Nâng tầm vị thế của G20
Quốc tế 12/09/2023 10:12
Thủ tướng Modi thẳng thắn thừa nhận Ấn Độ nhận trọng trách chèo lái G20 vào thời điểm khó khăn khi thế giới đang vật lộn với căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế, giá lương thực và năng lượng tăng cao cũng như những tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chia rẽ sâu sắc về cuộc xung đột ở Ukraine ngăn cản tiến triển trong những vấn đề như an ninh lương thực, áp lực nợ, chuỗi cung ứng thực phẩm, năng lượng và hợp tác toàn cầu chống biến đối khí hậu.
Để giải những bài toán nan giải trên, Ấn Độ đã rất nỗ lực với việc triệu tập hơn 200 cuộc họp G20 tại hơn 20 thành phố trên cả nước. Tại mỗi cuộc họp, Ấn Độ đều mời thêm nhiều quốc gia không phải thành viên G20 tới tham dự nhằm thu hút sự chú ý tới chương trình nghị sự cũng như mở rộng vai trò của G20. Ấn Độ cam kết mở rộng quy mô, thành phần các cuộc đàm phán toàn cầu, bảo đảm mọi tiếng nói đều được lắng nghe và mỗi quốc gia đều có cơ hội đóng góp.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. |
Thế giới đánh giá cao việc Ấn Độ đưa ra những sáng kiến hữu ích nhằm thúc đẩy tiến trình toàn cầu hóa lấy con người làm trung tâm khi giữ trọng trách Chủ tịch G20. Trong năm qua, Ấn Độ nỗ lực chứng minh cách vận dụng công nghệ nhằm thu hẹp bất bình đẳng. Từ chủ trương phát triển phụ nữ, Ấn Độ chuyển hướng theo đuổi sự phát triển do phụ nữ dẫn dắt. Ấn Độ cũng nỗ lực thu hẹp khoảng cách giới trong lĩnh vực số hóa, lực lượng lao động và bảo đảm phụ nữ có vai trò lớn hơn trong quá trình lãnh đạo và ra quyết định.
Cũng trong thời gian Ấn Độ giữ cương vị Chủ tịch G20, Thủ tướng Modi đã gửi thư cho các nhà lãnh đạo G20 đề xuất trao quy chế thành viên thường trực đầy đủ cho Liên minh châu Phi (AU) với hơn 50 quốc gia thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tại New Delhi các ngày 9, 10/9. Đề xuất này nhằm hiện thực hóa cam kết trước đó của Ấn Độ để tiếng nói của châu Phi có trọng lượng hơn tại các tổ chức quốc tế và nâng cao vị thế của G20 với tư cách là một diễn đàn đa phương.
Với thế mạnh có mối quan hệ lâu dài với các quốc gia đang phát triển, Ấn Độ nhanh chóng tăng cường quan hệ đối tác với các quốc gia phương Tây. Bên cạnh đó, Ấn Độ còn sử dụng G20 làm nền tảng để vận động cho các nước Nam bán cầu và đóng vai trò cầu nối để truyền đạt nhu cầu của thế giới đang phát triển tới các nhà lãnh đạo phương Tây. Thành công ở cả trong và ngoài nước khiến Ấn Độ trở thành cầu nối lí tưởng giữa Bắc - Nam bán cầu và thành lực lượng vì hòa bình giữa một thế giới bị chia rẽ.
Trong gần một năm qua, Ấn Độ chứng minh được mình xứng đáng với vai trò Chủ tịch G20 trong bối cảnh mới. Ấn Độ là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, là điểm đến hấp dẫn cho nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất khẩu tăng trưởng tốt, lĩnh vực sản xuất di động đạt thành công đáng kinh ngạc. Ấn Độ cũng tạo được tiếng vang trong lĩnh vực không gian và dẫn đầu thế giới về ứng dụng công nghệ kĩ thuật số vào quản trị.
Từ nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, Ấn Độ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trong vòng chưa đầy một thập niên. Nhiều chuyên gia cho rằng Ấn Độ có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vào năm 2050, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Tiếp đà này, Ấn Độ đặt mục tiêu đầy tham vọng là trở thành quốc gia phát triển vào năm 2047 (năm Ấn Độ kỉ niệm 100 năm độc lập) và thực hiện nỗ lực mới nhằm cắt giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh hiện nay, Hội nghị thượng đỉnh G20 lần này được cho là khó đạt đột phá trong việc hàn gắn các quốc gia, nhưng nước chủ nhà Ấn Độ vẫn kì vọng sẽ tạo ra những nền tảng nhất định để kéo các nước lại, cùng chung tay giải quyết các vấn đề tồn đọng.