Mục tiêu đến năm 2030 thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh
Sự kiện 07/11/2023 11:09
Theo đó, trả lời chất vấn đề vấn đề chỉnh trang xây dựng đô thị Việt Nam theo hướng hiện đại, xanh, sạch, thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 06 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Nghị quyết đã khẳng định vai trò của hệ thống đô thị Việt Nam, đánh giá những kết quả cũng như các tồn tại, thách thức.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. |
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động, trong đó đưa ra mục tiêu đến năm 2030 thực hiện đầu tư trọng tâm, trọng điểm các đô thị có khả năng chống chịu, giảm phát thải, thông minh, có bản sắc, hoàn thiện điều kiện hạ tầng đô thị, đúng như mong muốn của đại biểu. Chương trình của Chính phủ cũng đề ra 5 nhóm nhiệm vụ cụ thể gồm: thống nhất nhận thức, hành động về quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển bền vững đô thị Việt Nam; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý đô thị bền vững; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết…
Với các nhiệm vụ này, Chính phủ tiếp tục đề ra 33 giải pháp cụ thể, trong đó có 19 nhiệm vụ về xây dựng cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật, 14 nhiệm vụ về đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, liên kết ứng phó biến đổi khí hậu. Bộ Xây dựng đang tập trung triển khai 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp để có thể thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch trong nội dung này, gồm: Thứ nhất, tập trung thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQ-CP của Chính phủ.
Thứ hai, tập trung nghiên cứu xây dựng pháp luật – công cụ để quản lý phát triển đô thị, như Luật Quy hoạch Đô thị - Nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các văn bản hướng dẫn…
Thứ ba, sớm trình ban hành Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn; Đổi mới phương pháp luật quy hoạch; nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị…
Thứ tư, phân cấp để thúc đẩy nguồn lực thực hiện quy hoạch, đầu tư hệ thống hạ tầng đô thị…; Thứ năm, đẩy mạnh nghiên cứu các mô hình đô thị phù hợp; Thứ sáu, đẩy nhanh, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá…
Thứ bảy là tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý đô thị, cán bộ chuyên môn về đô thị, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý đô thị…; Thứ tám, xây dựng mô hình chính quyền đô thị.