Ngã ba hi vọng của người di cư đến châu Âu
Quốc tế 29/09/2023 11:00
Không có gì mới khi Lampedusa được coi là biểu tượng chính trị của cuộc đổ bộ dòng người di cư đến châu Âu. Tuy nhiên, tình trạng khẩn cấp mới nhất, khi có tới 15.000 người đến đảo chỉ trong vài ngày, có thể đã được thấy trước và ứng phó phù hợp với một quốc gia có quy mô như Italy. Tình hình ở đây trở thành một cuộc khủng hoảng chỉ vì bản thân dân số trên đảo chỉ có 6.000 người.
Lampedusa đã trải qua làn sóng người di cư tương tự vào năm 2011, sau cuộc Cách mạng Tunisia. Một lượng lớn người dân đã vượt Địa Trung Hải để chạy trốn tình trạng bất ổn chính trị trong nước sau khi chế độ cầm quyền sụp đổ, và dân số trên đảo đã tăng gấp đôi chỉ sau vài tuần.
Cuộc khủng hoảng năm 2011 rất giống với cuộc khủng hoảng ngày nay cả về điều kiện ở Bắc Phi, cũng như về chính trị ở Italy. Nhưng dường như bài học vẫn chưa được châu Âu rút ra.
Thuyền chở người di cư dồn dập đổ tới Lampedusa. |
Các biện pháp khắc phục tương tự đang được thúc đẩy: Thỏa thuận với các chính phủ châu Phi để ngăn chặn người dân ra đi, thay vì các chính sách di cư dài hạn nghiêm túc. Những cam kết cứng rắn tương tự cũng đang được đưa ra, cảnh báo việc hồi hương, mà ngay cả những người tuyên bố như vậy cũng biết rằng không thể thực hiện được trên thực tế.
Trong làn sóng di cư gần đây nhất, khoảng 11.000 người đã đến đảo bằng thuyền trong vòng 4 ngày, với mức cao nhất là 5.000 người chỉ riêng vào ngày 12/9. Có thời điểm, có tới 60 chiếc thuyền nhỏ chen chúc chật kín người ở cảng, tất cả xếp hànggiống như cảnh chờ đợi ở trạm thu phí đường cao tốc.
Theo thống kê, kể từ tháng 8, lượng người di cư đến đảo Lampedusa đã tăng gấp đôi so với năm 2022 và tăng gấp ba so với năm 2021 - vì vậy đối với người dân trên đảo, việc không có các biện pháp phòng ngừa là không thể chấp nhận được.
Hàng nghìn người chen chúc tại “Điểm nóng” - biệt danh mà người dân địa phương gán cho trung tâm giam giữ người di cư, vốn chỉ có sức chứa 400 người. Hàng nghìn người khác phải chờ hàng giờ dưới nắng trên mặt đường nhựa nóng bỏng của bến tàu Favaloro và chỉ được làm mát bằng vòi rồng và bị cảnh sát chống bạo động khống chế.
Hội Chữ thập đỏ Italy, cơ quan điều hành “Điểm nóng”, đã cảnh báo rằng họ không có đủ khả năng phân phối nước và thực phẩm cho tất cả mọi người. Sự can thiệp nhân đạo duy nhất đến từ nhà thờ, nơi phân phát bữa ăn với sự giúp đỡ của người dân, tình nguyện viên và thậm chí cả khách du lịch.
Áp lực đè lên Lampedusa cuối cùng đã giảm bớt hôm 23/9, đúng lúc Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đến đảo. Nhưng thông điệp đến với cư dân Lampedusa là sẽ không có gì thay đổi ở Brussels hay Rome, và do đó ở Lampedusa cũng vậy.
Thay vào đó, chính phủ hiện tại của Thủ tướng Meloni sẽ dồn mọi nỗ lực vào các biện pháp đã tỏ ra không thành công trong quá khứ, như: Xây dựng thêm các trung tâm hồi hương cho những người xin tị nạn thất bại và kéo dài thời gian giam giữ lên 18 tháng đối với những người di cư bất hợp pháp.
Chính phủ của nữ Thủ tướng Meloni đã gọi làn sóng di cư đổ tới Lampedusa là một "cuộc xâm lược" và một "hành động chiến tranh". Nhưng thị trưởng hòn đảo, Filippo Mannino, lại nhấn mạnh: Không phải vậy! Người dân Lampedusa không sử dụng những lời lẽ thù địch như của các nhà lãnh đạo chính trị Ý. Họ chỉ kiến nghị đối mặt với thách thức này, tìm ra giải pháp nhân đạo để những người dân địa phương sẵn lòng bảo vệ những người đi biển không bị trôi dạt…