Mái nhà ấm áp, nghĩa tình của thương, bệnh binh Thanh Hóa
Vì Người cao tuổi 24/11/2023 10:22
Mái ấm gia đình
Chúng tôi ghé thăm Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa (TP Sầm Sơn) vào một ngày giữa tháng 11. Trong tiết trời lạnh những ngày đầu Đông, một số thương, bệnh binh tranh thủ thời điểm trời có nắng để hong phơi quần áo. Trong khi, một số thương, bệnh binh khác đang chuẩn bị cơm trưa.
Cụ Trịnh Hữu Dần (86 tuổi), quê ở xã Hợp Thành, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa là thương binh nặng, sống lâu năm tại trung tâm. Cụ bị gãy chân trái và thương tích nặng ở phần đầu trong khi tham gia chiến đấu.
Trò chuyện với chúng tôi, cụ Dần chia sẻ: Năm 1967, để lại người vợ hậu phương cùng 3 con thơ, cụ lên đường nhập ngũ, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Năm 1968, cụ tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân thì bị thương và bị địch bắt. Sau nhiều năm bị tù đày ở Biên Hòa (Đồng Nai) đến nhà tù Phú Quốc (Kiên Giang), năm 1973, cụ được trao trả tại bến sông Thạch Hãn (Quảng Trị).
Phóng viên trò chuyện với cụ Nguyễn Thị Bồng. |
Khi đất nước thanh bình, vợ chồng ông bà sinh thêm 3 người con. Tuy nhiên, do các con đều làm ăn, sinh sống xa quê, nên cụ chuyển vào sống tại Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa.
“Môi trường sinh hoạt ở trung tâm rất sạch sẽ và lành mạnh. Điều kiện sinh hoạt cũng đủ đầy. Có những người bạn già tại trung tâm thường xuyên chia sẻ nên cũng vơi đi nỗi buồn xa con, cháu”, cựu binh già bộc bạch.
Trong khi đó, với cụ Nguyễn Thị Bồng, 84 tuổi, quê ở xã Hoằng Cát, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm là mái nhà ấm áp nghĩa tình.
Kể từ ngày chồng hi sinh tại chiến trường miền Nam (năm 1966), cụ Bồng không đi bước nữa mà ở vậy thờ chồng. Từ năm 1963, cụ công tác tại UBND xã Hoằng Cát, từng giữ chức Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã; sau đó, cụ chuyển lên công tác tại UBND huyện Hoằng Hóa cho đến lúc nghỉ hưu. Vì không có con cái nên sau khi về hưu, cụ Bồng chuyển vào Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa ở cho đến nay.
Cụ Bồng tâm sự: “Nếu vẫn ở quê nhà, có lẽ tôi chẳng còn sống được đến giờ! Vào đây, lúc ốm đau thì có thuốc thang, lúc khỏe mạnh thì tâm sự, trò chuyện với các bạn già. Từ ngày vào đây, tôi cảm nhận được mái ấm tình thương của mọi người, điều kiện sinh hoạt, ăn uống cũng đủ đầy, tinh thần cũng rất thoải mái, yên tâm”.
Quan tâm đến sức khỏe tinh thần, thể chất
Theo báo cáo của Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công Thanh Hóa, hiện Trung tâm đang quản lí, nuôi dưỡng 235 người. Trong đó, thương, bệnh binh tổng hợp: 42 người; thương, bệnh binh tâm thần: 62 người; thân nhân liệt sĩ: 24 người và bị nhiễm chất độc da cam: 107 người.
Mỗi thương, bệnh binh hay thân nhân liệt sĩ đều có hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy với tinh thần trách nhiệm, lãnh đạo Trung tâm luôn quan tâm, chỉ đạo hội đồng chuyên môn thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng với người có công và thân nhân người có công.
Thường xuyên cập nhật, nắm bắt tình hình sức khỏe; khám bệnh định kì, phân công y sĩ, điều dưỡng viên theo dõi tình trạng sức khỏe. Căn cứ tình trạng bệnh tật, để chỉ định phương thức điều trị, chăm sóc và điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với độ tuổi và bệnh lí của từng trường hợp.
Hàng ngày, Trung tâm cũng tổ chức giao ban, đánh giá tình hình sức khỏe của bệnh nhân, kịp thời phát hiện những trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe,...
Đặc biệt, việc phục vụ ăn uống cho các thương, bệnh binh được bảo đảm về định lượng và chất lượng trong từng bữa ăn. Nhà bếp thường xuyên cải tiến chế biến món ăn phù hợp với thương tật, bệnh lí, tâm lí và độ tuổi; cũng như chú trọng tới công tác an toàn vệ sinh thực phẩm,...
Xác định sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng, Trung tâm đã trang bị ti vi, máy điều hòa, quạt tại các phòng phục vụ cho các thương, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Ngoài ra, tại hội trường cũng trang bị bộ loa đài phục vụ hoạt động văn hóa - văn nghệ vào dịp lễ, Tết.
Tại khuôn viên, cùng với cây xanh, Trung tâm còn trang bị nhiều ghế đá, bàn cờ, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh, giúp các thương, bệnh binh vơi bớt nỗi đau.