giáo ưu tú Trần Chút còn là 1 trong 13 công dân tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh được tôn vinh nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc. Nhà giáo ưu tú Trần Chút còn là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, thầy đã được Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam.
05h sáng 4/10/2020, tiễn đưa thầy Trần Chút về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang đồng hương Quảng Trị, ở huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương có đông đủ bạn bè, đồng nghiệp, đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con thân bằng quyến thuộc, xóm giềng, các thế hệ học trò. Có Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân khu 9; Đại tá, nhà báo, nhà thơ Trần Thế Tuyển, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP Hồ Chí Minh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ VH&TT (nay là Bộ TT&TT), nguyên Tổng Biên tập Báo SGGP, …
Trong niềm tiếc thương vô hạn, mọi người bùi ngùi xúc động, vĩnh biệt Nhà giáo ưu tú Trần Chút – Nhà giáo dục, nhà ngôn ngữ uy tín; người con điển hình của quê hương Quảng Trị anh hùng.