Người nộp thuế sẽ nộp ít tiền hơn
Sự kiện 01/03/2020 08:49
Nâng mức người phụ thuộc từ 3,6 lên 4,4 triệu đồng/tháng
Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13: Trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Đồng thời, trên cơ sở tính toán của Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12-2019 so với thời điểm 1-7-2013 là 123,2%, tăng 23,2%.
Do đó, Bộ Tài chính nhận thấy, cần thiết phải nghiên cứu điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Vì vậy, Bộ Tài chính xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân để trình Chính phủ xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế lên mức 11 triệu đồng/tháng. Tương ứng cho mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng.
Tăng giảm trừ gia cảnh giúp thu nhập khả dụng của người nộp thuế cao hơn. |
Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên, theo Bộ Tài chính sẽ góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thuế thấp sẽ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc thuế cao.
Theo nhận định của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh có hiệu ứng tích cực đối với kinh tế - xã hội.
Nguyên nhân, do việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh dẫn đến giảm nghĩa vụ thuế TNCN hay gia tăng thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi nộp thuế) của các cá nhân, từ đó kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức độ tác động đến tăng trưởng kinh tế còn liên quan đến việc giảm chi tiêu của Chính phủ do giảm thu ngân sách từ thuế TNCN.
Ngân sách giảm khoảng 10.300 tỷ đồng/năm
Bộ Tài chính cũng đã tính toán tác động của việc tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với ngân sách nhà nước (NSNN).
Theo dữ liệu trên hệ thống tập trung của ngành Thuế trong năm 2019, số lượng người nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đạt khoảng 6,89 triệu người với tổng số thu NSNN đạt trên 79.219 tỷ đồng. Nếu áp dụng mức giảm trừ theo mức dự kiến là 11 triệu đồng/tháng cho bản thân người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng cho mỗi người phụ thuộc thì một phần lớn số người nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, tương tự những người nộp thuế ở các bậc thuế còn lại đều được giảm số thuế phải nộp, qua đó dự kiến giảm thu NSNN xuống còn khoảng 68.921 tỷ đồng.
Như vậy với đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh nêu trên thì số thu về thuế TNCN 1 năm giảm khoảng 10.300 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế TNCN năm 2019).
Về thời điểm áp dụng, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh nêu trên, sẽ thực hiện từ kỳ tính thuế năm 2020.
Theo quy định của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2020, thì thời hạn quyết toán thuế TNCN năm 2020 chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính, đối với hồ sơ quyết toán thuế TNCN của cá nhân trực tiếp quyết toán thuế thì chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 (kể từ ngày kết thúc năm dương lịch).
Do vậy trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh cũ (9 triệu đồng/tháng đối với bản thân người nộp thuế và 3,6 triệu đồng/tháng đối với mỗi người phụ thuộc) sẽ được xác định số thuế TNCN phải nộp theo mức giảm trừ gia cảnh mới khi quyết toán thuế TNCN năm 2020.