Ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái: 30 năm một chặng đường phát triển
Xã hội 10/10/2021 14:57
Ngày 01/10/1991, tỉnh Yên Bái được tái lập theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII. Ở thời điểm mới tái lập tỉnh, đời sống của nhân dân các dân tộc còn nhiều khó khăn; hệ thống giáo dục, quy mô, mạng lưới trường, lớp còn nhiều bất cập. Năm học 1991-1992, toàn tỉnh có 340 trường, trên 5.100 lớp, trên 125.000 học sinh, trên 8.100 giáo viên; 62 xã trắng về giáo dục mầm non; hầu hết các trường vùng cao mới chỉ có đến lớp 2, lớp 3; toàn tỉnh chỉ có 4.120 phòng học trong đó hơn 60% là số phòng học tạm. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường thấp: tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ đạt 9,2%, trẻ mẫu giáo đạt 22,9%; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi đi học đạt từ 75-79%, số trẻ ra lớp học đúng độ tuổi chỉ đạt 68%; số học sinh trung học cơ sở chỉ bằng 56,6% học sinh của năm 1984-1985. Tỷ lệ học đi học chuyên cần rất thấp, số học sinh bỏ học nhiều: cấp tiểu học là 12%, riêng các lớp 1 là 13,6%; cấp trung học là 22,6% (thậm chí số học sinh bỏ học của cả 4 lớp trung học cơ sở nhiều hơn số mới tuyển vào lớp 6); cấp trung học phổ thông là 14,2%. Toàn tỉnh lúc này chỉ có 04 trường phổ thông dân tộc nội trú (01 trường trung học phổ thông, 03 trường trung học cơ sở ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải); các điều kiện phục vụ dạy học và chế độ tại các trường hết sức khó khăn.
Ông Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái trao qua cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập |
Quán triệt quan điểm giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã đổi mới cách làm, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, cụ thể hóa đường lối đổi mới vào thực tiễn địa phương; khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huy động mọi nguồn lực cho sự phát triển giáo dục và đào tạo. Toàn ngành đã nỗ lực, quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức để đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái có những chuyển biến căn bản và toàn diện theo hướng hiện đại, là cơ sở để nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái |
Đến nay, quy mô, mạng lưới trường, lớp học từ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp được mở rộng tới tất cả các xã, phường, thị trấn. Một số vùng thuận lợi đã phát triển loại hình trường ngoài công lập, tư thục. Đặc biệt, sau khi thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016-2020, hệ thống trường lớp được sắp xếp phù hợp, tinh gọn và hiệu quả; tạo điều kiện đưa học sinh từ các điểm lẻ về điểm trường chính, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 466 cơ sở giáo dục; trong đó có 04 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp nghề, 07 trung tâm giáo dục thường xuyên, 01 trung tâm tin học và 09 trung tâm ngoại ngữ ngoài công lập, 443 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông với quy mô trên 6.800 lớp, trên 221.000 học sinh, học viên. So với ngày đầu tái lập, tăng hơn 100 trường, 1.700 lớp, 96.000 học sinh...
Các thầy, cô giáo luôn phải trau dồi kiến thức, để nâng cao chất lượng dạy và học |
Có thể nói, kết quả của 30 năm xây dựng, phát triển này là tiền đề, động lực quan trọng đồng thời giúp ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho những năm tiếp theo.
Trước hết, phải làm tốt công tác tham mưu với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành hệ thống văn bản tạo hành lang pháp lý, cơ chế thuận lợi phát triển giáo dục và đào tạo phù hợp với thực tiễn của địa phương. Thực hiện tốt công tác phối hợp với các ban, sở, ngành, đoàn thể của tỉnh, cấp ủy, chính quyền địa phương để huy động sự vào cuộc của toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm tạo cầu nối, sự đồng thuận để nhân dân chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo.
Do là tỉnh còn nhiều khó khăn, nên vào đầu năm học mới, các Thầy Cô luôn phải động viên các em học sinh đến trường |
Thứ hai, toàn ngành cần phát huy nội lực, tích cực, năng động, sáng tạo, vượt khó để xây dựng một nền giáo dục và đào tạo phù hợp với thực tiễn địa phương, có sự phát triển vượt bậc, đóng góp những thành quả to lớn cho công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ ba, cần xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ chuyên môn, có ý thức tự học, có đạo đức nghề nghiệp, tinh thần trách nhiệm cao và tâm huyết với nghề. Đặc biệt, phát huy vai trò, trách nhiệm, sự chủ động, sáng tạo và phương pháp làm việc khoa học của người đứng đầu trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch.
Các Thầy, Cô giáo ân cần chỉ bảo, dạy dỗ học sinh |
Thứ tư, trong điều kiện ngân sách nhà nước còn khó khăn, ngành giáo dục và đào tạo phải làm tốt công tác xã hội hoá giáo dục để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Thứ năm, triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải gắn với các phong trào thi đua, các cuộc vận động của ngành giáo dục và đào tạo. Thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng để động viên kịp thời và tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên.
Bên cạnh những thành tựu phát triển vượt bậc, Giáo dục Yên Bái vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: có sự cách biệt về chất lượng giáo dục giữa vùng thấp với vùng cao, vùng đồng bào dân tộc; tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ ra lớp còn thấp; công tác phân luồng chưa bền vững; cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, yêu cầu về nguồn nhân lực của tỉnh.
Ngành giáo dục tỉnh Yên Bái tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, để mỗi ngày đến trường, là niềm vui, hạnh phục của các em học sinh |
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo công bằng trong giáo dục và đào tạo, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX đã đặt ra mục tiêu: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa và xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025. Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, ngành giáo dục và đào tạo Yên Bái sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
Một là, quán triệt sâu rộng trong toàn ngành quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW; Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa; Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết số 22-NQ/TU ngày 20/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Trường học hạnh phúc; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.
Hai là, tiếp tục sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; từng bước đầu tư các thiết bị tiên tiến để thực hiện phương pháp giáo dục hiện đại, đặc biệt với các trường trong lộ trình xây dựng trường chuẩn quốc gia, gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống trường nội trú, bán trú. Phát triển Trường Trung học phổ thông Chuyên Nguyễn Tất Thành thành trường có thứ hạng cao trong hệ thống các trường chuyên của cả nước.
Ba là, đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ nội dung, hình thức, phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học, phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo của học sinh. Chú trọng giáo dục lý tưởng, bồi đắp “đức, trí, thể, mỹ” gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và xây dựng con người Yên Bái “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”. Tiếp tục thực hiện tốt việc cam kết, bàn giao chất lượng; tập trung nâng cao chất lượng dạy học các môn Tin học, ngoại ngữ. Đổi mới căn bản hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bốn là, tiếp tục rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo để sắp xếp đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn về trình độ, năng lực. Chú trọng bồi dưỡng phương pháp, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tư duy sáng tạo, khả năng nghiên cứu khoa học, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Năm là, tập trung xây dựng “trường học hạnh phúc”, hướng tới xây dựng môi trường giáo dục không có bạo lực học đường, học sinh được đối xử thân thiện, được phát triển tối đa năng lực, được tôn trọng; giáo viên được sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến; các nhà trường tạo dựng chất lượng một cách thực chất, lấy chỉ số hạnh phúc và chỉ số tiến bộ của mỗi học trò làm thước đo chất lượng giáo dục.
Sáu là, đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, dạy học; triển khai mô hình giáo dục điện tử trên hệ thống phần mềm giáo dục thông minh gắn với Đề án đô thị thông minh của tỉnh Yên Bái; đẩy mạnh triển khai lớp học kết nối, lớp học chia sẻ trên internet, ưu tiên kết nối giữa các lớp, các trường trên địa bàn tỉnh.
Những thành tích đạt được trong sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của tỉnh Yên Bái của ngày hôm nay là công sức, trí tuệ của đội ngũ cán bộ, giáo viên đã cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, là sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, chính sách phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo... Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên nền tảng vững chắc để các thế hệ học trò trên mảnh đất còn nhiều gian khó tiếp tục khát vọng vươn lên lĩnh hội tri thức để viết nên những trang vàng mới trong sự nghiệp “trăm năm trồng người”.