Nhiều điểm mới của Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)
Sự kiện 24/10/2022 13:39
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có 7 điểm mới, bao gồm: Về quy định đối với người hành nghề; Quy định đối với người khám bệnh, chữa bệnh; Quy định chuyên môn kỹ thuật; Hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Quy định Bảo đảm an ninh trật tự cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và an toàn cho người hành nghề và người khác làm việc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, Quốc hội dành toàn bộ thời gian thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 24/10 về dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) |
Đánh giá cao dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được trình tại Kỳ họp thứ 4, đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, dự thảo cơ bản tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội đã phát biểu tại kỳ họp trước. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nội dung cần phải nghiên cứu, quy định rõ, cụ thể hơn.
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ trong dự thảo luật vẫn chưa cụ thể hóa các mục tiêu Nghị quyết trong dự thảo luật.Điển hình như các quy định về cơ sở khám chữa bệnh công lập, xã hội hóa, giá dịch vụ, phân cấp chuyên môn, giấy phép hành nghề, khám, chữa bệnh từ xa, dinh dưỡng trong khám, chữa bệnh… Đây là những vấn đề mới nhưng vẫn chưa làm rõ trong dự thảo luật.
Lấy ví dụ quy định về phân cấp, trước đây tiến hành phân cấp theo tuyến nhưng dự thảo luật phân cấp theo chuyên môn kỹ thuật, trong đó có 3 cấp: cấp ban đầu, cấp cơ bản và cấp chuyên sâu. Đại biểu Hạ đồng tình với việc phân cấp này và khẳng định đây là nội dung mới trong dự thảo luật, nhưng nhiều nội dung chưa quy định chưa rõ. Ban soạn thảo chưa làm rõ mối quan hệ giữa của các cấp bệnh viện như thế nào, từ cái cấp ban đầu lên cấp cơ bản, đến cấp chuyên sâu?; mối quan hệ giữa cơ sở công lập và tư nhân? Chính sách của Nhà nước đối với từng cấp này được quy định cụ thể ra sao?
Về chức năng đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh của Hội đồng Y khoa Quốc gia, trong Dự án Luật, có sự bất cập khi chưa làm rõ quy định về lộ trình, trong khi mốc thời gian đặt ra là sau 5 năm luật có hiệu lực, việc đánh giá năng lực hành nghề mới được thực hiện. Đại biểu Nguyễn Văn An, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, cần cân nhắc quỹ những quy định liên quan đến nội dung này để đảm bảo khả thi; hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo thuận lợi trong thi hành, áp dụng, đảm bảo hiệu quả thực tế.
Tranh luận với nhiều ý kiến đại biểu Nguyễn Văn An, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) nhấn mạnh, đây là quy định tiến bộ rõ rệt trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong giai đoạn đầu tiên nên quy định Chính phủ bổ nhiệm người đứng đầu Hội đồng Y khoa, Bộ Y tế cung cấp hệ thống vận hành, Hội đồng Y khoa hoạt động độc lập nhưng cần bổ sung chức năng tổ chức giám sát, đào tạo liên tục và đặc biệt là chức năng phân xử đúng sai trong các tai biến y khoa.
Liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 103 của dự thảo Luật, theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội), đây là khái niệm chưa từng có trong các văn bản quy phạm pháp luật của lĩnh vực y tế trước đây và cũng là lần đầu tiên được ghi nhận trong dự thảo Luật này. Vì vậy, cần sung định nghĩa về “cấp chuyên môn kỹ thuật” trong điều khoản giải thích từ ngữ của dự thảo Luật này.
Bên cạnh đó, hiện nay hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang được Bộ Y tế phân tuyến chuyên môn kỹ thuật thành bốn tuyến, mặc dù đã quy định lộ trình thực hiện nội dung này. Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình bốn tuyến thành ba cấp với điều kiện thực tiễn của hệ thống y tế Việt Nam hiện nay là một thách thức. Do đó, dự thảo Luật cần phải quy định hướng dẫn nguyên tắc cụ thể.
Ngoài ra, dự thảo luật cũng còn thiếu quy định về nguyên tắc để vận hành hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo ba cấp chuyên môn kỹ thuật. Các quy định trong dự thảo chưa làm rõ sự kết nối giữa các cấp khám bệnh, chữa bệnh và đảm bảo điều tiết toàn hệ thống. Cần cân nhắc bổ sung nguyên tắc quy hoạch hệ thống y tế theo ba cấp chuyên môn phù hợp với việc quản lý cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo địa bàn, theo vùng miền, từ đó phân bổ các cơ sở y tế hợp lý để người dân được tiếp cận các dịch vụ từ sớm, từ xa, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề nghị.
Theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, về hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Hiện vẫn còn 02 luồng ý kiến khác nhau. Một luồng ý kiến cho rằng, cần phân cấp hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành 03 cấp chuyên môn kỹ thuật để thể chế hóa chủ trương của Đảng. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần giữ như quy định hiện hành, hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được phân thành 04 tuyến để tránh xáo trộn không cần thiết do chưa có phương án, quy định cụ thể về việc phân loại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: Hiện dự án Luật đang dự kiến 02 phương án để xin ý kiến, đó là: Quy định khái quát về hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Quy định cụ thể các hình thức thu hút nguồn lực xã hội trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Về giá khám bệnh, chữa bệnh: Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giá khám bệnh, chữa bệnh của cơ sở y tế tư nhân được tự quyết định. Tuy nhiên, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Nhà nước quy định khung giá khám bệnh, chữa bệnh đối với tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tư nhân.