Ngày Xuân nói chuyện hồi xuân
Sức khỏe 18/01/2020 08:30
Hồi xuân là gì?
“Hồi” là trở lại, “xuân” là tên một mùa của trời đất, là mùa đầu tiên của một năm, liên hệ với đời người đó là thời thanh xuân, còn gọi là “tuổi xuân”, là lúc con người tràn đầy sức sống và cũng gọi là “sức xuân”.
“Hồi xuân” là một giai đoạn của đời người mà khi đó “sức xuân” của tuổi trẻ đã qua, nay nó trở lại như sự “tái lai” của mùa Xuân trong vòng quay của tạo hoá. Đây chính là thời kì “đệm” khi chuyển từ trung niên sang lão hoá.
Thông thường, khi nói đến hồi xuân, người ta hay nghĩ đến những người phụ nữ, nhưng thật ra, dù dài hay ngắn, dù mãnh liệt hay mờ nhạt, đối với cả đàn ông và đàn bà, tuổi hồi xuân rồi cũng sẽ đến. Nhìn chung, giai đoạn hồi xuân chỉ kéo dài khoảng vài ba năm, cá biệt có người tới bốn, năm năm. Nhưng cũng có người không bao giờ biết đến tuổi hồi xuân.
Những biến đổi của cơ thể khi hồi xuân
Vào tuổi hồi xuân, ở cả nam và nữ đều có sự rối loạn về nội tiết tố sinh dục. Ở phụ nữ, giai đoạn này xảy ra chung quanh thời kì mãn kinh được đặc trưng bởi sự rối loạn cân bằng giữa hai nội tiết tố progesterone và oestrogen. Lúc đầu, có sự suy giảm progesterone và tăng oestrogen nhưng sau đó thì oestrogen cũng giảm dần và đây chính là nguyên nhân chủ yếu làm giảm ham muốn tình dục ở nữ. Ở nam giới có hiện tượng suy giảm nội tiết tố nam là testosterone tương tự như mãn kinh ở nữ giới. Sự thay đổi nội tiết tố sinh dục chính là một trong những đặc trưng và nguyên nhân cơ bản của hiên tượng hồi xuân.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, nếu chỉ hiểu hồi xuân có nghĩa là khôi phục lại khả năng tình dục thì quả là phiến diện. Thực ra, ý nghĩa của sự hồi xuân không chỉ bó hẹp trong phạm vi tình dục. Nó là sự trẻ hoá của con người từ tâm hồn đến thể xác, sự trẻ hoá này không những chịu ảnh hưởng của các yếu tố sinh lí mà còn bị tác động bởi nhiều nhân tố mang tính tâm lí và xã hội.
Làm thế nào để chủ động hồi xuân?
Con người, tự cổ chí kim đã không hoàn toàn chịu khuất phục tạo hoá, cam chịu mỗi sự “hồi xuân” do tạo hoá ban phát cho. Trải qua quá trình lao động, tìm tòi, thể nghiệm và đúc rút từ thực tế hàng ngày, con người đã chắt lọc và tích luỹ những tri thức, những kinh nghiệm và nâng chúng lên thành “thuật”, nhằm mục đích khôi phục và duy trì “sức xuân”, chủ động “hồi xuân” một cách tích cực, hệ thống đó được gọi là “thuật hồi xuân” với những nội dung cơ bản sau đây:
* Hồi xuân bằng điều dưỡng tinh thần
Tuổi trung niên là bước ngoặt của đời người, hoạt động sống bắt đầu chuyển từ thịnh sang suy cả về tâm lí và sinh lí. Về tâm lí, chữ “thịnh” nghĩa là trong suốt thời kì trung niên sự phát triển tâm lí ngày càng chín muồi, đúng như cổ nhân đã tổng kết: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh”. Nhưng “vật cực tắc phản”, trung niên là thời kì cơ thể và tâm lí phải gánh vác nặng nề nhất và thường tập trung nhiều mâu thuẫn. Bao nhiêu sự mệt mỏi về hình thể và tâm lí tích tụ lại dần làm ảnh hưởng đến thân và tâm, từ đó dễ dẫn tới các loại bệnh tật. Bởi vậy, để chủ động “hồi xuân”, ở tuổi trung niên phải có tinh thần lạc quan khoáng đạt, coi nhẹ danh lợi, tiết chế dục vọng, tránh cạnh tranh với đời, ít ưu sầu, không suy nghĩ quá độ. Nói như cổ nhân là phải “dưỡng thần bách pháp tĩnh vi tiên”, nghĩa là phải lấy chữ “tĩnh” làm đầu để điều dưỡng đời sống tâm lí tinh thần.
* Hồi xuân bằng tập thở, xoa bóp và khí công dưỡng sinh
Phương ngôn có câu: “Nước chảy thì không bị hôi, trục cánh cửa năng quay thì không han gỉ”, cơ thể con người cũng vậy. Hằng ngày, mọi người ai cũng phải thở và vận động, nhưng vấn đề là ở chỗ cần tập thở, xoa bóp và vận động như thế nào để đạt được hiệu quả kéo dài “tuổi xuân”, chủ động “hồi xuân” cao nhất.
Thuật hồi xuân trong y học cổ truyền phương Đông có một nguyên tắc: Không nên coi nhẹ vấn đề hít thở. Cùng với “Khí” và “Thần”, “Tinh” là một trong ba thứ quý nhất (tam bảo) của nhân thể. Tinh có hai loại: Tinh Tiên thiên bẩm thụ từ cha mẹ và tinh Hậu thiên có được từ cơm ăn nước uống và dưỡng khí. Bởi vậy, việc “phả cũ nạp mới”, đưa thật nhiều dưỡng khí (oxy) vào trong cơ thể thông qua các phương thức thở theo kiểu dưỡng sinh có một vai trò đặc biệt quan trọng. Nguyên tắc chung của các cách thở này là thở đều, nhẹ, sâu và dài. Có thể thở ba thì hoặc bốn thì, phình bụng thở vào thót bụng thở ra hoặc thót bụng thở vào phình bụng thở ra đều được.
Y thư cổ Hoàng Đế nội kinh viết: “Chớ coi thường xoa bóp bởi nó trị chứng khí bất túc, phục hồi thần khí”. Phương thức xoa bóp trong thuật hồi xuân của y học cổ truyền phương Đông là hết sức phong phú. Có thể xoa bóp toàn thân hay cục bộ như xát lưng, xoa mặt, xát bàn chân, xoa bóp vành tai, xoa xát bụng dưới, xát vùng bẹn;… có thể là xoa bóp các đường kinh lạc hay các huyệt vị châm cứu có công dụng tráng kiện hồi xuân, diên niên ích thọ như Đại chuỳ, Trung quản, Quan nguyên, Khí hải, Túc tam lí, Tam âm giao, Dũng tuyền…
Khí công dưỡng sinh là một phương pháp rèn luyện thân tâm hết sức độc đáo của y học cổ truyền. Thông qua việc tập luyện các công pháp khí công có thể khiến “Tinh, Khí, Thần” hoà thành một thể, âm dương điều hoà, khí huyết lưu thông, nguyên khí sung mãn, làm chậm quá trình lão hoá, giúp con người sống lâu và sống khoẻ. Trong đó, phải kể đến các phương pháp có công năng “hồi xuân” độc đáo như Cường tráng công, Cố tinh công, Hồi xuân công, Bảo kiện công, Công tráng lưng kiện thận…
* Hồi xuân bằng ăn uống
Ăn uống là chuyện tối cần thiết để bồi phụ và bảo tồn Tinh hậu thiên, duy trì các hoạt động sống của cơ thể. Để chủ động “trường xuân” và “hồi xuân”, ngoài việc thực hiện đầy đủ những nguyên tắc cơ bản của ẩm thực cổ truyền là đầy đủ (chỉnh thể), cân bằng (bình hành thiện thực), hợp lí (tam nhân chế nghi) và bảo đảm vệ sinh (ẩm thực cấm kị), rất cần phải lựa chọn và sử dụng các loại thực phẩm có công dụng tráng kiện trường thọ như đậu tương, vừng, rau hẹ, tảo biển, các loại nấm, sơn tra, thịt dê, thịt chim sẻ, thịt thỏ, sữa tươi, trứng gà, trứng chim cút, ba ba, cá chạch, tôm càng xanh, hải sâm, bào ngư, mật ong… và các món ăn - bài thuốc (dược thiện) như Tam nhĩ thang, cháo Sơn dược vừng sữa, rượu Thục địa vạn niên thanh, canh Tây dương sâm, canh Đông trùng hạ thảo hấp ba ba, cháo Nhân sâm hoàng kì, Bột vừng phục linh, rượu Cố bản tiên linh, rượu Hải cẩu thận, rượu Dâm dương hoắc, canh thịt dê hầm kỉ tử….
* Hồi xuân bằng dược liệu
Y học cổ truyền cho rằng: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can”, một khi sức đề kháng của cơ thể vượng thịnh thì bệnh tà không thể xâm nhập, quá trình suy lão cũng chậm lại. Bởi vậy, thuật hồi xuân cho rằng: Ngoài việc tập thở, vận động, xoa bóp và ẩm thực dưỡng sinh còn phải chú trọng việc sử dụng các dược liệu có công năng bồi bổ chính khí cho phù hợp. Đó là các vị thuốc như nhân sâm, hoàng kì, bạch truật, hoàng tinh, thục địa, đương quy, kỉ tử, a giao, hà thủ ô, bạch thược, nhung hươu, hải mã, tắc kè, tử hà xa, bổ cốt toái, đỗ trọng, tục đoạn, toả dương, nhục thung dung, ba kích, dâm dương hoắc, thỏ ti tử, mạch môn, thiên môn, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, quy bản… và các đông dược thành phẩm như Thập toàn đại bổ, Nhân sâm dưỡng vinh hoàn, Hà sa đại tạo hoàn, Sinh mạch tán, Sâm kì tinh, Bát tiên trường thọ hoàn, Thiên vương bổ tâm đan, Bát vị hoàn, Lục vị hoàn…
Tóm lại, dù muốn hay không, hồi xuân là một giai đoạn không thể tránh khỏi trong đời mỗi người. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta hãy chủ động đón nó, kéo dài nó và nâng cao chất lượng của nó.