Người giữ rừng sâm và văn hóa Cơ Tu trên miền biên viễn
Tuổi cao gương sáng 11/11/2023 10:51
Nhiều báo, đài đã viết bài, làm phim về già làng có mái tóc bồng bềnh mang sắc màu sương núi này. Ông là người Cơ Tu đầu tiên của tỉnh Quảng Nam có bằng đại học, từng làm giáo viên, tới hiệu trưởng, rồi cán bộ phòng văn hóa huyện, rồi đến Bí thư Đảng ủy xã. Nhưng ở đâu, làm gì, ông cũng đau đáu, xót xa vì người Cơ Tu quê ông vẫn cứ nghèo, nghèo ngay trên mảnh đất có nhiều loại cây “đẻ ra tiền” như sâm ba kích, đẳng sâm này.
Ông Bríu Pố chăm ba kích. |
Mấy mươi năm qua, ông tảo tần với đất núi, đi tìm và tự ươm lấy giống sâm ba kích. Ban đầu người làng còn nghi ngại, nhưng khi thấy ông trồng và bán được sâm ba kích với giá cao, hiện mỗi năm gia đình ông thu hơn 100 triệu đồng thi vô cùng khâm phục. Ông mày mò nghiên cứu, nhân giống thành công cây sâm ba kích, rồi sau đó nhiệt tình hướng dẫn, giúp đỡ người dân trồng sâm ba kích để xóa đói giảm nghèo từ mô hình này. Để giúp bà con tự tin, vững tâm hơn, ông chủ động đến từng nhà hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây. Đến nay thì không chỉ ở thôn Arớh, xã Lăng, mà khắp huyện Tây Giang, nhiều bà con đã biết cách làm giàu từ giống cây bản địa.
Nhờ cây sâm ba kích, người dân vốn chỉ gắn bó với cây lúa, hạt ngô, bây giờ dần dần đã biết trồng ba kích, biết đào ao, nuôi cá, làm chuồng nuôi lợn, nuôi gà… Cuộc sống của bà con xã Lăng nói riêng và huyện miền núi Tây Giang nói chung ngày càng khởi sắc. Cùng với phát triển kinh tế, đời sống tinh thần của bà con Cơ Tu ở Tây Giang cũng được các cấp chính quyền hết sức quan tâm. Ông Bríu Pố cùng những người cao tuổi trong làng phối hợp các lực lượng chức năng kiên trì vận động, tuyên truyền cho bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thực hiện nếp sống văn minh,...
Ông Bríu Pố bên những củ ba kích vừa thu hoạch. |
Không chỉ giỏi làm ăn kinh tế, ông Bríu Pố còn là một “bách khoa thư” và nghệ nhân có uy tín của tỉnh Quảng Nam. Năm 2019, ông vinh dự nhận danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, do có thành tích xuất sắc trong công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu.
Ông Bríu Pố cũng luôn đau đáu với suy nghĩ phải vừa bảo tồn văn hóa truyền thống, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế. Tâm huyết với người dân Cơ Tu, với văn hóa Cơ Tu truyền thống, với sự hiểu biết của mình, hơn 20 năm qua, ông đã đi để tìm gặp những già làng ở khắp Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế); ở Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam) và sang các bản làng Cơ Tu phía bên kia biên giới Việt – Lào, nghe họ kể chuyện, ghi chép, nghiên cứu, đối chiếu, chỗ nào chưa rõ thì dừng để tiếp tục tìm hiểu, chỗ nào đã tỏ thì viết cho đến tận cùng ngóc ngách với tâm niệm, biết gì thì cứ viết ra hết. Những bản thảo viết taycứ thế dày lên với hàng trăm trang, khi câu chuyện về người Cơ Tu cứ dài ra. Với nội dung từ lịch sử, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa phi vật thể, thể thao, y học… cho đến những vật hữu hình như nhà cửa, kiến trúc làng bản đều được đề cập chi tiết. Ông Bríu Pố tâm sự: “Tôi hi vọng cuốn sách sẽ là một công trình hữu ích để con cháu mai sau biết về nguồn cội của dân tộc, để thế hệ trẻ tự hào mà góp sức bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa”.
Trong căn nhà gỗ ngồn ngộn những sách vở và tài liệu, những bằng khen, giấy khen của Trung ương và địa phương, già làng Briu Pố vẫn miệt mài giữ những gì tốt đẹp nhất co người Cơ Tu. Với người Cơ Tu trên ngọn nguồn Trường Sơn này, ông Bríu Pố là người có uy tín, là tấm gương sáng để mọi người yêu mến, kính trọng và học tập.