Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS), từng có lịch sử oanh liệt như một “tượng đài” với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Các thập niên 60 -70 - 80 thế kỉ trước, Hãng phim truyện Việt Nam vô cùng thiêng liêng trong trái tim người Việt, góp phần đắc lực vào việc động viên, cổ vũ quân và dân ta giành thắng lợi trong sự nghiệp giải phóng đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Với cái nhìn trân trọng, Hãng Phim truyện Việt Nam cũng là một thứ tài nguyên văn hóa đặc biệt, vô giá. Bề dày truyền thống, giá trị thương hiệu của hãng không thể đo đếm được bằng tiền.
|
Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thuỵ Khuê - Hà Nội. Ảnh: TL. |
Thời gian qua, những người yêu điện ảnh Việt cho rằng không nên để tình trạng bi đát hiện nay của VFS kéo dài. Trước cơn “sóng dữ” của cổ phần hóa, những vướng mắc về nguồn lực tài chính cũng như công nợ, các nghệ sĩ có nguyện vọng muốn về VOV. Việc “nhập hộ khẩu” của VFS vào VOV tuy có thể khó khăn bước đầu, nhưng điều kiện phát triển tin là sẽ có nhiều hứa hẹn.
Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) là đài quốc gia có bề dày truyền thống trên 70 năm, hiện có trong tay nhiều phương tiện, trang thiết bị làm nghệ thuật hiện đại không thua kém gì các đơn vị truyền thông đa phương tiện trong khu vực và trên thế giới. VOV có một trường quay 1.500 chỗ ngồi, với hàng chục studio âm thanh, có xưởng đạo cụ bề thế. Đài có Ban văn nghệ, Ban âm nhạc, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam hùng hậu với dàn nhạc bán cổ điển, dàn nhạc dân tộc, đoàn ca nhạc mới, đoàn dân ca và nhạc cổ truyền… Với tiềm lực ấy, VOV hoàn toàn có thể nâng nền công nghiệp truyền thông và điện ảnh nước nhà đi lên.
Việc đưa VFS về VOV, rất được nhiều người Việt yêu nghệ thuật thứ 7 đồng tình, mong đợi. Nếu VFS về VOV sẽ là một thành viên hòa hợp trong gia đình truyền thông - nghệ thuật thứ 7, có thể đoàn kết để cùng nhau phát triển.
Ai cũng biết, “tài sản” quý nhất của VFS chính là đội ngũ người làm phim nghệ thuật tài năng đã được tuyển chọn, đào tạo, trui rèn thành người nghệ sĩ chân chính đã hàng chục năm. Những con người đó cần được trân trọng và tạo điều kiện cả vật chất và tinh thần, có một môi trường làm việc dễ chịu, để họ được tiếp tục cống hiến, phát huy.
Để không đánh mất thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam, Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta nên ủng hộ phương án cho phép VOV “mở rộng vòng tay” tiếp nhận. Nếu được như thế, Hãng Phim truyện Việt Nam sẽ không phụ lòng mong đợi của đồng bào cả nước, nhất định sẽ có bước phát triển mới trong tương lai./.
Tường Minh