Người cao tuổi làm giàu từ nông nghiệp hữu cơ
Hoạt động hội 19/02/2023 10:00
Ông An đang chăm sóc cây bưởi quế dương hữu cơ |
Ông An kể: “Qua tìm hiểu tôi nhận thấy xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu thế tất yếu và bền vững trong nông nghiệp… Vì vậy, tôi chọn hướng này vì sự an toàn trước tiên cho chính mình, cho gia đình. Hơn nữa, là người sản xuất và cũng là người tiêu dùng từ đó mang đến sự an tâm cho những khách hàng sử dụng sản phẩm bưởi từ mô hình của mình”.
Nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây, tăng chất lượng cho quả bưởi cũng như cải tạo, phục hồi “sức khỏe” cho đất sau nhiều năm chịu tác động từ việc sử dụng phân hóa học, ông đã tìm hiểu và sử dụng phương pháp thủy phân, cám ngâm trong thời gian từ 30 - 45 ngày, sau đó tưới cho cây.
Nói về đặc tính của cây bưởi quế dương, ông An thổ lộ: Bưởi quế dương là giống cây cho thân gỗ chiều cao khá to có thể lên đến 4m. Hệ thân cành của bưởi quế dương khá phát triển và vươn xa hơn những giống bưởi khác nên có thể vừa trồng làm cảnh vừa làm bóng mát, là giống bưởi có nhiều đặc điểm nổi trội hơn so với giống bưởi khác. Quả bưởi khi chín có quả to và màu vàng sáng rất đẹp...
Ngoài ra, bưởi quế dương còn có lớp vỏ khá mỏng khi bổ ra tép bên trong mọng nước ăn có vị ngọt vừa phải không đậm như bưởi Diễn nên ăn nhiều không có cảm giác gấy. Bên cạnh đó, bưởi quế dương còn có ưu điểm là cho năng suất rất cao và cho ra quả rất sớm… Đặc biệt, giống bưởi này có khả năng chống chịu lại nhiều loại sâu bệnh hơn những loại quả khác…
Ông An chăm sóc vườn Thanh long ruột đỏ được trồng theo phương pháp hữu cơ |
“Để cây phát triển tốt thì khâu chuẩn bị đất trồng cũng rất quan trọng, từ khâu phát quang san và lên luống đều phải làm cẩn thận. Đồng thời, trồng ở những nơi có ánh nắng nhiều vì cây ưa sáng. Đây là giống cây trồng ưa ẩm nên cần cung cấp đủ nước cho cây nhất là trong mùa khô và khi cây ra hoa đậu quả… Sau khi trồng cần tiến hành tưới nước trong vòng 1 tháng sau đó để cây bén rễ, phục hồi, những tháng tiếp theo tùy vào độ ẩm của đất mà có kế hoạch tưới nước cho thích hợp”, ông An tâm sự.
Sau hơn 12 năm chăm sóc bưởi quế dương theo phương pháp hữu cơ đến nay vườn bưởi của gia đình ông An không cần phải xới xáo đất, không phải bón vôi gốc cây, nền đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng hơn so với trước rất nhiều, vườn bưởi phát triển xanh tốt, cho ra sản phẩm chất lượng, thơm ngon, ngọt đậm, vàng ươm.
Với hơn 1 mẫu bưởi quế dương trồng gần 200 gốc, bình quân mỗi năm, trang trại ông An cho thu hoạch khoảng 700 - 800 quả. Do sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo nên bưởi của gia đình dễ tiêu thụ, có giá bán dao động từ 15 – 25 nghìn đồng/quả.
Đến nay, ngoài trồng bưởi quế dương hữu cơ, gia đình ông An còn có 2 sào thanh long ruột đỏ công nghệ cao; hơn 2 sào ổi trồng theo hướng VietGAP và kết hợp chăn nuôi chăn nuôi gia súc, gia cầm, ao nuôi cá… Tổng thu nhập bình quân mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 400 -500 triệu đồng.
Mô hình trồng ổi đạt tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông An |
Theo bà Đỗ Thị Hảo, Chủ tịch Hội NCT huyện Ba Vì, TP Hà Nội: Không những làm giàu cho gia đình, ông An còn là hội viên tích cực của Hội NCT xã Cẩm Lĩnh. Ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ các hội viên cùng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, góp phần tích cùng địa phương trong phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao.
“Nhờ mô hình chuyển đổi hiệu quả sang trồng bưởi hữu cơ và thanh long ruột đỏ, kết hợp đào ao thả cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm của ông An, hội viên NCT xã Cẩm Lĩnh được các hội viên khác trong xã tin tưởng làm theo khi đã biết chuyển chỗ diện tích canh tác kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả.
Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để Hội NCT xã Cẩm Lĩnh nói riêng, huyện Ba Vì nói chung ngày càng có nhiều hơn nữa mô hình nông nghiệp hữu cơ như gia đình ông An”- bà Hảo cho biết.