Người thầy của nhà nông
Tuổi cao gương sáng 27/11/2023 09:33
Ông là người tiên phong trong lĩnh vực phục tráng, lai tạo nhiều giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng vào thực tiễn hàng loạt đề tài khoa học nông nghiệp có hiệu quả… TS Lê Tiến Dũng, sinh 1953, tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1983, ông công tác Đại học Nông Lâm Huế. Hơn 40 năm giảng dạy và nghiên cứu, TS Lê Tiến Dũng luôn gắn bó với người nông dân, với ruộng đồng để cho ra đời những sản phẩm, cây giống có năng suất cao, phẩm chất tốt phục vụ nông nghiệp.
Tiến sĩ nông dân Lê Tiến Dũng |
Bà con nông dân gọi ông với cái tên trìu mến là thầy Dũng "nguyên chủng”, bởi thầy cùng nhóm nghiên cứu đã lai tạo, phục tráng thành công nhiều giống lúa nguyên chủng, nhiều giống lúa mới cho vùng đất trung du, đồi núi, vùng đất ngập lũ tại tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh miền Trung. Trong đó phải kể đến các giống lúa: NH1, NH2, NH3, NH4, NH5, NH6. Đây là những giống lúa có đặc tính chống sâu bệnh, phù hợp với điều kiện khắc nghiệt ở vùng đất này. Riêng giống lúa NH3 đã được Viện Di truyền học nông nghiệp, Bộ NN&PTNT công nhận là giống lúa cấp quốc gia, với tên gọi là: DT68. Các giống lúa NH6, NH7, NH9 còn lại đang được Trung tâm Khảo nghiệm giống miền Trung tiến hành các thủ tục để công nhận giống lúa cấp quốc gia. Loại lúa Razư, A Ri, Cu giơ… thích hợp nhất ở những vùng núi, trung du. Nếu trồng tốt sẽ giải quyết 2 vấn đề giúp bà con nông dân đang cần đó là: Trồng lúa 2 vụ ở những vùng đất cao. Những nông dân ở vùng gò đồi tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình,… vào vụ Hè - Thu thường xuyên thiếu nước, nên vùng đất này chỉ cấy lúa được vụ Đông Xuân. Khi công trình của thầy Dũng thành công, mọi tập quán canh tác trên vùng đất này đã được thay đổi.
Ngoài việc trồng lúa khô trên hàng chục ha đất đồi bỏ hoang, bằng kiến thức được tích lũy qua gần 40 năm đứng trên bục giảng, trên ruộng, nương, rẫy, thầy còn hướng dẫn bà con thêm khoai từ, khoai tía bằng công nghệ mới để thoát nghèo. Ông Lê Văn Cư, ở xã Thủy Bằng, tỉnh Thừa Thiên Huế kể: "Trước đây cứ đến vụ Hè Thu, cả gia đình tôi phải đi mua gạo, vì lúa chỉ làm được một mùa, bây chừ khi được hợp tác cùng thầy Dũng và nhóm nghiên cứu Trường Đại học Nông Lâm Huế, bà con ở thôn ni ai cũng rất phấn khởi. Các giống lúa khô mới được thầy Dũng gieo trồng ở vùng này thu nhập từ 1,5 đến 2 tạ lúa trên 1 sào”.
Là người "cháy hết mình với khoa học” nhưng thầy Dũng cũng rất nghiêm khắc với công việc mình làm, với quan niệm: Khoa học nông nghiệp là khoa học ứng dụng, đòi hỏi tính thực tế cao, phải lăn lộn cùng nông dân, miệng nói là tay phải làm, lúc đó nông dân mới hiểu. Là người từng thực hiện nhiều đề tài cấp Nhà nước, mới đây nhất là đề tài "Khai thác và phát triển nguồn gen các giống lúa đặc sản cho các tỉnh miền Trung”.
Cách đây 6 năm, ông là một trong số ít ỏi nhà khoa học phản đối kế hoạch đưa tỏi voi Nhật Bản vào trồng ở Lý Sơn (Quảng Ngãi). Đúng. Đưa tỏi Nhật Bản vốn có năng suất cao, sẽ đánh bật, làm mất giống tỏi quý Lý Sơn vốn là đặc sản nổi tiếng. Giống cũ thì năng suất thấp, thay đổi giống để tăng năng suất, nhưng người ta quên rằng thay vì giúp cho nó tốt hơn, mạnh hơn thì lại bỏ đi giống tỏi quý.
70 tuổi đời, hơn 40 năm giảng dạy và nghiên cứu, thầy Lê Tiến Dũng làm việc cần mẫn, vì tình yêu đối với cây lúa, sự trăn trở lai tạo giống mới giúp đất nước bảo đảm nguồn an ninh lương thực và cốt lõi là để làm sao "trong mỗi gia đình làm nông luôn có đầy lúa, không thiệt thòi hay lãng phí ngày công”. Đó là tâm nguyện suốt cuộc đời nhà giáo, nhà nông học TS Lê Tiến Dũngn