Nam Định: Phát triển kinh tế gắn với thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội
Xã hội 11/11/2024 13:28
Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tốt các mục tiêu ASXH, lấy phúc lợi xã hội và phúc lợi cá nhân làm mục tiêu, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội để mọi thành viên trong xã hội được thụ hưởng những điều kiện tối thiểu cần thiết. Chỉ có phát triển kinh tế mới có được cơ sở vật chất - thực lực để bảo đảm và kiện toàn chế độ ASXH, là điều kiện trọng yếu để điều chỉnh kết cấu kinh tế, xúc tiến công bằng xã hội. Phát triển kinh tế là điều kiện để nâng cao mức phúc lợi cho mọi thành viên trong xã hội, cải thiện các điều kiện về y tế, giáo dục, giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, cải thiện chế độ dinh dưỡng cho các gia đình có thu nhập thấp.
Tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho NCT |
Thực chất, ASXH là những hệ thống chính sách xã hội, bao gồm: chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH); bảo hiểm y tế; cứu trợ xã hội; ưu đãi người có công với cách mạng, xóa đói giảm nghèo, hướng tới mọi người dân, kể cả những người trong đối tượng lao động, người chưa đến tuổi lao động và người hết tuổi lao động. Chính vì thế, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định luôn ưu tiên thực hiện chính sách ASXH. Điều này được thể hiện rõ trong các nghị quyết Đảng bộ và HĐND tỉnh là bảo đảm ASXH, nâng cao chất lượng cuộc sống, chú trọng công tác giải quyết việc làm; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Từ những nhận thức về mối quan hệ chặt chẽ giữa ASXH và phát triển kinh tế, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách ASXH.
Trong lĩnh vực BHXH, bảo hiểm y tế, số người tham gia các loại hình bảo hiểm tính đến ngày 31/10/2024 tăng so với cùng thời điểm năm 2023. Cụ thể, số người tham gia BHXH 246.845 người, tăng 4,6%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên 209.000 người, tăng 4,4%; số người tham gia bảo hiểm y tế 1.719.730 người, tăng 2,0%. Trong lĩnh vực cứu trợ xã hội hiện nay, toàn tỉnh Nam Định có 32.516 đối tượng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội và 2.131 là người được chăm sóc, nuôi dưỡng và đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Tổng số đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung tại 03 cơ sở bảo trợ xã hội là 187 người, trong đó số người khuyết tật, tâm thần chiếm tới 56%. Cùng với ngân sách của tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân đã tặng hàng chục nghìn suất quà cho người cao tuổi, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khác.
Nam Định tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng BHXH nhận lương hưu và trợ cấp xã hội qua tài khoản |
Trong lĩnh vực ưu đãi xã hội đối với người có công được tỉnh Nam Định đặc biệt quan tâm và ngày càng mở rộng đối tượng, mức thụ hưởng với chế độ ưu đãi toàn diện hơn, hướng tới mục tiêu bảo đảm mức sống của người có công bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cư dân trên địa bàn. Chỉ tính riêng 10/2024, tỉnh đã giải quyết chế độ chính sách cho 780 người có công và thân nhân NCC; giới thiệu 18 trường hợp tới Hội đồng Giám định y khoa tỉnh để khám giám định; đón 53 NCC đến điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng tỉnh, nâng tổng số NCC được điều dưỡng là 416 người.
Trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo Nam Định được đánh giá là tỉnh trong Top dẫn đầu toàn quốc về hiệu quả thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Đến nay, các chỉ tiêu, mục tiêu về giảm nghèo và giải quyết việc làm trong toàn tỉnh đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong 9 tháng năm 2024, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho hộ nghèo vay 25.725 triệu đồng với 299 lượt khách hàng vay vốn; cho hộ cận nghèo vay 127.391 triệu đồng với 1.471 lượt; cho hộ mới thoát nghèo vay 229.108 triệu đồng với 2.628 lượt vay; cho vay giải quyết việc làm là 177.804,4 triệu đồng với 2.484 lượt khách hàng; đối tượng là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay 43.669 triệu đồng với 358 lượt vay vốn; doanh số cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường hơn 459 triệu đồng với 18.197 lượt khách hàng; doanh số cho vay nhà ở xã hội là 13.675 triệu đồng với 27 lượt khách hàng vay vốn.
Người dân được vay vốn chính sách hỗ trợ cho phát triển sản xuất kinh doanh |
Thông qua Chương trình việc làm quốc gia, các ưu đãi về tín dụng kết hợp với đào tạo và giới thiệu việc làm đã góp phần để Nam Định thực hiện tốt chức năng ASXH, thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội. Đến hết 10/2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm và tạo việc làm mới cho khoảng 26.250 lao động, đạt 78,83% kế hoạch năm. Trong đó, đưa lao động đi làm việc có thời hạn, thời vụ ở nước ngoài theo hợp đồng là 3.200 người, đạt 228,57% kế hoạch năm. Các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn đã tuyển sinh 25.307 người, đạt 71,89% kế hoạch (đào tạo hệ cao đẳng 141 người; hệ trung cấp 3.972 người; hệ sơ cấp và dưới 3 tháng 21.194 người).
Trung tâm dịch vụ việc làm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức 25 phiên giao dịch việc làm với 428 lượt doanh nghiệp đăng ký tham gia; tại các phiên giao dịch việc làm có 4.442 người lao động tham gia, trong đó có 2.331 người được phỏng vấn và đã có 397 lao động được tuyển dụng trực tiếp. Trung tâm còn tư vấn chính sách pháp luật về lao động cho 1.648 lượt người lao động (trong đó, lao động có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp là 856 lượt người, lao động tự do là 792 lượt người). Hướng dẫn cho 49 lao động hoàn thiện các thủ tục để xuất cảnh theo Chương trình lao động thời vụ tại Hàn Quốc vào cuối tháng 10 và 30 lao động xuất cảnh cuối tháng 11/2024.
Nhờ có các chính sách tạo việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo, tỉnh Nam Định đã hỗ trợ tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tìm việc làm, tham gia thị trường lao động, chuyển đổi cơ cấu việc làm theo hướng đa dạng hóa sinh kế, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, góp phần ổn định xã hội.
Từ những kết quả trên cho thấy, trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách ASXH, tỉnh Nam Định đã giải quyết đúng đắn mỗi quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển kinh tế với ASXH. Thực hiện các mục tiêu kinh tế đi kèm với thực hiện tốt chính sách ASXH, do đó việc bảo đảm ASXH ở tỉnh đã tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, góp phần ổn định về chính trị, an toàn xã hội, huy động nguồn lực bảo đảm ASXH cho người dân, phát huy nội lực trong thực hiện chính sách xã hội.
Đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn |
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách ASXH, Nam Định cần thực hiện những giải pháp có tính toàn diện nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục các bất cập, hạn chế tập trung phát huy tính chủ động sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện chính sách ASXH bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu quả. Cụ thể hóa các chính sách ASXH thành các đề án, chương trình, kế hoạch có sự phân công, phối hợp của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện; thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm những vi phạm về chính sách ASXH.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương thức, thủ tục bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả trong thực hiện chính sách ASXH; nhất là đổi mới quy trình triển khai chính sách trong khâu xác định đối tượng thụ hưởng, tổng hợp danh sách và giải quyết kịp thời cho đối tượng hưởng trợ cấp; từng bước tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ hệ thống ASXH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trong nhân dân nhằm tăng cường tinh thần tương thân, tương ái, sẵn sàng tham gia vào các hoạt động vì cộng đồng và xã hội, vì sự phát triển phồn vinh của tỉnh.