Nhà toán học nữ đầu tiên của Việt Nam
Giáo dục 30/10/2018 08:59
Năm 1948, bà học hết cấp II. Thời đó Trường cấp III Chu Văn An dành cho nam sinh, còn Trường Lít-xê Anbexaro chỉ dành cho con em người Pháp hoặc giới chức cao cấp làm việc cho Pháp. Cuối cùng bà chấp nhận ghi danh học Chu Văn An học chung với đám con trai. Sau khi có bằng Tú tài 1, sinh ngữ tiếng Anh và tiếng Pháp, bà được cậu ruột làm kĩ sư tại Toulousse đón sang Pháp học để lấy bằng Thạc sĩ Toán. Đây là cấp học khó, ngay ở Pháp nhiều người học đến bạc đầu, khi thi vẫn trượt. Với quyết tâm, bền bỉ ôn luyện, cần cù học tập, làm theo lời cha dặn "Muốn xây dựng đất nước, phải giỏi môn khoa học". Năm 26 tuổi, bà thi đỗ Thạc sĩ (Aggregation), đó là vinh dự không phải chỉ dành cho người Việt mà cho cả Đại học Toulousse.
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Xuân Sính.
Con đường khoa học rộng mở. Bà kể: "Tháng 5/1959, tôi đang băn khoăn ở lại Pháp làm việc hay về nước? Giữa lúc đó, 1 sự kiện bất ngờ, tờ báo "Khoa học thường thức" xuất bản ở Hà Nội đưa tin tôi đậu Thạc sĩ ở Paris. Đọc tin nóng hổi từ Tổ quốc gửi sang, lòng tôi bồi hồi xúc động. Tổ quốc hằng ngày theo dõi những hoạt động và vui mừng với những thành công nhỏ của những người con đi xa. Tự nhiên trước mắt tôi, hình ảnh Tổ quốc hiện lên, mỗi lúc mỗi rõ nét. Bao kỉ niệm xa xưa lần lượt hiện về. Tôi xúc động nhớ hôm nào Bác Hồ đến thăm Trường Nữ sinh Trưng Vương, lúc đó tôi chỉ là cô bé 12 tuổi cùng các bạn ùa ra vây quanh Bác như đám chim non gặp mẹ. Và rồi từ đó hình ảnh Bác Hồ động viên, khuyến khích tôi đi lên, vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác. Trên đất Pháp, tôi ghi lời Bác dạy đối với anh chị em Việt Kiều: "Mỗi người cố học giỏi lấy một nghề, sau này trở về phục vụ Nhân dân". Trở về! Tôi quyết định dứt khoát. 3 tháng sau khi nhận bằng Thạc sĩ Toán học, mang theo 2 chiếc va li toàn sách, tôi từ giã nước Pháp cổ kính về nước theo tiếng gọi của Tổ quốc, của Bác Hồ".
Về Việt Nam bà công tác tại Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bà vừa giảng dạy với chức danh Chủ nhiệm bộ môn Đại số, vừa nghiên cứu khoa học. Chính những năm tháng sơ tán tránh máy bay Mỹ, thực hiện lời dạy của Bác Hồ "Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy thật tốt, học thật tốt", dưới ánh đèn dầu trong gian nhà tranh ở một làng trung du, bà khoác tấm chăn chiên mỏng, ngồi co ro viết luận án "Gv Phạm trù". Bà mang luận án của mình sang Đại học Pari 7, thuộc hệ thống Sorbonne bảo vệ trước một Hội đồng gồm những nhà Toán học lừng danh thế giới từng được Huy chương Fields: Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Pháp, giáo sư Alexande Grothendieck; Giáo sư Henri Cartan… Hội đồng còn "thử tài" bà bằng cách ra đề thi tại chỗ "Cái nhúng của 1 phức 1 thứ nguyên vào 1 đa tạp vi phân 2 thứ nguyên" và chỉ được phép có 2 tháng chuẩn bị tại Pháp. Cả hai luận án đều nhằm giải quyết những vấn đề toán học hiện đại. Bà đã thành công, nhận danh hiệu nữ Tiến sĩ toán học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bà là một trong những người sáng lập và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Đại học Thăng Long, Đại học dân lập đầu tiên của Việt Nam vào ngày 15/2/1988. Bà là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng Khoa học Kovalevskaya ở Việt Nam. Nhiều năm bà là Trưởng đoàn học sinh Việt Nam đi dự thi Olympic Toán quốc tế. Bà tham gia nhiều hoạt động xã hội, từng làm Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI (2004 - 2008); Ủy viên Hội đồng chính sách và Công nghệ quốc gia; Ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia; Ủy viên Hội đồng Từ điển Việt Nam… Nhà nước Pháp trao tặng bà phần thưởng cao quý: Huân chương Cành cọ Hàn lâm về những đóng góp cho việc phát triển và hợp tác khoa học giữa 2 quốc gia Pháp và Việt Nam.
Nhà giáo Nhân dân Hoàng Xuân Sính là "Thầy giáo của các thầy giáo", mãi được nhiều thế hệ học trò của bà kính phục
Lê Sỹ Tứ