Nguy cơ 12 triệu người cao tuổi Việt Nam không có lương hưu
Nhịp sống 30/06/2022 18:11
Ảnh minh hoạ |
Theo Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, chính sách của Việt Nam thuộc diện bao phủ tương đối tốt, mang lại nhiều thành tựu đã được quốc tế ghi nhận là điểm sáng. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn khoảng 34 triệu lao động phi chính thức có nguy cơ "rơi" khỏi lưới an sinh xã hội.
Với mong muốn trong giai đoạn sắp tới, hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam sẽ phát triển một cách bao trùm hơn, toàn diện hơn, Bộ LĐ-TB&XH mong các chuyên gia phân tích, khuyến nghị thẳng thắn và thực tế từ các chuyên gia độc lập.
Tại hội thảo, ông Nuno Cunha, Chuyên gia cao cấp về an sinh xã hội của ILO chỉ ra rằng, hiện nay Việt Nam có 16.5 triệu người lao động đang tham gia BHXH, chỉ 33% trong tổng số lực lượng lao động hơn 50 triệu người. Trong 11.4 triệu người cao tuổi mới chỉ có 4.3 triệu người đang được hưởng lương hưu (2.6 triệu từ BHXH và 1.7 triệu từ bảo trợ xã hội).
Với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ BHXH thì đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh, dù có tiến triển đáng kể nhưng nhiều người Việt Nam chưa được tiếp cận đầy đủ với an sinh xã hội. Việt Nam cần nỗ lực để đảm bảo an sinh cho xã hội, giải quyết thách thức từ các nhóm chính sách bị bỏ sót, những nhóm người làm việc tự do… thuộc nhóm cấp thiết cần tham gia an sinh xã hội.
Các chuyên gia quốc tế chỉ ra rằng, hệ thống BHXH ở Việt Nam cho phép người lao động thoát khỏi hệ thống BHXH và yêu cầu rút BHXH một lần cho tất cả các khoản đóng góp trước đây của họ. Việc ngày càng có nhiều người rút BHXH một lần có thể gây ra hậu quả tiêu cực lâu dài đối với an ninh thu nhập của người lao động, cũng như tính bền vững tài chính của hệ thống.
Việc gia tăng cơ hội tạo việc làm hiệu quả và thỏa đáng không chỉ giúp giảm nghèo mà còn góp phần cung cấp tài chính bền vững cho các hệ thống an sinh xã hội. "Trong thực tế, người lao động chỉ có có thể tham gia đầy đủ vào hệ thống BHXH khi có việc làm ổn định" ông André Gama, Chuyên gia an sinh xã hội của ILO Việt Nam.
Về tăng cường nguồn lực cho an sinh xã hội, theo chuyên gia ILO, trong vòng 15 năm qua, tại các quốc gia đang phát triển ở châu Á có xu hướng tăng tỷ lệ GDP với mức trung bình là 0.2% từ việc chính thức hóa thị trường lao động khi nền kinh tế dần chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ.
Ông Nuno Cunha khuyến nghị, đến năm 2030 tầm nhìn 2045, Việt Nam cần tăng mức chi cho an sinh xã hội từ 4% GDP hiện nay lên mức trung bình của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 8% GDP.
Song song với quá trình này là các biện pháp chính thức hóa khu vực việc làm phi chính thức, xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng với mức độ phối hợp và liên kết đáng kể giữa các tầng.
Ngoài ra, cần tăng diện bao phủ BHXH bắt buộc bằng cách nâng mức hưởng thỏa đáng, đơn giản hóa điều kiện hưởng chế độ, đưa nhiều nhóm hợp đồng đủ điều kiện tham gia vào BHXH bắt buộc.
Hà Nội: 5 tháng đầu năm hơn 21.200 người hưởng bảo hiểm thất nghiệp Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 5 tháng đầu năm, thành phố tiếp nhận, thẩm ... |
TP Hà Nội: Công khai 150 đơn vị sử dụng lao động nợ bảo hiểm xã hội Mới đây, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã công khai danh sách 150 đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn có ... |
Rút bảo hiểm xã hội một lần chỉ có lợi trước mắt Đó là ý kiến được ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM nêu lên khi đề ... |